Lực lượng vệ binh cách mạng Iran. Ảnh: BBC.
Theo các hãng truyền thông chính thức ở khu vực Trung Đông, hôm qua (18/1), các đại biểu thuộc Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự thảo luật kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Dự luật đã được 598 đại biểu tại Nghị viện châu Âu bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 9 phiếu phản đối và 31 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu này được coi là không có giá trị ràng buộc, nhưng sẽ mở đường cho việc hoàn tất quyết định đưa IRGC vào danh sách khủng bố của EU, do Hội đồng châu Âu đưa ra.
Trước đó hôm 17/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự ủng hộ áp đặt một đợt trừng phạt mới đối với Iran cũng như việc đưa IRGC vào danh sách khủng bố, để phản ứng đối với việc chính quyền Iran đàn áp các cuộc biểu tình trong nước, cũng như việc nước này hỗ trợ quân sự cho Nga.
Từ giữa tháng 9/2022, Iran đã chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ sau khi một cô gái trẻ thiệt mạng sau vài ngày bị lực lượng cảnh sát đạo đức ở Tehran bắt giữ. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Anh cũng tuyên bố đang xem xét liệt IRGC là một tổ chức khủng bố, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Phản ứng trước các động thái mới đây của EU, hôm nay (19/1), Ngoại trưởng Iran, Hossein Amir Abdollahian đã gửi lời cảnh báo tới quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, về hậu quả của việc đưa IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ngoại trưởng Iran ví bước đi này của EU giống như hành động “tự bắn vào chân mình”. Trước đó, Ủy ban phụ trách vấn đề An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Iran, cũng thông báo tổ chức một phiên họp bất thường vào ngày 22/1 tới, để xem xét hành động gần đây của Nghị viện Châu Âu nhằm vào IRGC.
Đáng chú ý, mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên EU và Iran đã xấu đi trong vài tháng qua, khi những nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân bị đình trệ. Tehran đã bắt giữ một số công dân châu Âu với cáo buộc làm gián điệp hoặc kích động các cuộc biểu tình chống lại chính phủ, trong khi EU gia tăng chỉ trích “chiến dịch bạo lực” đang diễn ra chống lại những người biểu tình ở Tehran./.