Khủng hoảng nhà ở
Đằng sau những tòa nhà chọc trời lấp lánh và những ngôi nhà trị giá hàng triệu USD, Hong Kong (Trung Quốc) không chỉ là thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất mà còn là nơi đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhà ở nan giải nhất thế giới.
Tại Hong Kong, một ngôi nhà bình thường cũng có thể được bán với giá hơn một triệu USD và và thậm chí một chỗ đậu xe cũng có thể có mức giá tương tự. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi có khoảng 200.000 công dân thành phố phải chờ đợi ít nhất nửa thập kỷ để nhận được trợ cấp mua nhà ở xã hội.
Ở Hong Kong, ngoài những công trình được trao tay với giá hàng trăm triệu USD, thành phố này còn chứng kiến tình trạng phân hóa giàu nghèo quá lớn. Cứ 5 người dân thì có 1 người sống dưới mức nghèo và chỉ còn lựa chọn ở tạm trong những căn hộ mà người ta gọi là "nhà quan tài".
"Nhà quan tài" có diện tích từ 4m2, nhỏ nhất chỉ khoảng 1,4 m2, đủ kê một chiếc giường và người ta chỉ có thể nằm yên trong đó, nhưng giá thuê không hề rẻ, ít nhất cũng tầm 2.400 HKD (khoảng 7 triệu đồng).
Những căn phòng chật hẹp đến ngạt thở là nơi sinh sống của hàng nghìn người Hong Kong.
Trong mỗi nhà quan tài này, bên cạnh chiếc giường ra thì những đồ vật khác được để chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích. Những "ngôi nhà" này không khác gì giường tầng trên tàu hỏa, thậm chí còn chật chội và khó chịu hơn và không có điều hòa. Những người sống ở đây đều phải sử dụng chung nhà tắm và nhà bếp, không có cách âm và hầu hết đều trong điều kiện không hợp vệ sinh.
Nguyên nhân của vấn đề, theo chính quyền thành phố, tương đối đơn giản: thiếu nguồn cung đất nên không thể đáp ứng nhu cầu của hơn 7 triệu cư dân vẫn đang hàng ngày sống chen chúc trong những khu dân cư đông dân nhất thế giới.
Giữa lúc vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh chính sách đất đai của chính quyền, thì nhiều người đang kêu gọi chính quyền tái sử dụng các trung tâm cách ly Covid mà thành phố đã xây dựng trong thời kỳ đại dịch và hiện đang bị bỏ trống và không được sử dụng.
Phép thử từ đại dịch
Các trung tâm cách ly này là chủ đề gây tranh cãi lớn thời đại dịch, bên cạnh những quy định về đeo khẩu trang và thời gian cách ly khách sạn bắt buộc lên tới ba tuần. Dù không tiết lộ cho công chúng chi phí của các cơ sở kiểm dịch, nhưng theo CNN, tổng chi phí mà thành phố chi để chống Covid-19 lên tới 76 tỉ USD.
Các kế hoạch nhà ở công cộng thường phải chờ nhiều năm, nhưng trong trường hợp các trung tâm cách ly, chính phủ đã bất ngờ "tìm thấy" khoảng 80 ha đất và xây dựng 40.000 căn nhà kim loại đúc sẵn chỉ trong vài tháng.
Theo CNN, chỉ có ba trong số tám trung tâm cách ly được sử dụng; năm trung tâm còn lại chỉ ở trong tình trạng chờ giữa lúc tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và số ca nhiễm bệnh giảm xuống.
Nhiều trung tâm cách ly bị bỏ trống dù có đủ trang thiết bị cơ bản.
Trung tâm lớn nhất và có lẽ nổi tiếng nhất là Penny's Bay, một địa điểm cạnh Disneyland của Hong Kong, nơi có hơn 270.000 người ở trong gần 10.000 căn hộ cách ly trong suốt 958 ngày. Trại thứ hai nằm cạnh Bến Du thuyền Kai Tak và trại thứ ba gần cảng container vận chuyển. Phần còn lại nằm rải rác dọc theo vùng ngoại ô phía bắc của thành phố, sát với Trung Quốc đại lục.
Với diện tích khoảng 18m2, mỗi căn hộ có kích thước gần bằng một chỗ đậu xe ô tô và có một nhà vệ sinh, vòi hoa sen và giường đơn giản. Chỉ một số có nhà bếp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các căn hộ này vẫn có thể là một giải pháp tạm thời hấp dẫn cho những người không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà cao của thành phố. Tại Hong Kong, theo dữ liệu do công ty bất động sản Centaline cung cấp, ngay cả những "căn hộ nano" rộng 20m2 gần đây cũng đã được bán với giá 445.000 USD - tương đương hơn 20.000 USD mỗi mét vuông.
Những người khác có nhiều đề xuất sáng tạo hơn. Ví dụ, một số căn hộ ở Penny's Bay được sử dụng để tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học cho học sinh có tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh; vào một thời điểm khác, các căn phòng được dùng để làm một điểm bỏ phiếu bầu cử nhỏ.
Kiến trúc sư Marco Siu kêu gọi biến các dãy nhà ở Penny's Bay thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe tạm thời, cho rằng chỉ cần thiết kế lại một cách tối thiểu nhưng sẽ giúp chính quyền có thêm lựa chọn sẵn sàng phòng khi một đợt dịch bệnh khác bùng phát.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính quyền thành phố cho biết các căn hộ tại Penny's Bay và Kai Tak được "thiết kế theo cấu trúc cho vòng đời 50 năm" và xác nhận rằng chúng được thiết kế để "tháo dỡ, vận chuyển và tái sử dụng ở các địa điểm khác."