Gắp hạt thanh long - thử thách rèn lòng kiên nhẫn
Sau một chuỗi ngày dài 2 con trai Sơn Khánh (9 tuổi) và Minh Trí (5 tuổi) được nghỉ để chống dịch Covid-19, ông bố đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng, còn được gọi bằng cái tên Hungazit (Hà Nội) đã sắp cạn “chiêu” để làm con bận rộn.
Bình thường, anh cho con học vẽ, chơi xếp lego, sử dụng điện thoại và laptop trong khoảng thời gian quy định, cùng nấu ăn ở nhà, chuẩn bị đồ ăn để đi dã ngoại, có khi mang theo lò BBQ sau xe đạp để nướng đồ ăn trên đường đạp xe lòng vòng thành phố...
2 con trai Sơn Khánh (9 tuổi) và Minh Trí (5 tuổi) của anh Nguyễn Mạnh Hùng.
Nhưng từ ngày 1/4, tuân thủ lệnh cách ly toàn xã hội, anh quyết định tất cả sẽ ở nhà. Đồ chơi cũng chơi hết rồi, học thì vẫn học, giải trí thì phải tìm cái gì mới mẻ mà vẫn luyện được tính kiên nhẫn nên anh quyết định cho cậu con trai lớn thử trò gắp hạt thanh long.
Ông bố từng nghĩ mình là người chi tiết và ngăn nắp nhất nhà đã thực sự bất ngờ khi cậu con trai dành khoảng 4 giờ để tách, xếp ngay ngắn những hạt thanh long lên nắp hộp với tất cả sự kiên nhẫn.
Con trai ngồi cần mẫn tách hạt thanh long.
Sau khi chia sẻ câu chuyện nhỏ của mình lên Facebook, anh Hùng nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn bè, người theo dõi. Có người khen đó là cách tuyệt vời để dạy con kiên nhẫn, có người đùa thật “khổ thân” con khi bị bố “bắt” làm việc, còn trêu rằng sau mùa nghỉ dịch này, cậu bé sẽ tăng độ cận thị mất.
Anh Hùng thì nghĩ khác. Anh tiết lộ, Sơn Khánh có vẻ khá thích trò này, và tự nguyện làm, coi nó như một thử thách chứ không bị ép buộc: “Mình không nghĩ gắp hạt thanh long lại mang một tố chất gì đặc biệt và cũng chả có gì là hay ho, thế nhưng với trẻ con nó lại là những trò chơi hấp dẫn để luyện tính kiên trì.
Quan trọng nhất là bố mẹ phải là người hướng cho các con làm việc đó để làm gì, có mục tiêu gì và có ý nghĩa như thế nào? Hãy giải thích cặn kẽ để bọn nhóc hiểu được, đừng tiếc thời gian với các con”.
Chẳng mấy chốc mà hạt thanh long được gắp đầy ra nắp hộp.
Trong khi nhiều phụ huynh cho rằng, rèn luyện sự tập trung và kiên nhẫn cho trẻ nhỏ rất khó, thì với anh Mạnh Hùng, bí quyết là ở chỗ bố mẹ có tìm đúng hoạt động kích thích đứa trẻ của mình hay không. Anh từng cho các con thử chơi xếp giấy Origami, tìm những trò chơi mới lạ để chúng thử nghiệm. Cho đến giờ vẫn chỉ có đạp xe là môn thể thao gây hứng thú nhất, sau đó là trò gắp hạt thanh long.
“Rất khó để rèn trẻ con vào một công việc hay bộ môn nào đó mà chúng nó không thích. Trước tiên phải tìm được điểm hấp dẫn chúng thì sẽ thành công. Bọn nhóc sẽ bỏ ra vài giờ mỗi ngày chỉ để chơi một thứ mà không chán, không mệt.
Bản thân mỗi đứa trẻ đều có một vài tố chất đặc biệt nào đó cần được khai phá để có cơ hội bộc lộ ra bên ngoài, nhiệm vụ của bố mẹ là hướng dẫn tìm ra những điểm đặc biệt và hỗ trợ cho con phát huy tối đa năng lực đặc biệt đó của bản thân”.
“Lùa” con vào bếp và những “tuyệt chiêu” dạy con của bố trong mùa dịch Covid-19
Ông bố đầu bếp chia sẻ, hai nhóc nhà anh không có gì đặc biệt và nổi trội cả. Hai anh em được giáo dục, chăm sóc trong môi trường bình thường và cũng không theo một trường phái giáo dục đặc biệt nào. Sở thích của hai nhóc gần giống nhau vì bị ảnh hưởng từ bố mẹ: Thích ăn uống, nấu ăn, nghe nhạc, xem phim, chơi game và đi du lịch.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong việc dạy con của anh Hùng, có lẽ là việc anh thấu hiểu những đứa trẻ của mình, từ đó tìm ra hoạt động khiến con say mê.
Anh Hùng luôn thấu hiểu các con muốn gì.
Sơn Khánh là anh, tính cách điềm đạm và cẩn thận, khá nghịch, thích khám phá những thứ mới mẻ, thích học những môn học về tự nhiên, tìm hiểu về xã hội, địa lý.
Cậu em là Minh Trí thì sôi nổi hơn, có phần mạnh mẽ hướng ngoại, thích ca hát và chơi xếp hình lego. Cậu bé có khả năng tư duy, sáng tạo ra các hình mới rất tốt.
Cả hai bé đều thích được đạp xe cùng bố. Trong kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19, anh dành nhiều thời gian đạp xe cùng con. Đạp xe tốn nhiều năng lượng, đốt nhiều calo và quan trọng hơn, trong quá trình đạp xe, các bạn nhỏ sẽ bị “khóa miệng”, anh không phải nghe chúng hò hét nữa. Bản thân ông bố cũng được lang thang trong thành phố vừa khỏe, vừa vui.
Là đầu bếp nên anh cũng thích “lùa” con vào bếp, dù đó không phải sở trường của hai nhóc. Nhưng vì ăn uống lại là thú vui của cả hai, bởi vậy việc nấu ăn chỉ là cái cớ để hai cậu được tiếp xúc với đồ ăn nhiều hơn.
Dạy con trai nấu nướng, anh Hùng bảo, đưa trẻ con vào bếp đôi khi sẽ làm chậm thời gian nấu ăn của mình nhưng bù lại chúng lại giúp được nhiều việc từ bóc hành tỏi, nhặt rau: “Con vào bếp để được chạm, được ngửi, được nhìn thực phẩm và chính những việc đó sẽ kích thích cho các giác quan được phát triển đồng đều.
"Con vào bếp để được chạm, được ngửi, được nhìn thực phẩm và chính những việc đó sẽ kích thích cho các giác quan được phát triển đồng đều"
Vào bếp, các bạn nhỏ sẽ phải nhớ vị trí để dụng cụ, cách tổ chức khu vực bếp , đi đổ rác, rửa thùng rác và chúng còn học được cách phân loại rác nữa. Mình luôn nói với hai bạn rằng, con trai phải biết nấu ăn để có thể tự chăm sóc cho bản thân mình, ngoài ra còn có thể chăm sóc cho gia đình của mình nữa.
Có thể hai đứa nấu ăn không giỏi nhưng chắc chắn sẽ biết cách làm sao để không bị đói. Thực tế là đến giờ này, mình không còn phải lo ăn sáng cho cả hai nữa, hai bạn tự biết cách lấy đồ ăn, nấu mì, làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng cho bữa sáng”.
Đừng tiếc thời gian với con, vì chúng sẽ lớn rất nhanh
Suốt hai tháng trẻ con nghỉ học nhiều để phòng dịch Covid-19, anh Hùng cũng giống nhiều phụ huynh muốn “phát điên” vì bỗng dưng trở thành bảo mẫu toàn thời gian của con.
“Trẻ con đứa nào cũng như nhau, nó như cục pin đầy năng lượng cần được giải phóng, nếu không điều đó rất nguy hiểm. Nó cần phải được chạy nhảy, hò hét tuy nhiên những điều đó thực sự ảnh hưởng đến công việc của người lớn.
Mấy ngày đầu tiên phải trông con toàn thời gian, mình có cảm giác như ở địa ngục và vẫn không hiểu bằng cách nào các cô giáo có thể chịu đựng được bọn nhóc này”.
Suốt hai tháng trẻ con nghỉ học nhiều để phòng dịch Covid-19, anh Hùng cũng giống nhiều phụ huynh muốn “phát điên”.
Để thích nghi với “công việc mới”, anh chấp nhận dành phần lớn thời gian cho con, thay đổi giờ giấc làm việc, sinh hoạt. Cả ngày, anh dành thời gian chăm sóc và chơi với hai đứa còn khoảng thời gian buổi tối đến đêm thì dùng làm việc. Cũng may là công việc của anh khá tự do nên cũng kiểm soát thời gian dễ hơn những người khác.
“Mình dần hiểu rằng, cuộc đời cũng chả mấy khi có những dịp như này, thay vì than thở thì dành thời gian cho gia đình vào lúc này là tốt nhất, bù lại những ngày công tác liên miên trước đây.
Mình nghĩ, các bậc cha mẹ chưa bị đưa vào hoàn cảnh như vậy đều có tâm lý giống nhau, nhưng mong rằng với tình yêu thương và nghĩ đến tương lai bọn trẻ, chúng ta hãy chơi với con nhiều hơn thay vì cầm điện thoại để lướt mạng xã hội. Hãy coi như đây là khoảng thời gian quý báu dành cho gia đình, hết dịch rồi, ai lại về với công việc của người đấy, còn bọn trẻ thì lớn nhanh như thổi. Bỏ qua giai đoạn này sẽ thật đáng tiếc đấy!”, anh Hùng bày tỏ.