Quý I/2017 vừa qua, kinh tế Việt Nam trở lại với nhập siêu do tốc độ nhập khẩu tăng cao.
Cùng với đó, câu chuyện thất bại của công nghiệp ô tô và bài toán 'cũ nhưng giải chưa xong' về đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng thế giới cũng vừa mới nóng hổi khiến người ta nói nhiều hơn về xuất khẩu và câu hỏi: làm sao để xuất khẩu Việt đạt đến 'chất lượng', chứ không chỉ là 'số lượng' ?
Việt Nam trở lại xuất khẩu quý I/2017 (Nguồn: Báo cáo kinh tế quý I - MarketIntello)
Hôm 20/4, Bộ Công Thương tổ chức sự kiện mang tên Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu 2017. Nhiều tên tuổi doanh nghiệp Việt làm xuất khẩu, trong đó có cả FPT - xuất khẩu phần mềm hay TH true MILK - xuất khẩu sữa, đã đến tham dự và chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong xuất khẩu của Việt Nam.
Tại buổi Diễn đàn, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã nhất trí rằng hoạt động Xúc tiến Xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vẫn còn yếu, chưa giúp ích nhiều cho doanh nghiệp Việt tìm đối tác xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh thương mại quốc tế sẽ khó khăn hơn do chính sách bảo hộ đang lên ngôi trên thế giới.
Theo lời phát biểu của một vị đại diện đoàn doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, sự yếu kém này được khắc họa càng rõ nét. Vị này so sánh một hội chợ Xúc tiến Xuất khẩu được tổ chức tại Trung Quốc và EXPO - hội chợ Xúc tiến Xuất khẩu có quy mô hàng đầu Việt Nam mới được khai mạc hôm 19/4 vừa qua tại Hà Nội.
Hội chợ Trung Quốc: Cả thế giới đổ về, doanh nghiệp bán được cả tỷ USD
Một hội chợ tại Trung Quốc được vị đại diện đoàn doanh nghiệp tỉnh Nghệ An mang ra để làm ví dụ, Theo ông thì về hiệu quả, có thể thấy ngay sự khác biệt khi mà chỉ tại ngay hội chợ tổ chức 1 năm 2 lần này, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có thể ký ngay được những hợp đồng cả chục tỷ USD.
Trước đây, Bộ Công Thương cũng từng cử một đoàn doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt sang tham gia hội chợ này. Kết quả thu được rất khả quan, khác hẳn với những hội chợ tổ chức trong nước.
“Cục chúng ta đã từng cho một nhóm doanh nghiệp được tham gia vào hội chợ đó được mấy năm. Khách về khủng khiếp. Khách bán buôn về chen lấn xô đẩy để mua buôn. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ở đó thu được rất nhiều khách” - Vị này tiết lộ.
Hội chợ Việt Nam: Toàn cụ già, trẻ em vào xem, doanh nghiệp Việt không thấy đâu
Đối với hội chợ tại Việt Nam, vị này nhấn mạnh hoạt động ‘xúc tiến xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài’ đang bỗng chốc trở thành giống như ‘xúc tiến nhập khẩu hàng nước ngoài vào Việt Nam”.
“Tôi đồng ý với ý kiến của anh Sơn (ông Bùi Huy Sơn, Cục trường Cục xúc tiến xuất khẩu - PV) về việc tham gia các hội chợ xuất khẩu. Tuy nhiên, đến hội chợ Việt Nam xuất khẩu hiện nay thì nó dường như không phải là hội chợ xuất khẩu nữa”.
Ông giải thích rằng tại một hội chợ xuất khẩu hàng Việt Nam được khai mạc mới đây có quy mô hàng đầu là EXPO, thì theo ông quan sát chỉ có 1/4 - 1/5 là doanh nghiệp Việt Nam, còn lại tới phân nửa là doanh nghiệp từ các nước khác và doanh nghiệp Trung Quốc.
“Như vậy khách hàng đến đó để làm gì ? Người ta muốn mua hàng Trung Quốc thì đến Trung Quốc chứ đến hội chợ xuất khẩu của Việt Nam làm gì” – vị này đặt câu hỏi.
Không chỉ có số lượng ít ỏi trong những hội chợ xúc tiến xuất khẩu tổ chức ngay trên sân nhà như vậy, trong số các doanh nghiệp Việt tham gia thì người ta cũng thấy vắng bóng những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, trong khi khách nước ngoài đến xem, mua hàng Việt thì chẳng có
“Các ngành chủ lực như da giày và may mặc gần như không thấy xuất hiện. Trong số hàng nghìn doanh nghiệp của Việt Nam mà có mặt chỉ một vài như vậy là rất là ít”.
“Vào hội chợ thấy rất nhiều các cụ già, trẻ em, mặc quần áo ngủ vào hội chợ. Một điều không thể chấp nhận được” – vị đại điện đoàn doanh nghiệp Nghệ An nói.
Vị này kết thúc phần phát biểu tâm huyết của mình: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải rất nghiêm túc trong chuyện này, cần giải quyết triệt để thì câu chuyện xuất khẩu mời được khách về mới đạt được hiệu quả lớn. Những doanh nghiệp chủ lực không tham gia vì ở hội chợ toàn người Việt Nam thì bán cho ai ?”
Sau phần này, chia sẻ với những bức xúc những này, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cũng giải thích lý do vì sao các doanh nghiệp chủ lực không tham gia vào các hội chợ xúc tiến xuất khẩu được tổ chức ngay trên sân nhà.
Theo ông, thực ra thì các doanh nghiệp ngành hàng chủ lực vẫn tham gia nhưng có mặt không đủ vì các hiệp hội của các ngành này thường tổ chức những hội chợ chuyên ngành riêng: hội chợ chuyên ngành dệt may, chuyên ngành giày dép…
“Hội chợ quốc tế EXPO lần này là sự kiện lần thứ 27. 27 năm trước, khi chúng ta vẫn còn mới mở cửa hội nhập và hết sức khó khăn, nỗ lực để tổ chức được một hội chợ thương mại quốc tế, cố gắng mời khách nước ngoài đến là rất lớn”.
“Làm sao để quảng bá được hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trong các hội chợ là một bài toán. Xin anh chị hãy cố gắng trở lại những bài học từ 27 năm trước” – ông Bùi Huy Sơn nói.