Nghịch lý tại một cường quốc châu Á: Là nước sản xuất thực phẩm lớn thứ hai trên thế giới nhưng hàng chục triệu người vẫn lâm vào nạn đói

Yến Nguyễn |

"Nạn đói là vấn đề lớn nhất ở Ấn Độ".

Nghịch lý tại một cường quốc châu Á: Là nước sản xuất thực phẩm lớn thứ hai trên thế giới nhưng hàng chục triệu người vẫn lâm vào nạn đói- Ảnh 1.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất gạo, lúa mì, sữa và mía lớn nhất thế giới nhưng cố một nghịch lý rằng hàng chục triệu người ở quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang lâm vào cảnh đói.

“Nạn đói là vấn đề lớn nhất ở Ấn Độ”, đại diện công ty nông nghiệp toàn cầu Bunge nói với CNBC bên lề Tuần lễ giao dịch hàng hóa tổ chức tại Singapore.

“Vẫn còn hàng triệu người đang bị đói. Họ vẫn chưa nhận được thức ăn như mong muốn. Và nếu nhận được, thì thực phẩm đó không bổ dưỡng”, Amit Sharma, trưởng nhóm phụ trách thương mại toàn cầu của Bunge cho biết.

Ấn Độ là nước sản xuất thực phẩm lớn thứ hai trên thế giới dựa trên hàm lượng calo. Nhưng quốc gia này lại đứng thứ 111 trên 125 quốc gia trong Chỉ số nạn đói toàn cầu được công bố gần đây, trong đó mức độ nạn đói trong dân số Ấn Độ là được coi là “nghiêm trọng”.

Ấn Độ, với dân số 1,4 tỷ người, chiếm 1/4 số người suy dinh dưỡng trên thế giới và có tới 190 triệu người chịu nạn đói.

Hậu cần và chuỗi cung ứng

“Lý do duy nhất là vì không có chuỗi cung ứng và hậu cần”, Sharma nói.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) của Bộ Thương mại Mỹ, “cơ sở hạ tầng nghèo nàn” của Ấn Độ đã gây ra gần 40% tổn thất sau thu hoạch đối với một số sản phẩm.

Tổn thất sau thu hoạch là thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, từ khâu thu hoạch cho đến tiêu thụ. Rau củ quả hết hạn nhanh hơn khi thiếu kho lạnh và hàng trăm tấn ngũ cốc có nguy cơ bị thối rữa trong kho.

ITA cho biết các lý do khác khiến năng suất thấp của Ấn Độ bao gồm hệ thống phân phối thực phẩm “không hiệu quả”, thời tiết thất thường và bất thường, cũng như công tác đào tạo cho nông dân còn thiếu.

Vấn đề lương thực của Ấn Độ còn phức tạp hơn bởi thực tế là, tầng lớp trung lưu đang gia tăng của nước này có nhu cầu về thực phẩm nhiều hơn cũng thực phẩm có chất lượng tốt hơn.

Cách bảo hộ của Ấn Độ

Ấn Độ là nước sản xuất sữa hàng đầu thế giới và là nước sản xuất gạo, lúa mì, rau và trái cây lớn thứ hai toàn cầu.

Quốc gia này cho biết họ “tự lực và cạnh tranh quốc tế”. Tuy nhiên trong năm qua, nguồn cung không ổn định và biến động giá đối với các thực phẩm quan trọng đã khiến chính phủ phải hạn chế xuất khẩu.

Trong nỗ lực kiềm chế giá trong nước, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu hành tây từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay. Vào tháng 10/2023, nước này đã gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường vốn bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này cũng đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ tháng 7/2023.

Khi cuộc bầu cử Ấn Độ đang đến gần, một số người đang hy vọng rằng nhiều biện pháp hơn sẽ được đưa ra để hỗ trợ hệ sinh thái thực phẩm của đất nước.

Theo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại