Gần đây thông tin các nghệ sỹ sống tại Viện dưỡng lão nghệ sỹ tại Quận 8, gồm có: Diệu Hiền, Ngọc Đáng, Hoa Tranh, Ngọc Bê, Lam Sơn, công nhân sân khấu Đặng Thị Xuân sẽ được di dời sang nơi ở mới là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè thu hút sự quan tâm và ủng hộ của dư luận.
Trước đây ở Viện dưỡng lão còn có nghệ sỹ cải lương lão thành Lệ Thẩm. Tuy nhiên, bà đã qua đời vào ngày 17/1, khi chưa kịp đón Tết Nguyên đán và chuyển sang nơi ở mới.
Dàn nghệ sỹ thế hệ vàng ở Viện dưỡng lão chưa muốn sang chỗ ở mới
Chia sẻ với VTC News về cuộc sống những năm qua của các nghệ sỹ ở Viện dưỡng lão Quận 8, diễn viên Trịnh Kim Chi, đồng thời là trưởng Ban Ái hữu nghệ sỹ (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM), chia sẻ: “Trước giờ, các nghệ sỹ ở Viện dưỡng lão được Hội Sân khấu chăm lo cuộc sống hàng ngày, không phải tốn bất kỳ khoản chi phí nào. Tuy nhiên, nơi này không có nhân viên y tế chăm sóc tại chỗ, mỗi lần có vấn đề gì về sức khỏe đều phải kêu xe để đi đến bệnh viện.
Hiện các cô chú đều tuổi ngày một cao hơn, đồng nghĩa với việc sức khỏe ngày càng kém, nên có thể nói điều kiện nơi ở mới – Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè sẽ tốt hơn rất nhiều. Trung tâm có Phòng y tế tại chỗ, luôn có y bác sĩ túc trực sẽ thuận tiện hơn trong việc chăm lo toàn diện cho các nghệ sỹ”.
Nói về quyết định này của của thành phố, bà Thanh Thúy – Phó Giám Đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (VH&TT) thông tin, thời gian qua UBND TP.HCM rất quan tâm vấn đề chăm sóc sức khỏe cho các nghệ sỹ có cống hiến cho hoạt động nghệ thuật nước nhà.
Vì vậy, Sở VH&TT phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM để sớm đưa các văn nghệ sỹ già yếu ở Viện dưỡng lão nghệ sỹ sang Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè có điều kiện chăm sóc tốt hơn.
Theo quyết định ban đầu, Ủy ban dự định chuyển các nghệ sỹ đến nơi ở mới vào tháng 12/2023. Tuy nhiên các nghệ sỹ có nguyện vọng được ở lại Viện dưỡng lão Quận 8 để đón Tết Nguyên đán 2024. Vì vậy, Ủy ban cũng chia sẻ, đồng thuận chờ sau Tết, dự kiến ngày 27/2 sẽ chuyển các nghệ sỹ lão thành đến nơi ở mới.
Đồng tình với lãnh đạo Sở VH&TT, diễn viên Trịnh Kim Chi lý giải, các nghệ sỹ đã sống ở viện gần 30 năm, nên khi phải chuyển đi chắc chắn họ sẽ lưu luyến. Hội rất đồng cảm với tâm tình của các nghệ sỹ khi muốn được đón cái Tết cuối cùng ở nơi họ xem như là nhà và được tham dự buổi trao quà cùng với 100 nghệ sỹ nghèo vào ngày 20 tháng Chạp hằng năm.
Gắn bó với Viện dưỡng lão Quận 8 từ khi mới thành lập, nghệ sỹ Lệ Thẩm khi còn sống từng tâm sự: “Tôi sống ở viện từ lúc 60 tuổi năm nay cũng đã hơn 87 tuổi, từng đó thời gian sống ở đây đã thành thói quen giờ nói sang nơi mới thật không nỡ mà đi. Cũng sắp 90 rồi không còn lo nghĩ gì nữa chỉ muốn sống lạc quan, vui vẻ”.
Được biết, các thủ tục cho các nghệ sỹ chuyển sang nơi ở mới đã hoàn thành, chỉ chờ đến đúng lịch để chuyển đi.
Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM cũng đề cập đến trường hợp nghệ sỹ Mạc Can và Huỳnh Thanh Trà. Xét về tiêu chuẩn được vào sống trong viện dưỡng lão, ông Mạc Can tuy có con nhưng cuộc sống khó khăn, phải ở nhà thuê, chạy ăn từng bữa không đủ điều kiện chăm sóc cho ông.
Còn ông Huỳnh Thanh Trà không còn vợ con bên cạnh, phải ở nhờ trong căn nhà chật hẹp của người em gái ở quận 4 trong điều kiện rất khó khăn, nên lãnh đạo TP.HCM đã cố gắng hỗ trợ để đưa hai nghệ sỹ sang viện dưỡng lão Thị Nghè cùng đợt với các nghệ sỹ trên.
Theo thông tin chia sẻ của bà Thanh Thúy, các cơ quan đang làm đề án xây dựng khu an dưỡng viên văn nghệ sỹ trong Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè với chức năng chăm sóc các văn nghệ sỹ ở nhiều lĩnh vực có đóng góp cho nền nghệ thuật hiện già yếu, bệnh tật, neo đơn và khó khăn.
Như vậy, không chỉ riêng nghệ sỹ lĩnh vực sân khấu mà sắp tới còn có các nghệ sỹ lĩnh vực khác như điện ảnh, văn học, mỹ thuật… cũng sẽ nhận được sự quan tâm chăm sóc khi về già.
Xót xa đời nghệ sĩ
Viện dưỡng lão nghệ sỹ là nơi chăm sóc của những nghệ sỹ khi đã bước vào giai đoạn xế chiều. Theo quy định, những nghệ sỹ được vào đây phải tham gia hoạt động nghệ thuật trên 20 năm, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghệ thuật.
Các cụ ông phải đạt từ 65 tuổi trở lên và các cụ bà từ 60. Đặc biệt, các nghệ sỹ này phải có hoàn cảnh khó khăn, không có người thân, không nơi nương tựa…
Bên cạnh đó, số lượng phòng có hạn nên Viện dưỡng lão nghệ sỹ chỉ nhận đủ số người tương ứng với số phòng. Viện dưỡng lão nghệ sỹ được xây dựng từ năm 1996 với 20 phòng và theo nguyên tắc mỗi người một phòng riêng nên vì vậy viện chỉ nhận chăm sóc tối đa 20 người, chỉ khi có nghệ sỹ nào xin ra hoặc mất thì mới tiếp nhận trường hợp khác.
Sau 20 năm, cơ sở vật chất dần xuống cấp và đến năm 2021, một số mạnh thường quân và hội sân khấu TP. HCM đã phối hợp để viện được tu sửa lại khang trang, sạch sẽ và thoáng đãng hơn nhưng vẫn thiếu thốn các tiện ích cần thiết như phòng y tế, khu sinh hoạt.
Viện dưỡng lão nghệ sỹ Quận 8 được xây dựng theo tâm nguyện NSND Phùng Há với mong muốn giúp những nghệ sỹ đã có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà có một nơi nương tựa lúc về già, đặc biệt là dành cho các cụ có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đây, bên cạnh tiêu chí để được vào viện dưỡng lão đều là những nghệ sỹ neo đơn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng thời phải là thành viên của Hội sân khấu – hiện quy định này đã được gỡ bỏ khỏi tiêu chuẩn để nhiều nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được vào viện an dưỡng tuổi già.
Tuy nhiên, để được ở nơi này, tiêu chí “neo đơn, không nơi nương tựa” của các nghệ sỹ cũng khiến ai nghe qua đều cảm thấy xót xa bởi trong mắt khán giả, thế hệ nghệ sỹ vàng là những cái tên nổi tiếng, được khán giả mến mộ và các ông bầu gánh hát săn đón sẵn sàng chi trả mức cát-sê cao ngất ngưởng nhưng cuộc sống về già của họ lại không mấy yên ả, đủ đầy.
Đa số những nghệ sỹ cả đời gắn bó với hoạt động nghệ thuật, họ đam mê sân khấu, thường không gắn bó với gia đình, con cháu. Khi tuổi cao sức yếu, không còn chạy show kiếm tiền, họ cũng không nỡ lên tiếng nhờ cậy con cháu, người thân.
Hoặc các nghệ sỹ theo đuổi nghệ thuật vì đam mê, thu nhập hạn chế, khi về già không còn lao động cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Hiện tại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang bổ sung thêm một số tiêu chuẩn, đã đưa ra đề xuất là những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật (như hậu đài, nhạc sĩ, nhạc công…) sẽ được đến ở viện dưỡng lão chứ không chỉ là nghệ sỹ.