Ảnh: Nikkei
Nhật Bản đã để mất vị trí nền kinh tế thứ ba trên thế giới vào tay Đức, vì bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý IV của năm 2023. Theo số liệu thống kê công bố vào ngày 15/2, Nhật Bản đã ghi nhận tăng trưởng âm liên tiếp trong hai quý. Cụ thể, theo số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, mặc dù trong năm 2023 nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 1,9%, nhưng trong quý IV/2023 lại suy giảm 0,1%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa trong năm 2023 của Nhật Bản (tính bằng USD) là 4.200 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của Đức là 4.500 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, cả Nhật Bản và Đức đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn so với Đức, vì nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng do dân số giảm và tỷ lệ sinh rất thấp.
Trên thực tế, số người từ 65 tuổi trở lên tìm việc làm tại Nhật Bản đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Điều này đã và đang tạo ra thách thức trong việc tìm kiếm việc với những người này, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng lao động đang ngày càng thu hẹp.
Trên thực tế, Trung tâm việc làm Hello Work tại quận Ikebukuro (Tokyo) có thêm quầy dành riêng cho các lao động cao tuổi, vì nhu cầu ngày càng lớn. Một số người chia sẻ, họ cần công việc để tăng thêm thu nhập. Nhưng những người khác lại muốn đi làm để duy trì hoạt động và không cảm thấy bất an.
Nhiều người già ở Nhật Bản tìm kiếm việc làm
Một người đàn ông 66 tuổi đến Trung tâm việc làm Hello Work để điền vào đơn đăng ký, chia sẻ: "Tôi muốn làm việc cho đến khi tôi 70 tuổi. Tôi sẽ kiệt sức nếu cứ ở nhà suốt và ý nghĩ phải ngừng làm việc hoàn toàn khiến tôi cảm thấy bất an". Người đàn ông này đã nghỉ hưu từ tháng 11 sau khi đã làm việc quá tuổi nghỉ hưu tại một công ty. Hiện tại, ông đang tìm kiếm một công việc khác.
Tại Hello Work, có hơn 100 người tìm đến quầy tư vấn mỗi ngày. Đại diện của trung tâm này cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận nhiều người ở độ tuổi 70 và 80". Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra ở trung tâm Hello Work trong khoảng từ năm 2020 đến nay. Những người già đến trung tâm để tìm kiếm việc làm toàn thời gian, thay vì bán thời gian.
Theo Nikkei, hiện nay, nhiều người tìm việc ở Nhật Bản đã qua tuổi nghỉ hưu truyền thống. Cụ thể, khi so sánh số lượng người tìm việc năm 2023 với 10 năm trước đó, nhóm người trong độ tuổi từ 25 – 29 giảm từ 196.000 xuống còn 100.000 người, trong khi nhóm trên 65 tuổi lại tăng từ 140.000 lên 256.000 người.
Trong đó, tỷ lệ người tìm việc ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên đang chiếm 13%, tăng thêm 5% so với mức của năm 2013. Nếu tính cả những người từ 55 tuổi trở lên thì nhóm này đang chiếm 1/3 trong tổng số người tìm việc.
Theo các chuyên gia, già hóa dân số cùng sự thay đổi luật lao động được xem là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng kỳ lạ trên. Các công ty ở Nhật Bản hiện được yêu cầu tuyển dụng lao động đến 65 tuổi. Tuy nhiên, đối với những người từ 65 – 70 tuổi, các công ty chỉ được khuyến khích cung cấp việc làm.
Bên cạnh đó, một số người cao tuổi muốn tiếp tục làm việc phải tìm kiếm cơ hội ở những ngành nghề khác. Chính vì vậy, theo dữ liệu vào tháng 11/2023, tỷ lệ người già tìm việc thành công thường thấp hơn, chỉ ở mức 21%.
Đại diện của Trung tâm việc làm Hello Work, cho biết: "Người cao tuổi rất ưa chuộng công việc văn phòng. Nhưng họ thường phải nhận công việc dọn dẹp vệ sinh hoặc quản lý chung cư".
Trung tâm này tổ chức buổi hội thảo cho người cao tuổi khoảng 3 lần/tháng, nhằm khuyến khích họ cân nhắc về cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Đặc biệt, một số công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động kéo dài nên đang nỗ lực tuyển dụng nhiều người cao tuổi hơn. Chẳng hạn, Công ty dịch vụ tuyển dụng Staff Service Holdings chia lĩnh vực chăm sóc y tế thành 48 công việc, bao gồm hỗ trợ người bệnh vận động, ăn, tắm rửa và dọn dẹp vệ sinh. Điều này nhằm mục đích mở rộng cơ hội việc làm cho những người không có kinh nghiệm trong ngành y tế. Từ đó, số lượng người cao tuổi làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng, chăm sóc y tế thông qua dịch vụ của công ty đã tăng gấp 3 lần trong 4 năm qua.
Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, trong năm 2022, Nhật Bản có 52% dân số trong độ tuổi từ 65 – 69 tham gia vào thị trường lao động. Đây là mức cao nhất trong số 37 quốc gia có dữ liệu. Bởi tỷ lệ này tại Đức là 33%, Anh là 26% và Đức với 20%.
Trong nhóm tuổi từ 70 – 74 còn tham gia vào thị trường lao động, Nhật Bản có tỷ lệ là 34%, chỉ đứng sau Hàn Quốc với 41%. Trước đó, năm 2019, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản đã ước tính rằng, số tiền cần thiết cho cuộc sống nghỉ hưu tại quốc gia này là 139.000 USD. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, số tiền này là không đủ cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu.
Bài viết tham khảo nguồn: Japantoday, Nikkei, AP