Nếu chăm chỉ tìm hiểu lịch sử thế giới một chút, bạn sẽ hiểu cái tên Vesuvius đáng sợ đến thế nào. Đây là tên của một ngọn núi lửa tại Ý đã từng gây ra thảm họa khủng khiếp và cực kỳ nổi tiếng trong lịch sử loài người gần 2000 năm trước.
Đó là thảm họa Pompeii, xảy ra vào năm 79 sau CN.
Theo lịch sử ghi chép lại, Vesuvius phun trào khi đó đã bất ngờ phun nham thạch kèm theo những cột tro bụi khổng lồ. 16.000 người đã chết, trong khi thị trấn Pompeii của thành bang La Mã cổ thì bị chôn vùi dưới lớp đá và tro núi lửa dày hàng chục mét.
Sau này, các nhà khảo cổ tìm thấy di thể các nạn nhân với đủ mọi tư thế. Họ bị đông cứng ngay tức khắc bởi nham thạch, nên di thể được bảo quản gần như nguyên vẹn theo thời gian.
Di thể các nạn nhân tại Pompeii
Nhưng đó là câu chuyện xảy ra ở Pompeii. Cũng trong sự kiện ấy, Vesuvius còn chôn vùi cả Herculaneum - thị trấn nằm gần ngọn núi nhất. Và theo như một nghiên cứu mới đây, thảm họa xảy ra với người dân của Herculaneum còn đáng sợ và bi kịch hơn rất nhiều.
Cụ thể, nhóm chuyên gia khảo cổ tại ĐH Federico II (Ý) đã xét nghiệm 103 bộ xương tại 12 hầm trú ẩn đầy tro bụi của Herculaneum. Họ tìm thấy các dư lượng khoáng chất màu đỏ và đen có trong xương và hộp sọ của các nạn nhân, cả trong lớp tro bụi xung quanh khung xương.
Các chuyên gia cho biết, những hợp chất này có chứa sắt và oxit sắt - những hóa chất xuất hiện khi máu bị đun sôi và hóa hơi.
Bạn có biết điều này nghĩa là gì không? Các nạn nhân tại Herculaneum đã ở quá gần núi lửa. Họ phải chịu đựng một sức nóng cực kỳ khủng khiếp, nóng đến nỗi máu trong cơ thể họ sôi lên và biến thành hơi nước.
Dấu vết cho thấy hộp sọ nạn nhân chịu áp lực từ trong ra, gây nứt vỡ, thậm chí là nổ tung
Chưa dừng lại ở đó! Khi khám nghiệm các vết nứt trên sọ, nhóm chuyên gia còn tìm thấy dấu hiệu của một lực cực mạnh xuất phát từ bên trong. Và từ đây, họ đặt ra một giả thuyết hết sức bi kịch: não của các nạn nhân bị đun sôi, tạo ra áp lực cực mạnh khiến cả hộp sọ bị nổ tung.
"Đây là các bằng chứng thực nghiệm đầu tiên cho thấy cái chết của các nạn nhân tại Herculaneum là vì dịch cơ thể bị hóa hơi sau khi tiếp xúc với nguồn nhiệt quá lớn," - trích trong báo cáo nghiên cứu.
"Các khám nghiệm cho thấy xương sọ của nạn nhân có các vết nứt do những vụ nổ từ bên trong gây ra,"
"Hiệu ứng ấy thường xuất hiện do tiếp xúc với nguồn nhiệt quá lớn, kèm áp lực do não bộ trương lên, khiến hộp sọ vỡ ra."
Đây mới chỉ là giả thuyết, chưa phải là kết luận chính thức. Hiện tại, các chuyên gia cũng chưa thể chắc chắn dư lượng sắt trong xương nạn nhân có phải do máu bị đun sôi. Bởi lẽ, có khả năng nạn nhân tiếp xúc với các vật dụng kim loại như tiền xu, nhẫn...
Tuy nhiên, một số bộ xương không có bất kỳ vật dụng kim loại nào xung quanh mà vẫn cho thấy dư lượng sắt, nên khả năng nguyên nhân đến từ việc máu bốc hơi là rất lớn.
Được biết, 12 căn hầm này được đặt dọc theo bờ biển tại Herculaneum. Ở thời điểm thảm họa xảy ra, có khoảng 300 người đã trốn xuống đây để tránh sự giận dữ của "thần lửa". Tiếc là căn hầm thô sơ đã không thể làm gì được trước sức nóng khủng khiếp đến từ núi lửa Vesuvius.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.
Tham khảo: Daily Mail, Science Alert