"Theo quan điểm của tôi, chúng ta [Iran] đã có được vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta không công bố điều đó. Điều đó có nghĩa là chính sách của chúng ta là sở hữu bom hạt nhân, nhưng chính sách đã tuyên bố của chúng ta hiện nằm trong khuôn khổ JCPOA", nghị sĩ Iran Ahmad Bakhshayesh Ardestani nói với tờ Rouydad 24 (Iran) vào ngày 10/5, theo một bài báo được đăng tải bởi tổ chức truyền thông độc lập Iran International ở London.
JCPOA là tên viết tắt của "Kế hoạch hành động toàn diện chung" - tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran. Năm 2018, Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, ông Donald Trump, đã quyết định rút khỏi JCPOA vì chính quyền của ông lập luận rằng thỏa thuận này không ngăn cản nỗ lực chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran.
JCPOA dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào Iran để đổi lấy sự đảm bảo rằng nước này sẽ không chế tạo vũ khí hạt nhân trong một khoảng thời gian giới hạn.
Nghị sĩ Ardestani nói thêm: "Lý do là khi quốc gia này muốn đối đầu với quốc gia khác, năng lực của họ phải tương đương, và khả năng tương đương của Iran với Mỹ và Israel có nghĩa là Iran phải có vũ khí hạt nhân".
"Việc hệ thống phòng thủ của Iran cần có bom hạt nhân là điều đương nhiên. Tuy nhiên, việc Iran có công bố hay không lại là chuyện khác", nghị sĩ Iran lưu ý.
Chỉ hai ngày trước phát biểu của ông Ardestani, Kamal Kharrazi - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Đối ngoại Iran – đã nói với hãng truyền thông Al-Jazeera (Qatar) rằng: "Tôi đã tuyên bố hai năm trước, trong một cuộc phỏng vấn với Al-Jazeera TV rằng, Iran có khả năng ứng dụng và sản xuất bom hạt nhân".
"Iran vẫn có khả năng đó, nhưng chúng tôi chưa đưa ra quyết định sản xuất bom hạt nhân. Tuy nhiên, nếu lợi ích của Iran bị đe dọa theo cách này, chúng tôi có thể thay đổi học thuyết này. Iran đã tuyên bố rằng nếu các cơ sở hạt nhân của chúng tôi bị tấn công, chúng tôi có thể thay đổi học thuyết quân sự liên quan đến các cơ sở hạt nhân", ông Kharrazi nói.
Chuyên gia vũ khí hạt nhân nói gì?
Các chuyên gia về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran đã cảnh báo về những phát biểu có vẻ mang tính suy đoán của nghị sĩ Ardestani.
Jason Brodsky - Giám đốc chính sách của Tổ chức thống nhất chống hạt nhân Iran có trụ sở tại Mỹ - nói với Fox News rằng: "Ardestani chỉ là thành viên quốc hội và ông ấy không thuộc nhóm nòng cốt trong vòng tròn ra quyết định hạt nhân của chế độ, vì vậy, mặc dù ông ấy có những bình luận rất thú vị, tôi nghĩ chúng phải được cân nhắc hợp lý dựa trên quyền hạn và vị thế của ông ấy".
"Bình luận của ông Kharrazi là một phần trong điệp khúc đe dọa ngày càng lớn từ các quan chức Iran rằng họ sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của Iran nếu Israel tấn công họ. Chương trình hạt nhân của Iran ở trạng thái tiên tiến hiện nay mang lại cho nước này cơ hội xa xỉ để thực hiện những mối đe dọa vì nước này hy vọng sẽ ngăn cản các nhà hoạch định chính sách phương Tây tiến hành các chiến dịch gây áp lực lên Tehran", Brodsky nói.
David Wurmser - cựu cố vấn cấp cao về không phổ biến vũ khí hạt nhân và chiến lược Trung Đông cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney - nói với Fox News rằng: "Tôi nghi ngờ Iran chưa có vũ khí hạt nhân, nhưng tôi cũng nghi ngờ rằng chương trình này đang ở trạng thái ổn định, thậm chí là trạng thái ổn định về vấn đề vũ khí hóa."
"Tôi nghĩ Iran đang thúc đẩy nó và có ý định đi đến cùng. Thời gian có thể vẫn còn, nhưng rất ngắn ngủi và sắp hết rất nhanh. Và tất nhiên, hậu quả của một quả bom của Iran là thảm họa đối với khu vực, đối với sự sống còn của Israel và đối với vị thế của sức mạnh Mỹ trên toàn cầu", Wurmser nói.
Theo Fox News, những bình luận gần đây về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran trùng khớp với tuyên bố ngày 8/5 của người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi rằng tổ chức của ông đang làm việc "rất tích cực với [Iran] để ngăn chặn [vũ khí hóa hạt nhân] xảy ra".
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington viết, điều này cho thấy "Iran đã có hoặc sắp đạt được khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân".