Khi còn tại vị, Khang Hi Hoàng đế từng 6 lần tuần du phía Nam. Sau này, người cháu Càn Long cũng học tập ông nội, tổ chức 6 lần nam tuần để trấn an bách tính vùng Giang Nam.
Nhưng điều đặc biệt nằm ở chỗ, lịch trình hai lần tuần du đầu tiên của Càn Long rất giống Khang Hi, chỉ từ lần thứ 3 trở đi, vị vua này liên tục chọn Hải Ninh làm điểm đến với lý do "thị sát công trình sông Tiền Đường".
Dù lời giải thích này hết mực chính đáng, nhưng thiên hạ vẫn truyền tai nhau một giai thoại rằng: Càn Long tìm đến vùng đất Hải Ninh thực chất là để thăm cha mẹ ruột của mình.
Nhưng Càn Long là Hoàng đế nhà Thanh, ắt phải là máu mủ ruột thịt của gia tộc Ái Tân Giác La. Vậy giai thoại kỳ lạ kia bắt nguồn từ đâu?
Từ giai thoại Ung Chính đổi con lấy ngai vàng...
Càn Long Hoàng đế mang họ Ái Tân Giác La, tên Hoằng Lịch, là vị Hoàng đế thứ 4 của vương triều Đại Thanh. Ông cùng ông nội Khang Hi của mình đã lập được nhiều thành tựu trong thời gian tại vị, tạo nên một thời kỳ thịnh trị mang tên "Khang – Càn thịnh thế".
Nhưng tới ngày nay, thân thế thực sự của Càn Long vẫn tồn tại nhiều giai thoại hết sức ly kỳ. Không ít người đều tin rằng, vị Hoàng đế ấy vốn không phải giọt máu của hoàng tộc Thanh triều, mà là con cháu của gia tộc họ Trần ở Hải Ninh.
Chuyện xưa kể lại, vào ngày 13 tháng 8 năm Khang Hi thứ 25 (1711), tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ vang lên trong phủ Ung thân vương. Gia đình của Tứ Gia Dận Chân (Ung Chính sau này) chào đón thêm một thành viên mới.
Mà cũng vào ngày hôm ấy, tại nhà của gia tộc họ Trần ở Hải Ninh cũng đón một bé trai ra đời. Họ Trần ở đây chính là gia tộc của Trần Thế Quán, hay còn được biết tới với danh xưng khác là "Trần Các Lão".
Người này từng làm quan dưới thời vua Khang Hi và có quan hệ vô cùng thân thiết với Tứ A Ca Dận Chân, khi đó đang là Ung Thân vương và trở thành Hoàng đế Ung Chính sau này.
Giai thoại truyền lại rằng, năm xưa phúc tấn (cách gọi vợ của các Hoàng tử nhà Thanh) của Dận Chân mang thai cùng thời gian với phu nhân của Trần Các Lão. Trùng hợp hơn, cả hai người đều lâm bồn vào chung một ngày.
Thế nhưng, phúc tấn của Dận Chân lại hạ sinh một bé gái, còn phu nhân Trần gia thì sinh ra một bé trai.
Tương truyền rằng, Dận Chân lúc bấy giờ hay tin nhà Trần Các Lão sinh con trai cùng ngày với thê tử của mình, liền hạ lệnh cho Trần gia đem con tới vương phủ. Chỉ có điều khi đưa đứa bé trở về, con trai nhà Trần gia đã bị đổi thành một bé gái, mà đó chính là con gái ruột của Ung Chính.
Lúc bấy giờ, ngôi vị Thái tử ở Đông Cung vẫn bị Khang Hi bỏ trống, mà Tứ a ca Dận Chân cũng không có nhiều con. Để tranh thủ cơ hội ngồi vào ngai vàng, Dận Chân đã không ngần ngại đổi Cách Cách mới sinh của mình để đem con trai Trần gia về nuôi nấng.
Nếu giai thoại này quả đúng là sự thật, thì đó có thể coi là một trong những bước đi đúng đắn nhất trong sự nghiệp chính trị của Ung Chính. Bởi sử cũ ghi lại, năm xưa Khang Hi vừa gặp con trai Ung Chính (Càn Long sau này) đã đem lòng yêu quý vị A ca sáng sủa, thông minh ấy.
Một số sử gia cũng cho rằn,g lý do mà Khang Hi chấp nhận truyền ngôi lại cho Ung Chính để "dọn đường" kế vị cho cháu cưng của mình.
Càn Long (ngoài cùng bên phải) cho tới ngày nay vẫn bị nghi ngờ không mang trong mình dòng máu của gia tộc Ái Tân Giác La. (Hình: Nguồn Internet).
... đến những bằng chứng tiết lộ thân thế của vua Càn Long
Không phải ngẫu nhiên mà giai thoại Càn Long là con ruột của Trần gia lại được lưu truyền rộng rãi tới vậy. Bởi từ xưa tới nay, có không ít chứng cứ lịch sử đã âm thầm ủng hộ quan điểm này.
Đầu tiên phải kể tới việc Càn Long 6 lần tuần du Giang Nam, trong đó có nhiều lần ghé thăm Hải Ninh. Sự thay đổi lịch trình một cách bất thường này khiến hậu thế đều tin rằng ông tới nơi đây để thăm lại cha mẹ đẻ.
Bên cạnh đó, con gái của Ung Chính đổi cho Trần gia năm xưa, sau này đã thành thân với Tưởng Phổ – con trai của Đại học sĩ Tưởng Đình Tích nức tiếng thời bấy giờ.
Mà nơi ở của nàng được hậu thế gọi là "lầu công chúa". Nếu người con gái ấy chỉ là con ruột của Trần gia, hậu thế sao có thể coi nơi ở của nàng bằng tên gọi cao quý ấy?
Chưa dừng lại ở đó, phủ Trần gia trước kia còn được Hoàng đế Càn Long đích thân ban cho hai tấm hoành phi đề chữ "Ái nhật" và "Xuân Huy Đường". Những chữ này đều được lấy từ điển tích về bài thơ Đường "Du tử ngâm" nói về tình cảm dành cho bậc cha mẹ.
Cho tới ngày nay, giai thoại về thân thế bí ẩn của vua Càn Long vẫn được hậu thế tiếp tục lưu truyền.
Cho tới ngày nay, vẫn chưa có một ai dám khẳng định chắc chắn rằng Càn Long nhất định là con ruột của Trần Các Lão.
Nhưng ngay cả khi giai thoại kia mới chỉ là giả thuyết, thì đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật coi đây là tư liệu "chính thống" và lấy làm cảm hứng sáng tác.
Năm 1925, Thượng Hải từng xuất bản một bộ sách mang tên "Thanh cung thập tam triều diễn nghĩa". Trong đó có đoạn khẳng định Càn Long là con của Trần gia ở Hải Ninh, Chiết Giang.
Sau khi biết được sự thật về thân thế của mình, nhà vua liền mượn cớ tuần du phía Nam để về thăm cha mẹ ruột.
Nhưng do vợ chồng Trần Các Lão đã qua đời từ lâu, nên Càn Long chỉ có thể tới viếng mộ hai người và làm lễ bái của bậc con cái trong gia đình.
Cuốn "Thư Kiếm Ân cừu lục" của Kim Dung cũng lấy cảm hứng từ giai thoại về thân thế Càn Long. Trong tác phẩm của mình, nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng ấy còn xây dựng một nhân vật hư cấu tên là Trần Gia Lạc – con thứ nhà Trần Các Lão và là em trai ruột của Càn Long.
Từ những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy giai thoại về việc Càn Long không phải giọt máu của hoàng tộc nhà Thanh cho tới nay đã vẫn được lưu truyền rộng rãi.
Nhưng dù cho vị Hoàng đế ấy thực sự là con ai, thì hậu thế vẫn không thể phủ nhận vai trò của ông đối với đế nghiệp Thanh triều và lịch sử Trung Hoa.