Khi mà thống kê ngoài kia người ta nói rằng có khi vài năm nữa đàn ông Việt Nam chẳng có vợ mà lấy thì ở nhà chồng tôi, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại một cách khó hiểu và dai dẳng.
Vấn đề không còn nằm ở thế hệ bởi lẽ tôi sinh ra trong một gia đình có đến 4 chị em gái nhưng đứa nào cũng được bố mẹ yêu chiều vô cùng. Vậy mà đến con gái mình, sau bao nhiêu năm trời và ở cái xã hội hiện đại này thì con bé lại bị phân biệt đối xử bởi chính những người thân thiết trong gia đình.
Tôi lấy chồng ngót nghét 30 năm nhưng kế hoạch rõ ràng nên nhất quyết chỉ sinh 2 đứa mà thôi. Thằng lớn nhà tôi hơn em gái nó gần chục tuổi nên hai anh em yêu quý nhau lắm.
Ban đầu tôi nghĩ rằng mình cũng may mắn khi nhà đủ nếp đủ tẻ, thằng anh lớn nó biết chăm sóc em nên tôi nhàn đi bao nhiêu. Bố chúng nó thì yêu vợ thương con, cuộc đời cũng chẳng có gì mong cầu cao sang hơn.
Ấy vậy nhưng khi con gái tôi ra đời thì mới biết nhà chồng vẫn muốn tôi sinh thêm một cậu con trai nữa và không hề hài lòng với việc tôi sinh được một bé gái.
Quả thật lúc đó tôi sửng sốt vô cùng khi nghe bà nội nhìn cháu còn đỏ hỏn trong nôi và thốt ra một câu không thể ngờ “đẻ con gái thì đẻ làm gì”. Thôi thì đành rằng tôi chỉ sinh được con gái nhà người ta ý kiến đã là khó chấp nhận lắm rồi, đằng này một trai một gái đủ cả nhưng vẫn không vừa ý mẹ chồng. Lúc bấy giờ tôi mới biết, nhà chồng mình cổ hủ và phong kiến đến mức nào.
Ngược lại hoàn toàn với bố mẹ chồng và họ hàng bên đó, chồng tôi lại yêu thương con gái lắm, biết con bé thiệt thòi nên anh càng bù đắp cho con. Thậm chí, anh còn hạn chế không cho con bé về nội để tránh lời ra tiếng vào làm tổn thương con. Tôi rất hiểu cho anh, bố mẹ vẫn là bố mẹ mình, nếu không thể tìm được tiếng nói chung thì thôi đành hạn chế xích mích.
May sao hai đứa nhà tôi đều khỏe mạnh ngoan ngoãn mà lớn lên, cả thằng anh lẫn con em đều học giỏi, tuy không phải quá xuất sắc nhưng chưa bao giờ phải khiến bố mẹ buồn về kết quả học tập của mình.
Năm con trai lớn thi đại học, vợ chồng tôi và em gái nó đứng chờ anh ở ngoài địa điểm thi. Tôi con nhớ con bé lúc đó còn nhỏ xíu nhưng nhất quyết đi cùng vì muốn cổ vũ cho anh. Thật ra với tôi, đây là cách để tạo điểm tựa tinh thần cho con cái, dù gì thi cử cũng là một cột mốc lớn của đời người mà.
Bẵng đi vài năm, giờ đến lượt cô công chúa nhỏ của tôi thi đại học. Con bé không được mạnh dạn như anh trai, tâm lý dễ bị ảnh hưởng nên gia đình cũng quan tâm đến nó nhiều hơn.
Cũng như lần trước, tôi xin nghỉ phép để đưa con đi thi. Đúng dịp này thì bố nó lại đang công tác nước ngoài không thể về kịp nên con trai tôi cũng tranh thủ đưa hai mẹ con đến địa điểm thì rồi mới đi làm. Giữa chừng lại chạy ra đón mẹ và em.
Kết thúc thi cử, con gái tôi rất tự tin vào bài thi của mình khiến cả nhà cùng thở phào nhẹ nhõm. Chưa cần biết kết quả ra sao, tối hôm đó tôi đưa hai anh em nó đi ăn mừng xả hơi vì đã kết thúc công cuộc thi cử.
Giữa chừng, cuộc vui chưa tày gang, mẹ chồng tôi gọi điện mắng xa xả vào mặt tôi vì nghỉ làm đưa con đi thi. Bà cho rằng con cái lớn rồi, tôi làm như vậy là làm hư con và không để nó trưởng thành. Đáng lẽ ra phải để tự nó đi thi mới phải!
Vì là cuộc gọi hình ảnh nên con gái và con trai tôi đều nghe được hết. Tôi bị bất ngờ nên không kịp phản ứng. Liền lúc này, ông nội của đám nhỏ cũng nói thêm vào rằng con gái cho ăn học lắm làm gì, để tiền ấy mà mua nhà mua xe cho thằng lớn… Kế đó là hàng loạt những tiếng nói xôn xao thêm bớt vào về chuyện tôi nghỉ làm để đưa con gái đi thi đại học.
Cuối cùng, người có phản ứng đầu tiên là con trai tôi, nó giật lấy điện thoại, chỉ nói đúng một câu là ông bà cổ hủ vừa thôi rồi tắt máy, tắt nguồn điện thoại luôn.
Từ khá lâu rồi tôi không phải đối diện với nhà chồng trong những tình huống éo le thế này bởi lẽ chồng tôi luôn là người đứng ra dàn xếp mọi chuyện. Có lẽ vì lần này biết anh đi công tác nước ngoài nên ông bà mới tranh thủ gọi điện bắt lỗi…
Nhìn con gái buồn buồn gắp đồ ăn mà tôi thương như thắt ruột thắt gan. Thằng anh nó an ủi em, được cái con bé là đứa sống lạc quan tích cực nên những chuyện không vui nó không để vào đầu nhiều. Thế nhưng là một người mẹ, tôi không xót con sao được.
Tôi không hiểu rốt cuộc thì nhà chồng tôi đến bao giờ mới thay đổi được định kiến của mình và bớt cái sự trọng nam khinh nữ ấy đi? Các cháu đều đã lớn cả rồi, chúng có nhận thức riêng của mình và tôi không muốn chúng nó càng ngày càng xa cách ông bà vì chính những gì ông bà đã và vẫn đang làm.