Não bộ của một game thủ đã vượt trội hơn người không chơi game, ít nhất là ở nghiên cứu mới được Đại học Bang Georgia thực hiện. Trong báo cáo khoa học xuất bản trên tạp chí Neuroimage: Reports, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy game thủ sở hữu kỹ năng ra quyết định tốt hơn, đồng thời nhận thấy một số vùng não chủ chốt hoạt động tối ưu hơn.
Theo lời các tác giả, phát hiện mới cho thấy trò chơi điện tử có thể được dùng làm công cụ trau dồi khả năng đưa ra quyết định dựa trên cảm giác.
“Một phần rất lớn giới trẻ chơi điện tử nhiều hơn 3 giờ mỗi tuần, nhưng những lợi ích có được cho não và cho khả năng đưa ra quyết định vẫn chưa được hiểu thấu đáo”, một trong các tác giả, giáo sư Mukesh Dhamala tới từ Ban Vật lý và Thiên văn học trực thuộc Đại học Bang Georgia cho hay.
“Công trình của chúng tôi cung cấp một số câu trả lời cho vấn đề đó. Trò chơi điện tử có thể sử dụng trong huấn luyện - chẳng hạn như huấn luyện kỹ năng đưa ra quyết định hiệu quả và các nỗ lực chữa bệnh - một khi những tín hiệu não liên quan [tới hành động chơi điện tử] được xác thực”.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tim Jordan trực tiếp đưa kinh nghiệm bản thân vào báo cáo khoa học, mong muốn nhấn mạnh tác dụng của trò chơi điện tử trong huấn luyện não bộ. Từ thuở nhỏ, thị lực một bên mắt của ông Jordan đã yếu hơn bình thường. Khi tham gia một khóa nghiên cứu khi mới 5 tuổi, ông được yêu cầu chỉ sử dụng mắt có thị lực yếu để chơi game nhằm cải thiện khả năng quan sát của con mắt kém.
Ông Jordan khẳng định nhờ trò chơi điện tử, con mắt yếu của ông đã đủ khả năng phân tích hình ảnh, sau này giúp ông chơi được cả môn bóng vợt và bắn súng sơn. Hiện ông đã lấy bằng tiến sĩ ngành Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Bang Georgia, và đang công tác tại Đại học California.
Timothy Jordan, tác giả chính của nghiên cứu mới.
Để khẳng định lợi ích của trò chơi điện tử với não bộ, ông Jordan chọn ra 47 tình nguyện viên độ tuổi học đại học, trong đó 28 người có chơi điện tử, 19 người không phải game thủ.
Các tình nguyện viên nằm trong một máy chụp cộng hưởng từ để quan sát tín hiệu não bộ, mắt họ theo dõi một chấm di chuyển trên tấm gương đặt trước mặt. Cạnh tay trái và phải tình nguyện viên có hai nút bấm, được dùng khi họ xác định được chấm di chuyển về phía nào. Nếu chấm không di chuyển, họ sẽ không cần bấm nút.
Kết quả cho thấy nhóm những người có chơi game phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn. Kết quả đo cộng hưởng từ cho thấy tín hiệu não trên người có chơi điện tử tăng cường hoạt động ở một số khu vực nhất định.
“Kết quả cho thấy hành động chơi điện tử có tiềm năng tăng cường [quá trình] hình thành việc cảm nhận, quan sát, hay liên kết hành động để cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định”, các tác giả viết trong báo cáo. “Những kết quả này bắt đầu chỉ ra cách trò chơi điện tử thay đổi não bộ của ta, để cải thiện hiệu năng và tiềm năng cải thiện một số tác vụ nhất định”.
Hai chỉ số tốc độ và độ chính xác cũng không chịu ảnh hưởng từ nhau, các nhà nghiên cứu đồng thời chỉ ra rằng game thủ đều đạt điểm cao trong hai chỉ số vừa nêu.
“Việc tốc độ và độ chính xác không ảnh hưởng từ nhau cho thấy chơi điện tử có thể trở thành bài thử nhận thức khi nó đi đôi với khả năng ra quyết định”, các tác giả kết luận.
Theo ScitechDaily