Đây là nghị quyết ngừng bắn đầu tiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) được thông qua sau hơn 5 tháng chiến tranh giữa Israel và Hamas, kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza trước khi kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.
Dự thảo nghị quyết này do 10 thành viên không thường trực của HĐBA đồng tác giả chuẩn bị gồm Algeria, Guyana, Hàn Quốc, Malta, Mozambique, Slovenia, Sierra Leone, Thụy Sĩ, Ecuador và Nhật Bản.
Nội dung nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an
Để nghị quyết được thông qua, các nước đồng tác giả của dự thảo đã phải thỏa hiệp, thay thuật ngữ “ngừng bắn vĩnh viễn bền vững" (permanent sustainable ceasefire) bằng “ngừng bắn lâu dài" (permanent lasting ceasefire) theo yêu cầu của Mỹ.
Do đó, Mỹ đã không sử dụng quyền phủ quyết để chống lại nghị quyết mà chỉ bỏ phiếu trắng. Linda Thomas-Greenfield - đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc - nhấn mạnh phía Mỹ không đồng ý với tất cả các điều khoản của nghị quyết. Đặc biệt, bà cho rằng các thành viên khác của HĐBA đã không đáp ứng yêu cầu của Mỹ lên án Hamas.
Nghị quyết 2728 yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Điều này phải được tất cả các bên tuân thủ, tạo cơ sở dẫn đến một lệnh ngừng bắn lâu dài và bền vững.
Nghị quyết yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin, đồng thời yêu cầu tất cả các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế đối với tất cả những người mà họ giam giữ.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của việc mở rộng viện trợ nhân đạo, gồm các nhu cầu y tế và các nhu cầu khác, cũng như bảo vệ thường dân trên toàn Dải Gaza theo luật pháp quốc tế, đồng thời tái khẳng định yêu cầu dỡ bỏ mọi rào cản đối với việc cung cấp viện trợ nhân đạo trên quy mô lớn theo luật nhân đạo quốc tế và nghị quyết 2712 (thông qua ngày 15/11/2023) và nghị quyết 2720 (thông qua ngày 25/12/2023) của HĐBA.
Khác với hai nghị quyết trên chỉ “kêu gọi” các bên tuân thủ các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, nghị quyết 2728 đã “yêu cầu” ngừng bắn và thả con tin. Đây là nghị quyết đầu tiên của HĐBA có nội dung rõ ràng và chính xác, cụ thể là về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, lâu dài và vô điều kiện ở Gaza.
Phản ứng của Israel
Nghị quyết này đã nhận được sự hoan nghênh của tất cả các nước trên thế giới, trừ Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phản ứng đầy phẫn nộ, chỉ trích Mỹ không sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc thông qua nghị quyết, gây tổn hại cho nỗ lực chiến tranh và giải thoát con tin của Israel.
Để phản đối việc Mỹ bỏ phiếu trắng, ông Netanyahu quyết định hủy chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Israel gồm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược Ron Dermer và Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi tới Washington theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về các phương án khả thi cho chiến dịch quân sự của Israel vào Rafah ở phía nam Dải Gaza.
Israel cho rằng, bằng việc bỏ phiếu trắng, Mỹ đã từ bỏ quan điểm vững chắc trong Hội đồng Bảo an và không gắn lệnh ngừng bắn với việc thả con tin.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant vẫn thăm chính thức Washington. Tại đây, ông tuyên bố Tel Aviv sẽ chỉ chấm dứt cuộc chiến ở Gaza sau khi Hamas thả tất cả các con tin.
Đến nay, Israel vẫn tiếp tục ném bom vào phía bắc và phía nam Dải Gaza. Kênh 12 của Israel cho biết quân đội Israel bắt đầu chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah trong trường hợp cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân ở Qatar đổ vỡ.
Thủ tướng Netanjahu đã tuyên bố trong trường hợp cần thiết Israel sẽ thực hiện chiến dịch quân sự ở Rafah mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ. Trước đó, ông Netanyahu đã phê duyệt kế hoạch tấn công Rafah, thành phố cực nam của Dải Gaza, nơi có hơn 1,4 triệu người Palestine tị nạn đang sinh sống.
Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz tuyên bố: “Israel sẽ không tuân thủ các yêu cầu của HĐBA và sẽ không ngừng bắn. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas và tiếp tục chiến đấu cho đến khi con tin cuối cùng được trao trả”.
Đáng chú ý là tại Israel có nhiều quan chức, đặc biệt là các chính khách ôn hòa như Bộ trưởng nội các thời chiến Benny Gantz, cựu Thủ tướng Yair Lapid - người đứng đầu phe đối lập - đã hoan nghênh nghị quyết này, đồng thời phê phán Thủ tướng Netanjahu đã phản ứng thái quá. Trong khi đó, môtj số nhân vật khác cảnh báo về nguy cơ rạn nứt, gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Israel với Mỹ.
Hamas hoan nghênh nghị quyết
Phong trào Hamas đánh giá cao những nỗ lực của Algeria và tất cả các thành viên khác trong HĐBA đã hỗ trợ người dân Palestine, ngăn chặn cuộc chiến tranh hủy diệt của Israel ở Dải Gaza.
Hamas hoan nghênh nghị quyết của HĐBA kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn dẫn đến việc rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Dải Gaza, đưa những người di tản Palestine trở về nhà của họ.
Hamas cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận trao đổi những người đang bị hai bên giam giữ và đáp ứng mọi nhu cầu nhân đạo cho người dân ở tất cả các khu vực của Dải Gaza.
Hamas kêu gọi HĐBA gây áp lực buộc Israel tuân thủ lệnh ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh chống lại người dân Palestine ở Gaza.
Hamas khẳng định các quyền dân tộc của người Palestine, trong đó có quyền tự quyết, quyền trở về và quyền được thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền với Thủ đô là Đông Jerusalem phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) hoan nghênh nghị quyết của HĐBA yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Phát biểu tại HĐBA, Riyad Mansour - đại diện Palestine tại Liên hợp quốc - nói: “Việc thông qua nghị quyết ngừng bắn phải tạo thành một bước ngoặt, chấm dứt hành vi xâm lược và tàn bạo chống lại người Palestine."
Quan điểm của Mỹ
Ngay sau khi thông qua nghị quyết, trong một phiên họp của HĐBA, Linda Thomas-Greenfield - đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc - tuyên bố nghị quyết 2728 được thông qua hôm 25/3/2024 về lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza là “không mang tính ràng buộc”. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
John Kirby - người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - nói, việc Mỹ để nghị quyết được thông qua không có nghĩa là Mỹ thay đổi chính sách đối với Israel. Washington ủng hộ lệnh ngừng bắn, nhưng không bỏ phiếu thuận cho nghị quyết vì nội dung không lên án Hamas. Ông cũng khẳng định “đây là một nghị quyết không mang tính ràng buộc nên hoàn toàn không có tác động gì đến khả năng Israel tiếp tục truy lùng Hamas”.
Ông Kirby nói với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Galant đang ở thăm Washington rằng, Mỹ tiếp tục sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.
Đây là tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ không chấp nhận trừng phạt Israel nếu nước này không tuân thủ nghị quyết. Các biện pháp trừng phạt là công cụ duy nhất gây sức ép buộc Israel tuân thủ nghị quyết của HĐBA. Ngoài ra, Washington tuyên bố cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza là phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel.
Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an mang tính ràng buộc
Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc, trừ Mỹ và Israel, đều thừa nhận nghị quyết 2728 của HĐBA là mang tính ràng buộc. Đại sứ Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc là những nước thành viên thường trực HĐBA tại Liên hợp quốc đều coi nghị quyết này mang tính ràng buộc.
Theo điều 25 Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả các thành viên của tổ chức này phải thực hiện các nghị quyết của HĐBA. Liên hợp quốc khẳng định nghị quyết 2728 về Gaza là mang tính ràng buộc và được coi là một bộ phận của luật pháp quốc tế, việc không thực hiện các nghị quyết của HĐBA sẽ bị trừng phạt.
Trang web của Liên hợp quốc viết: “Các nghị quyết duy nhất có khả năng ràng buộc về mặt pháp lý là những nghị quyết được HĐBA thông qua”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố: "Đây là nghị quyết mang tính ràng buộc và phải được thực thi như một bộ phận của luật pháp quốc tế. Việc không thực hiện nghị quyết ngừng bắn ở Gaza là “không thể tha thứ.”
Farhan Haq - phó phát ngôn viên chính thức của Tổng thư ký Liên hợp quốc - xác nhận trong một cuộc họp báo rằng "tất cả các nghị quyết của HĐBA đều được coi là luật pháp quốc tế. Nghị quyết 2728 cũng giống như các nghị quyết khác".
Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc là công cụ mạnh mẽ nhất để buộc các quốc gia thực hiện các nghị quyết mang tính ràng buộc. Nếu Israel không thực hiện nghị quyết, HĐBA có nghĩa vụ sử dụng chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc để đưa ra các biện pháp trừng phạt buộc nước này phải tuân thủ nghị quyết.
Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp trừng phạt như vậy đòi hỏi phải có một nghị quyết của HĐBA, được ít nhất chín phiếu chấp thuận và Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh không dùng quyền phủ quyết.
Kể từ khi HĐBA thông qua nghị quyết ngừng bắn ngay lập tức giữa Hamas và Israel đến nay, quân đội Israel vẫn ném bom dữ dội vào Dải Gaza. Hamas và các nhóm vũ trang Palestine vẫn chưa thả bất kỳ con tin nào. Xe tăng và xe quân sự của Israel đã tiến hành bao vây khu liên hợp y tế Nasser ở thành phố Khan Yunis, phía nam Dải Gaza. Đồng thời, Israel quyết định rút đoàn đại biểu khỏi các cuộc đàm phán ở Doha do Qatar, Ai Cập và Mỹ đứng ra làm trung gian hòa giải.
Từ 7/10/2023 đến nay, số dân thường ở Gaza thiệt mạng đã lên tới hơn 32 nghìn người và khoảng 74 nghìn người khác bị thương. Trong khi đó, hơn 1,200 nghìn người Israel thiệt mạng. Nghị quyết 2728 về ngừng bắn ở Dải Gaza là một bước quan trọng trên con đường tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Hamas nói riêng và Israel - Palestine nói chung. Liên hợp quốc, trước hết là các nước thành viên HĐBA cần tiếp tục theo dõi tình hình và có các biện pháp thúc đẩy các bên thực hiện nghị quyết này.