Câu chuyện thứ nhất: Chuyện trong rạp chiếu phim
Mọi người đang chăm chú xem phim, chỉ có một bé trai nhảy qua nhảy lại trên ghế, thi thoảng lại cười rất to. Từ lúc vào rạp, bé nghịch ngợm đã khoảng nửa tiếng, người mẹ ngồi ngay bên cạnh không nói gì.
Một người lớn gần đó có chút khó chịu nói với chị ta: "Chị bảo cháu đi. Ầm ĩ quá." Người mẹ đó cũng chẳng quay đầu lại mà nói: "Trẻ con trời sinh là vậy." Sau đó chị ta lại tiếp tục xem phim.
Lúc sau thằng bé ra khỏi ghế ngồi, chạy đi chạy lại trong rạp chiếu phim. Chạy một lát, mệt nhoài nhưng trong rạp quá tối, nó không tìm được mẹ, khóc òa lên gọi mẹ.
Nó khóc mãi, khóc mãi mà chẳng có ai dỗ, một người đàn ông nói với nó: "Mẹ cháu chết rồi." Bé trai sững người ở đó, không dám động đậy.
Có một loại giáo dục được tâng lên trời gọi là để trẻ tự do phát triển. Mọi đặc điểm của trẻ đều có thể quy là trời sinh. Dù là tốt hay xấu thì đều tự nhiên hợp lý, không thể chối cãi, không thể áp đặt.
Một giáo sư trường đại học Thanh Hoa, Trung Quốc từng nói: "Sự lừa đảo lớn nhất của giáo dục chính là 3 trò lừa dối: Vui học, học vô ích và để trẻ tự do phát triển đang từng bước, từng bước bóp méo sự trưởng thành của trẻ."
Câu chuyện thứ 2: Trẻ không có ý thức về quy tắc
Tại một quán lẩu ở Vô Tích, Giang Tô, người lớn đều ngồi vào bàn dùng bữa, chỉ có một đứa trẻ chạy đi chạy lại ở lối đi, từ đầu này đến đầu kia, từ đầu kia lại đầu này. Mẹ cậu bé chỉ thủng thẳng đi theo sau, không trách mắng cũng không ngăn cản.
Chắc họ cho rằng con mình hoạt bát đáng yêu, căn bản không cần quản lý.
Ảnh minh họa.
Khi con chị chạy đến một góc quán thì húc phải nhân viên phục vụ đang xoay người bê một nồi lẩu cá. Trán cậu bé va ngay phải nồi lẩu sôi sùng sục. Bi kịch xảy ra trong nháy mắt, bé trai bị bỏng khắp người.
Sau đó, bố mẹ đứa bé đó chưa qua bất kỳ giám định nào, cũng không theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào, ngạo mạn đòi bồi thường 1,3 tỷ đồng: "Bồi thường hay không không quan trọng. Con nhà ai bị bỏng thành ra thế này mà không đáng 1,3 tỷ chứ?"
Trách nhiệm của bố mẹ với con cái đã bị họ phủi sạch sẽ.
Tại sao trẻ lại thiếu ý thức về quy tắc như thế?
Vì trong mắt người lớn, bản tính của trẻ em cao hơn quy tắc. Trẻ nhỏ bản tính hiếu động, thế nên có thể chạy nhảy, làm ầm ĩ một cách vô ý thức.
Càng ngày càng nhiều trẻ bỏ qua quy tắc, cũng vì vậy mà tạo thành ngày càng nhiều bi kịch.
Câu chuyện thứ 3: Trẻ không có ý thức sợ hãi
Ở Long Hồi, Hồ Nam, Trung Quốc từng xảy ra một vụ giết người. Một bà cụ 73 tuổi bị người ta giết chết ngay ở cửa nhà mình. Cảnh sát lập tức đến hiện trường.
Sau chưa đầy 5 tiếng đồng hồ, vụ án được kết luận: Hung thủ là một đứa trẻ 13 tuổi. Chiều hôm xảy ra vụ án, đứa trẻ chơi ở gần nhà bà cụ.
Bị bà trách mắng 1 trận, nó không nói câu nào, lấy ngay con dao chẻ nan ở cửa lao thẳng đến chỗ bà cụ, dùng hết sức mình đâm bà một nhát dao chết ngay tức khắc. Sau đó thằng bé lấy gần 2 triệu rưỡi trên người bà lão rồi trốn khỏi hiện trường.
Ở Thiệu Đông, Hồ Nam cách đó không xa cũng từng xảy ra vụ án tương tự.
Ngày 18/10/2015, ba đứa trẻ sống xa bố mẹ đến trường tiểu học Tân Liêm chơi. Hôm đó là ngày nghỉ nên cổng trưởng đóng kín. Chúng trèo tường vào. Sau khi vào trong trường, chúng cậy cửa một quầy hàng nhỏ, lấy trộm bánh bao, kẹo mút các loại.
Đúng lúc đó cô giáo trực ban phát hiện ra. Vì sợ bị bắt, 3 đứa trẻ đã dùng gậy gỗ đánh cô giáo đó sống dở chết dở rồi bỏ chạy. Hôm sau, chúng bị cơ quan công an bắt giữ.
Trẻ sống xa bố mẹ luôn được để hoàn toàn tự do, không có người chăm sóc, càng không có người quản lý, bản tính được thả lỏng hết mức. Kết quả cuối cùng là gây ra những bi kịch không thể cứu vãn.
Trong lòng mỗi đứa trẻ đều ẩn náu một ác ma. Không trói buộc và quản lý sớm, để trẻ tự do vô điều kiện sẽ chỉ khiến chúng thiếu mất lòng sợ hãi cơ bản nhất.
Câu chuyện thứ 4: Trẻ không có ý thức kỷ luật
Có người mẹ ở một gia đình rất bình thường, bố mẹ bình thường, con cái cũng bình thường, chỉ là sau khi đọc cuốn sách của chuyên gia nổi tiếng nào đó, chị ta quyết định bắt chước cách giáo dục trẻ của ông ta – nuôi tự do.
Người mẹ này chưa bao giờ quản lý con mấy giờ dậy, mấy giờ ngủ vì chị cho rằng trẻ có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân. Còn về học tập, sở thích là quan trọng nhất, không có bất cứ ép buộc nào.
Kết quả là 3 năm sau, bị kịch đã xảy ra. Thành tích học tập khỏi phải nói. Vốn đứa trẻ đó ở mức trên trung bình, đến nay điểm số các môn cơ bản đều thấp nhất lớp.
Những đứa trẻ khác thường có một đến hai sở trường, còn chị ta thì sao? Chẳng có bất kỳ sở trường nào nhưng chơi điện tử lại rất siêu.
Con nhà người khác không mang di động đến trường, con chị được thả tự do, thời gian chơi điện tử mỗi ngày đều hơn 8 tiếng đồng hồ, thường xuyên đi học muộn, có lần còn tiêu tốn đến 7 triệu đồng vào trò chơi điện tử…
Chị ta không hiểu tại sao phương pháp giáo dục tốt như thế mà từ đầu đến cuối lại ra kết quả này?
Thực ra phương pháp nuôi tự do không chỉ hủy hoại mình đứa trẻ này.
Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về việc trẻ có ý thức tự quản lý. Điều tôi nghi ngờ là ý thức kỷ luật của con không mạnh như chúng ta tưởng tượng nhưng lại có rất nhiều bố mẹ phóng đại không giới hạn.
Có thể đến cuối cùng không phải con trẻ nắm giữ số phận mà là điện thoại di động nắm giữ con trẻ.
Một đứa trẻ không hiểu kỷ luật sẽ mãi mãi không có tương lai. Nuôi tự do, thả tự do sẽ chỉ khiến trẻ mất đi năng lực kiểm soát cơ bản nhất. Sau này, những đứa trẻ như thế sẽ không có bất kỳ sức cạnh tranh nào.
Rất nhiều người nói nền giáo dục nước ngoài tự do như thế, tiên tiến như thế, tôn trọng ý muốn của trẻ nhỏ như thế nhưng lại cố tình hoặc vô tình bỏ qua điểm mấu chốt, trước sự tự do này còn có một biên giới rất rõ ràng có những việc có thể làm, có những việc quyết không thể làm.
Thực ra ở bất kỳ nước nào cũng vậy, nuôi tự do chưa bao giờ là cách giáo dục tốt.
Bố mẹ nên cho con cái tự do nhưng tự do này không phải là vô hạn, vô nguyên tắc, không có tiết chế, càng không phải là dung túng và không làm gì.
Để tự do và khoan dung ở mức nhất định là đúng nhưng trước sự tự do đó phải có một giới hạn rõ ràng, có những chuyện có thể tha thứ nhưng có những giới hạn kiên quyết không thể vượt qua.