Tháng 7/2021, giữa cái nắng như đổ lửa, tại một ngôi làng ở quận Yển Sư, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, trước linh cữu của người quá cố, một người phụ nữ mặc đồ trắng, quỳ trên mặt đất than khóc không ngừng: "Con gái bất hiếu, cha ơi cha ra đi thanh thản!".
Trên thực tế, người phụ nữ quỳ trên mặt đất khóc lóc kia không phải là con đẻ của người quá cố mà chỉ là một nhân viên khóc thuê chuyên nghiệp trong các đám tang.
Đây là ngành nghề mới nổi ở Trung Quốc nhằm mục đích an ủi người mất, dỗ dành người sống.
Đổi đời nhờ khóc thuê
Vũ Hội Hà là một trong những người khóc thuê chuyên nghiệp ở Trung Quốc. Theo lời kể cô đã theo nghề này khoảng chục năm, từng bị khinh rẻ hoài nghi nhưng thu nhập cao và sự đồng cảm của người thân đã giúp cô trụ vững với nghề.
Cô vốn là con dâu của một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng làm lụng quanh năm để nuôi 6 miệng ăn (thêm 3 người con và 1 mẹ già) nhưng cuộc sống luôn trong tình trạng giật gấu vá vai.
Một lần, khi vào thị trấn mua thuốc, cô nhìn thấy người phụ nữ hiếu thảo quỳ lạy trên mặt đất, nước mắt lưng tròng, thổn thức kể về những biến cố trong cuộc đời người cha vừa mất, khiến cô vô cùng cảm động.
Tuy nhiên, nhìn vậy nhưng không phải vậy. Một người chứng kiến bên cạnh nói với Hội Hà rằng, đó chỉ là người khóc thuê mà thôi. Đây là lần đầu tiên cô biết rằng có nghề như vậy - mỗi lần khóc ra vài trăm tệ (1 NDT tương đương khoảng 3.500 VNĐ), một số tiền không nhỏ.
Vũ Hội Hà trong 1 tang lễ. Ảnh: 163
Biết người làm nghề khóc thuê thường bị gia đình xa lánh nên cô giấu gia đình, liên hệ riêng với một người phụ trách tang lễ ở địa phương và được nhận vào làm.
Trước khi khóc, Hội Hà khoác lên mình bộ đồ tang trắng, dặm phấn hồng lên mặt sao cho khi nước mắt nhòe đi sẽ như những giọt lệ máu.
Cô vừa quỳ vừa dập đầu kể lể đủ chuyện xa xưa của người mất, vô cùng thảm thiết, mục đích là khiến người trong đám tang cảm động, không ngừng nhớ về người quá cố.
Kết thúc tang lễ, Hội Hà nhận được phong bì cảm ơn, bên trong là 700 NDT (khoảng 2 triệu VND) khiến cô vô cùng phấn khởi.
Kể từ đó, cô chính thức hành nghề khóc thuê chuyên nghiệp. Năng lực chuyên môn của cô rất tốt, đến nỗi nếu nhắc tới nhân viên khóc thuê chuyên nghiệp, người đầu tiên người ta nghĩ đến chính là cô.
Hiện nay, chồng cô cũng tham gia vào lĩnh vực này để tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, cô còn thành lập một đội khóc thuê chuyên nghiệp, nhân lực chủ yếu là phụ nữ muốn kiếm thêm thu nhập.
Cô thường tham gia hơn 70 lễ tang mỗi năm, dập đầu cả chục nghìn lần và thu nhập hàng năm của cô hiện vượt xa mức thu nhập của những người nông dân bình thường.
Rủi ro với nghề
Mặc dù kiếm được tiền nhờ nghề khóc thuê thậm chí còn mua được bất động sản cho riêng mình nhưng con đường này của Vũ Hội Hà không hề thuận buồm xuôi gió.
Vì bản thân nghề này đã mang một chút màu sắc tiêu cực nhất định nên cô bị nhiều người trong làng xa lánh vì họ sợ cô mang lại vận xui.
Ngoài ra, việc quỳ gối trường kỳ khiến đầu gối Hội Hà thường xuyên đau nhức.
"Năm nào tôi cũng phải khóc sáu bảy mươi lần, lần nào cũng phải lạy năm sáu trăm lạy, cho nên năm nào cũng phải lạy cả chục nghìn lạy. Đầu gối tôi đau quanh năm nhưng tôi cảm thấy rất đáng. Tôi chấp nhận vì gia đình tôi", cô chia sẻ.
Nghề khóc thuê cũng có khó khăn riêng trong nghề. Vào mùa hè nắng nóng, lớp phần nền bôi dày trên mặt sẽ khiến nhân viên khóc thuê vô cùng ngứa ngáy khó chịu.
Còn vào mùa đông, những bộ đồ tang mỏng manh sẽ khiến họ co ro vì lạnh.
Nghề này cũng có rủi ro khi thu nhập của họ phụ thuộc vào mức hài lòng của gia chủ.
Gia chủ nào dễ tính, khi thấy họ giọng khản đặc vì khóc, mặt trang điểm tiều tụy, mồ hôi đầm đìa, có thể sẽ thưởng thêm tiền.
Tuy nhiên, khi gặp phải gia chủ kén chọn hơn, không loại trừ khả năng họ chỉ nhận được một nửa tiền công hoặc ít hơn.