Nghiên cứu 40.000 cặp đôi trong nửa thế kỷ: Muốn hạnh phúc dài lâu chỉ cần nói 2 CHỮ

THẠCH ANH |

Cụm từ quan trọng nhất mà các cặp đôi hạnh phúc thường xuyên nói với nhau không phải là "Anh yêu em" hay "Xin lỗi" mà sẽ khiến bạn bất ngờ.

Cặp đôi nhà tâm lý học, Tiến sĩ John Gottman và Tiến sĩ Julie Gottman là đồng sáng lập Viện Gottman cũng như một cơ quan chuyên nghiên cứu về tình yêu. Trong suốt 50 năm nghiên cứu và 35 năm ở bên nhau, họ đã tiếp xúc với 40.000 cặp đôi để rút ra những bài học sâu sắc nhất về mối quan hệ bền vững .

Các tiến sĩ nhận định, mặc dù mỗi cá nhân trong một mối quan hệ là hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm chung mà tất cả chúng ta đều có: Chúng ta đều muốn được trân trọng, và được công nhận nỗ lực bởi nửa kia.

Cụm từ quan trọng số 1 trong một mối quan hệ thành công: "Cảm ơn"

Một xu hướng không tốt mà nhiều cặp đôi vấp phải đó là dễ dàng nhìn nhận ra lỗi sai của đối phương hơn là công nhận nỗ lực của nửa kia. Điều này không có gì là lạ, bởi lẽ một vài chấm đen trên tờ giấy trắng luôn dễ dàng chỉ ra hơn cả.

Khi vẫn duy trì thái độ này, chúng ta cũng dễ dàng rơi vào cái bẫy cho rằng mình là người duy nhất đang nỗ lực trong mối quan hệ, từ đó phủ nhận cố gắng của đối phương và vô tình đẩy họ ra xa.

Nghiên cứu 40.000 cặp đôi trong nửa thế kỷ: Muốn hạnh phúc dài lâu chỉ cần nói 2 CHỮ - Ảnh 1.

Bạn có thể nói "cảm ơn" theo phản xạ mà không cần suy nghĩ với đồng nghiệp của mình, với thu ngân ở siêu thị hoặc với một người lạ giữ cửa cho mình.

Nhưng trong những mối quan hệ mật thiết nhất, chúng ta có thể quên mất việc nói "cảm ơn" thực sự quan trọng như thế nào. Không phải vì chúng ta không biết ơn, mà đôi khi vì đã quá quen với sự hiện diện hay lòng tốt của người kia mà ta vô thức cho rằng đó là điều hiển nhiên.

Đối với nhiều cặp đôi mà vợ chồng tiến sĩ Gottman đã làm việc cùng, họ nhận thấy rằng khi một người bắt đầu biết đánh giá cao người kia, người còn lại sẽ dễ dàng tham gia và củng cố chu kỳ đó. kết quả là cả hai ngày càng trân trọng nhau hơn.

Để phát triển thói quen có lợi này, các tiến sĩ gợi ý chúng ta có thể làm theo 2 bước sau:

Bước 1: Hãy rộng lòng quan sát

Dành nhiều sự quan tâm nhất có thể để dõi theo nửa kia, ở bên họ thật nhiều. Viết ra những gì họ làm, đặc biệt là những điều tích cực! Đừng viết ra những điều tiêu cực nhỏ nhặt, chẳng hạn như quên làm việc nhà.

Thay vào đó, hãy để ý tới từng hành động tích cực cụ thể của nửa kia dù là nhỏ nhất, chẳng hạn như nhặt món đồ chơi con bạn để trên sàn, nghe giùm điện thoại, xách hộ chiếc túi, hoặc thậm chí là rửa bát. Bạn không cần phải giấu rằng mình đang dõi theo họ rất kỹ, cho họ biết rằng bạn đang quan sát để hiểu rõ về một ngày của họ hơn.

Tiến sĩ nhận định mặc dù bị "theo dõi", hành vi của mọi người đa phần sẽ không thay đổi.

Bước 2: Nói "cảm ơn"

Cảm ơn họ vì điều gì đó họ đang làm đúng theo thói quen, ngay cả khi việc đó nhỏ, thậm chí nếu họ làm điều đó hàng ngày - mà thực ra là càng nên cảm ơn nếu việc đó nhỏ và họ làm hàng ngày!

Nghiên cứu 40.000 cặp đôi trong nửa thế kỷ: Muốn hạnh phúc dài lâu chỉ cần nói 2 CHỮ - Ảnh 2.

Nhưng đừng chỉ nói "Này, cảm ơn anh/em". Nói với họ tại sao điều nhỏ nhặt đó lại quan trọng đối với bạn, chẳng hạn: "Cảm ơn em đã pha cà phê mỗi sáng. Em thích thức dậy với mùi cà phê và nghe được tiếng anh trong bếp. Điều đó khiến em muốn bắt đầu ngày mới ngay".

Tất nhiên việc hình thành thói quen này sẽ rất khó trong giai đoạn đầu, vì lẽ đó vợ chồng tiến sĩ gợi ý bạn 3 vấn đề thường gặp và giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.

1. Nếu bạn không có nhiều thời gian quan sát nửa kia

Hãy bắt đầu "trao đổi" các công việc thường ngày để hiểu được khó khăn của nhau mà từ đó trân trọng nhau hơn. Chẳng hạn, nếu bạn luôn là người đưa con đến trường, hãy để nửa kia bắt đầu làm thay trong một số ngày. Nếu họ luôn là người đi chợ và nấu ăn, hãy thử vào bếp thay họ.

2. Nếu bạn vẫn vật lộn với cảm xúc tiêu cực về nửa kia

Cố gắng tách biệt những cảm giác tiêu cực về những gì đã xảy ra trong quá khứ và để chúng vào một góc. Tập trung vào hiện tại, vào con người họ lúc này mà thôi. Quan sát một cách khách quan.

Hãy tự hỏi: "Tôi có từng có những cảm xúc tiêu cực này trước khi mối quan hệ này bắt đầu không? Với ai? Điều gì đã khơi dậy những cảm xúc đó?".

Xác định, đặt tên và tìm nguồn gốc của những loại suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực này có thể giúp bạn loại bỏ chúng.

3. Nếu có cảm giác như bạn đang nhìn thấy những điều tích cực, nhưng nửa kia của bạn thì không

Hãy nhớ rằng, bạn đang cố gắng thay đổi thói quen tinh thần của chính mình để trở nên tích cực hơn, thay vì cố gắng thay đổi con người họ.

Xét cho cùng, cách họ suy nghĩ và cảm nhận không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nhưng thay đổi cách nhìn thế giới của chính bạn thôi đã tạo ra một động lực mạnh mẽ. Bạn đang phá vỡ chu kỳ tiêu cực (nếu có) và từ chối tiếp thêm nhiên liệu cho nó. Và chỉ riêng điều đó đã tạo ra một sự khác biệt đáng kể cho mối quan hệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại