Không biết cố gắng chăm chỉ thì không bao giờ có thể tiến lên nhưng cố gắng chăm chỉ mà không có mục đích chính là xông pha một cách mù quáng. Cuối cùng, vừa mất công mất sức, chúng ta vừa trắng tay không làm nên thành quả gì. Vậy chúng ta có cần chăm chỉ nữa không? Có cần nỗ lực phấn đấu nữa không? Hay cứ để cuộc đời sự nghiệp đến đâu thì đến, nghèo mãi hoàn nghèo?
Nếu để tâm trí lạc đường trong mê cung đó, bạn sẽ biết đôi khi nghèo khó không hề đáng sợ, mà thứ đáng sợ nhất chính là 4 lối tư duy cực kỳ sai lầm sau đây:
1. Giàu lên trong một đêm
Rất nhiều người cho rằng "Sống chết có số" và giàu nghèo cũng như vậy: Nếu có cơ duyên thì nhất định sẽ giàu, không có may mắn thì làm thế nào cũng chẳng thể thành công. Chính vì vậy, càng nhiều người ước mơ mình được trở thành triệu phú chỉ sau một đêm khi "cơ duyên" mà họ mong chờ tới.
Chờ đợi sự giàu có "từ trên trời rơi xuống" khiến họ không phải nỗ lực làm việc chăm chỉ mỗi ngày, không phải lo lắng đồng nghiệp xa lánh, lấy lòng cấp trên, cũng không sợ bạn bè người thân xung quanh coi thường, cuối cùng đi lên đỉnh cao thành công mà không cần trả giá bất cứ thứ gì.
Nhưng cũng chính trạng thái này khiến họ đổ toàn bộ thời gian và công sức vào việc bị động chờ đợi. Nếu thành công không tự tìm tới, chắc chắn họ sẽ mãi mãi mê đắm trong thất bại mà thôi.
Tư duy sai lầm chính là vật cản lớn nhất để tiến về phía trước trên con đường sự nghiệp của mỗi người.
2. Ảo tưởng về tương lai
Nếu bạn muốn thực sự hủy hoại một người, chỉ cần thường xuyên thổi phồng tương lai với người đó tuyệt vời như thế nào, để mặc họ chìm đắm trong ảo tưởng và dần dần quên mất giá trị của bản thân mình ở hiện tại.
Họ bận rộn lãng phí thời gian và tài sản của mình để rồi mắc kẹt trong một vòng lặp vô tận không có điểm cuối, nhưng đến sau cùng, khi tỉnh mộng thì đã chẳng còn gì trong tay.
3. Học cũng chỉ là vô ích
Trong xã hội ngày nay, nhiều người luôn cho rằng học hành chẳng đem lại tác dụng gì, trong thực tế chẳng ai lấy tích phân ra tính toán, chẳng ai lấy mệnh đề ra bắt chứng minh hay kiểm tra thời gian diễn ra các sự kiện lịch sử...
Thậm chí còn có câu truyền miệng rằng: "Học kém sau này đi làm Sếp, học giỏi muôn đời đi làm thuê".
Dần dần chịu ảnh hưởng của tư duy đó, người ta sẽ tin chắc rằng mình có thể thành công trong tương lai mà không cần học hành làm gì.
Họ lấy Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg làm cái cớ cho sự chểnh mảng của bản thân mà không hề nhận ra những vị tỷ phú đó có thể bỏ học giữa chừng, nhưng họ chưa bao giờ ngừng nạp thêm đủ loại tri thức quý giá cho bản thân thông qua tự học và tự đọc mỗi ngày.
4. Thà ổn định còn hơn
Nếu những người xung quanh không ngừng đề cao sự ổn định thì lâu dần, chính bạn cũng sẽ bắt đầu chấp nhận ý tưởng này và tận hưởng những lợi ích nó đem lại.
Bạn bỏ quên khao khát thành công, mong muốn bươn chải và nhiệt huyết đối đầu gian khó của tuổi trẻ, không quan tâm đến thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo khó mà chỉ an phận qua ngày với định hướng "Đủ ăn là được", "Thà ổn định còn hơn"...
Thế nhưng, lựa chọn dễ dãi với bản thân của hiện tại, bạn có biết đó là hành động sẽ hủy hoại cả tương lai chính mình?
Cái nghèo khó, vất vả khiến chúng ta phải vật lộn để sống sót, phải nung nấu ý chí, vun đắp nên nghị lực và lòng quyết tâm để có ngày thay đổi bản thân, thay đổi hiện trạng.
Tỷ phú Bill Gates đã từng nói: "Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn".
Đây là một trong những câu nói đầy triết lý về cuộc sống có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tại sao vậy?
Vì mỗi người sinh ra đều không thể lựa chọn được hoàn cảnh, xuất thân, tất cả đều do may rủi của cuộc đời. Nhưng, những ai đầy đủ tay chân, con tim và khối óc, sức lực và tinh thần thì không được phép nghèo, nhất là nghèo về tư duy, về ý chí và động lực.
Chỉ có người đủ ý chí phấn đấu mới có đủ bản lĩnh vượt lên nghịch cảnh, che chở người thân. Không có sự thành công nào đạt được mà thiếu ý chí. Muốn có ý chí thì bạn phải có khát khao, hoài bão và đam mê đủ lớn để theo đuổi hành trình mà bạn đã chọn.