Kuwait là một trong những quốc gia giàu có và xuất khẩu năng lượng lớn trên thế giới. Nước này đứng thứ 7 thế giới xét về trữ lượng dầu mỏ với 101 tỷ thùng, chiếm 6% trữ lượng toàn cầu.
Nhưng vào tháng 6, khi nhiệt độ tăng cao, cô Shaikha al-Shammari – một giáo viên tiểu học ở Kuwait, phải đứng dạy trong bóng tối vì điện mất đột ngột. Tháng trước, cô và các con cũng phải vật lộn với cảnh mất điện khiến điều hòa ngừng chạy.
Anh Mishari al-Olyan, một luật sư 40 tuổi, cho biết tình trạng mất điện luân phiên gần đây trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao là một “thảm họa”. Bố anh cần duy trì bình oxy để thở, và tất nhiên bình cần điện để hoạt động. Vì vậy, anh luôn đảm bảo có một máy dự phòng được sạc đầy điện.
“Từ khi nào một quốc gia như Kuwait lại bị cắt điện vậy?” anh Mishari al-Olyan thốt lên.
Các vấn đề về điện ở Kuwait xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Khi trái đất nóng lên, nhu cầu tăng cao đã vượt xa công suất lưới điện. Trong khi đó, thủ tục hành chính chậm trễ khiến nỗ lực mở rộng lưới điện gặp khó. Kuwait cũng đã chuyển đổi từ đốt dầu tạo ra điện sang khí đốt tự nhiên. Và vì nước này sản xuất tương đối ít khí đốt nên cần phải nhập khẩu.
Tình trạng mất điện ở Kuwait vào mùa hè này cho thấy những thách thức mà ngay cả các quốc gia giàu có trong khu vực phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống trên khắp Trung Đông.
Vào tháng 4, mưa lớn đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở Dubai, tàn phá sân bay quốc tế của thành phố này. Và vào tháng 6, đợt nắng nóng nghiêm trọng đã phần nào khiến 1.300 người hành hương ở Ả Rập Xê Út thiệt mạng.
Tình trạng mất điện vào mùa hè không phải là mới ở Kuwait mà vốn đã xảy ra thường xuyên kể từ năm 2006. Nhưng năm nay, Bộ Điện lực, Nước và Năng lượng tái tạo Kuwait đã tăng cường cắt điện luân phiên.
Vào ngày 18/8, bộ thông báo sẽ cắt điện tại một số khu vực và yêu cầu người dân tiết kiệm điện trong giờ cao điểm từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bộ cho biết nguyên nhân cắt điện là do “gián đoạn nguồn cung” khí đốt tự nhiên.
Trong một thông báo vào mùa hè này, bộ cho biết tình trạng mất điện vào tháng 6 là do “các nhà máy phát điện không thể đáp ứng nhu cầu lớn trong thời gian cao điểm, cộng với nhiệt độ cao hơn so với những năm trước”.
Sarah Hashem Ibrahim, một giáo viên cấp 2, nói rằng cô thấy học sinh của mình bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng bức, khó tập trung hơn. Tháng 7-8, Kuwait nhiều lúc ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 50 độ C.
“Khi trời quá nóng và mất điện, toàn bộ cuộc sống của bạn sẽ dừng lại”, cô nói. “Ngay cả những công việc cơ bản hàng ngày cũng không thể tiếp tục được”.
Quốc gia vùng Vịnh Ba Tư là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đứng thứ 5 OPEC xét về sản xuất dầu. Nước này cũng sở hữu quỹ đầu tư quốc gia trị giá 980 tỷ USD. Tuy nhiên, người dân tỏ ra không hài lòng về sự quản lý yếu kém của chính phủ.
Trong một báo cáo gần đây, công ty tư vấn kinh doanh AlShall cho rằng tình trạng cắt điện xảy ra do chính quyền làm việc không có kế hoạch chứ không phải do thâm hụt tài chính hoặc thiếu nhiên liệu.
Trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra ở Kuwait do chậm trễ trong việc xây dựng các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
“Ở một quốc gia như Kuwait, khi mất điện vào mùa hè nóng nực, tức là có vấn đề về kế hoạch”, Yousef al-Zalzalah, nguyên bộ trưởng và ủy viên Quốc hội, viết trên mạng xã hội.
Nhưng ngay cả ở các quốc gia vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất IUAE) và Qatar – nơi có bộ máy hành chính hoạt động trơn tru hơn và tránh được tình trạng mất điện trên diện rộng – thì chính phủ vẫn không thể bảo vệ người dân hoàn toàn khỏi tác động của biến đổi khí hậu.
Khí thải từ nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến nóng lên toàn cầu, khiến Trung Đông đặc biệt dễ bị tổn thương. Ô nhiễm không khí và nhiệt độ cao khiến sức khỏe của lao động nhập cư suy giảm và thúc đẩy giới giàu có di cư theo mùa đến những vùng khí hậu mát mẻ hơn ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Kuwait chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người đã tăng 16% từ năm 2000 đến năm 2021.
Vào tháng 8, Tập đoàn Dầu khí Kuwait thông báo rằng họ đảm bảo được nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Qatar trong 15 năm. Tuy nhiên, nhiều người Kuwait lo ngại rằng vấn đề sẽ ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian.
“Dân số đang tăng lên, do đó mức tiêu thụ điện cũng tăng lên và đồng nghĩa với việc cắt điện cũng diễn ra thường xuyên hơn,” Sami al-Ajmi – một nhân viên công ty lọc dầu nhà nước cho biết. “Chính phủ đang cố gắng hết sức, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy giải pháp nào”.