Nghề tay trái, Tết hái bộn tiền: 5 ngày kiếm bằng 2 tháng lương nhưng lo “ngay ngáy” vì kiếp nạn “quỵt tiền, bùng đơn”

Kim Linh |

Sát Tết là thời điểm dân văn phòng “thức thời” có thể kiếm thêm thu nhập từ việc kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm mùa lễ hội.

Muôn vàn “nghề tay trái” nở rộ, kiếm tiền triệu 1 ngày

Từ 2 tháng trước Tết Nguyên đán, chị Bùi Phương Hạnh (kinh doanh tự do, Hà Nội) đã rục rịch nhập hàng, lên ý tưởng cho các giỏ quà Tết. Chị Hạnh và một người bạn bán giỏ quà có sẵn hoặc nhận thiết kế theo ý tưởng của khách. Giá tiền dao động theo chất lượng đồ trong giỏ, đồ trang trí cũng như thời gian làm ra giỏ quà.

Công việc kinh doanh tay trai này đã được chị Hạnh duy trì được 4 năm. “Thu nhập 1 mùa Tết rơi vào khoảng 45-50 triệu đồng/người. Năm nay tình hình kinh doanh có vẻ chậm hơn do mọi người thắt chặt chi tiêu, một phần cũng là do nhiều bên cũng làm mặt hàng này. Các đơn tôi nhận đặt đến nay cũng hầu hết là giỏ quà có giá ‘mềm’ và của các khách quen đã đặt năm trước”, chị Phương Hạnh cho biết.

IMG_3074.JPG

Mẫu giỏ quà Tết chị Phương Hạnh kinh doanh (Ảnh: NVCC)

Gần Tết, anh Việt Linh (nhân viên Marketing, Hải Phòng) cũng bận rộn nhận thêm một số dự án viết nội dung quảng cáo cho các nhà hàng, thương hiệu thời trang. Thời điểm này là lúc các nhãn hàng đang đẩy mạnh chương trình giảm giá, kích thích mua sắm nên Việt Linh muốn “tranh thủ” để tăng gấp đôi thu nhập.

Không chọn những công việc phải bận rộn 1-2 tháng, chị Phương Anh (nhân viên văn phòng, Hà Nội) chỉ tập trung bán nem rán sẵn trong khoảng 5 ngày sát Tết. Nhà ở trong một khu chợ tại quận Hoàn Kiếm nên Phương Anh có thể tận dụng sẵn mặt bằng và bắt đầu kinh doanh sau khi tốn khoảng 3 triệu đồng mua các thiết bị cần thiết như chảo, khay, máy vắt củ quả,...

Thêm tiêu đề (1).png

Sau khi trừ hết chi phí nguyên vật liệu, mỗi mùa Tết chị Phương Anh có thể thu về từ 10-20 triệu đồng. Phương Anh cho biết số tiền này tương đương 1-2 tháng lương nhân viên văn phòng, giúp chị có thêm khoản thu nhập đáng kể để chi tiêu mua sắm Tết.

Thức đến 4h sáng trả đơn để 8h lên công ty, có thời điểm… sợ Tết

Điều khiến dân văn phòng cảm thấy khó khăn nhất khi có nghề tay trái dịp Tết chính là việc phải vừa đảm bảo chất lượng công việc trên công ty lại vừa kịp trả đơn cho khách hàng bên ngoài. Vậy nên cứ đến gần Tết là chị Phương Anh thường xuyên phải thức đêm để làm nem, có ngày chị còn thức đến 4h sáng làm xong hàng nghìn chiếc nem sau đó 8h lại lên công ty làm việc.

“Đến 28, 29 Tết được nghỉ trên văn phòng rồi thì tôi tập trung gần như cả ngày cho việc bán nem, có hôm chỉ ngủ 2 tiếng vì càng cận Tết càng đắt khách. Thu nhập khá nhưng có thời điểm tôi thấy sợ Tết vì quá nhiều việc phải làm. Đôi khi thấy mọi người có thời gian sắm sửa chỉn chu quần áo, làm đẹp thì cũng khá buồn nhưng phải đánh đổi thôi. Chưa kể gần Tết chuyện khách ‘bùng’ đơn cũng không hiếm nên phải có sự tính toán kỹ lưỡng”, chị Phương Anh chia sẻ.

414852011_1285109725499175_7897969513732643608_n.jpg

Nghề tay trái, Tết hái bộn tiền: 5 ngày kiếm bằng 2 tháng lương nhưng lo “ngay ngáy” vì kiếp nạn “quỵt tiền, bùng đơn”- Ảnh 4.

Mỗi mùa Tết chị Phương Anh có thể bán hàng nghìn chiếc nem (Ảnh: NVCC)

Chị Phương Hạnh cho biết để công việc kinh doanh thuận lợi thì cần duy trì liên tục qua các mùa Tết, không dám bỏ năm nào do sợ “mất khách”. “Nếu khách đặt hàng ưng năm nay thì năm sau họ sẽ đặt tiếp luôn, mình nghỉ một năm là Tết sau có thể họ trở thành khách quen chỗ khác rồi. Vậy nên năm vừa rồi bạn tôi nghỉ vì có việc bận gia đình, tôi không dám buông, làm 1 mình công việc của 2 người luôn”, chị Phương Hạnh nói.

Thức khuya nhiều hơn, thời gian nghỉ ngơi, giải trí ít lại cũng là vấn đề mà anh Việt Linh gặp phải. Cũng có thời điểm anh cảm thấy quá tải nhưng theo Việt Linh, bản thân anh vẫn còn may mắn vì khách thanh toán tiền đúng hẹn. Một số người bạn trong ngành của anh đều từng “nếm trải” cảm giác bị khách “quỵt” tiền sát Tết, nên Việt Linh vừa lo lắng vừa phải nâng cao cảnh giác khi nhận việc vì sợ lâm vào tình cảnh tương tự.

Việt Linh nhận định: “Với những bạn chưa có kinh nghiệm, nhận dự án mà không có hợp đồng hay qua các hội nhóm mạng xã hội dễ có khả năng bị khách ‘bùng’ hoặc hẹn sau Tết mới trả. Điều này đòi hỏi các bạn phải tỉnh táo, nhận khách thông qua các mối quan hệ hoặc kênh uy tín, có hợp đồng thỏa thuận rõ ràng. Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro, tránh lãng phí thời gian, công sức vô ích”.

Thêm tiêu đề (2).jpg

Tạm kết

Theo chị Phương Anh, tìm kiếm mặt hàng kinh doanh cho dịp Tết không quá khó, quan trọng là tìm được “ngách” mà chưa nhiều người làm trong khu vực bạn sinh sống, như vậy sẽ giảm mức độ cạnh tranh, nhất là với những ai chưa từng kinh doanh trước đó. Việc chuẩn bị sớm với Phương Anh cũng khá quan trọng vì càng cận Tết nhiều nguyên vật liệu sẽ tăng giá đắt đỏ hơn. Vậy nên nếu xác định buôn bán dịp Tết cần có sự khảo sát và lên danh sách cho các khoản chi tiêu cũng như sắp xếp thời gian hợp lý dành cho công việc tay trái này.

Còn với anh Việt Linh, làm 2-3 việc sát Tết là trải nghiệm rất thú vị mà người trẻ có thể thử để vừa tăng thu nhập vừa thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên cũng đừng vì quá “tham công tiếc việc” mà bỏ quên việc chăm sóc sức khoẻ và dành thời gian sum vầy bên gia đình, bạn bè, tận hưởng không khí Tết đến xuân về 1 năm chỉ có 1 lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại