Nghệ sĩ Xuân Hương: Làm đạo diễn dây thần kinh phải miễn dịch với miệng lưỡi con người

NGUYÊN HƯƠNG |

"Tai họa ở chỗ, làm dở bị chê đã đành, làm hay mà đôi khi cũng vẫn bị chê. Chê đến mức người bị chê không còn muốn sống nữa...", nghệ sĩ Xuân Hương nói.

Nam giới làm nghề đạo diễn khổ 10 thì nữ giới làm công việc này còn khổ gấp trăm lần, thế nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Những chia sẻ thẳng thắn dưới đây của nghệ sĩ Xuân Hương sẽ cho công chúng hiểu hơn về công việc vốn dĩ chỉ dành cho nam giới này.

Nghề mà như cách gọi của nghệ sĩ Xuân Hương là đầy đau thương và nước mắt.

Nghệ sĩ Xuân Hương: Làm đạo diễn dây thần kinh phải miễn dịch với miệng lưỡi con người - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ về nghề nữ đạo diễn và những góc khuất "hiểm nguy" rình rập xung quanh...

Bị chê đến mức không còn muốn sống nữa...

Khi bước vô nghề đạo diễn thì thầy chủ nhiệm của tôi đã cảnh báo những nữ đạo diễn tương lai về các rủi ro của người phụ nữ khi chọn nghề này rằng: "Nghề đạo diễn là nghề của đàn ông. Không phải vì tài năng đạo diễn của nữ giới thua nam giới mà đây là một nghề không dành cho những nàng yểu điệu thục nữ".

Vì sao? Phụ nữ thường gắn liền với bếp núc, con cái và bổn phận mà họ nghiễm nhiên phải mang trong gia đình. Những vướng bận đó sẽ làm ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo của họ.

Thử nghĩ rằng, người đạo diễn đang suy nghĩ về cách xử lý một cảnh nào đó mà con khóc đòi bú, đứa nhắc phải đóng tiền học mà nhà thì hết gạo, chồng lại đánh te tua vì mải mê công việc, bỏ bê gia đình thì chắc là cái cảnh đó sẽ mang đầy màu nước mắt dù đó là một vở hài kịch.

Đó chỉ là những liệt kê sơ bộ về những oan trái của người phụ nữ có trái tim đàn ông.

Thực tế là khi ra nghề, tôi mới thấy ông thầy của mình còn chưa lường trước được những rủi ro khác thường xảy ra. 

Cũng bởi do đặc trưng nghề nghiệp là sản phẩm, tác phẩm và những hoạt động của nghề nghiệp đó luôn bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ nên chuyện khen chê là khó tránh khỏi. Đó mới là tai họa.

Tai họa ở chỗ, làm dở bị chê đã đành, làm hay mà đôi khi cũng vẫn bị chê. Chê đến mức người bị chê không còn muốn sống nữa, muốn nghỉ nghề cho xong.

Thế nhưng hỏi dở chỗ nào thì người nói cũng không đưa ra được chứng cứ thuyết phục mà chỉ nói chung chung rằng, "tôi không biết thế nào nhưng tôi thấy nó như thế nào ấy"! Rồi vì cái "tôi không biết thế nào nhưng thấy nó như thế nào ấy" mà họ phủi sạch hết những cái hay của người khác.

Chuyện không dừng lại ở đó. Đôi khi còn thêm chứng cứ nguỵ tạo bằng cách có ai đó vì có mối thâm thù nhưng không muốn ra mặt trả thù, nay nhân tiện thì cho nó luôn một mẻ, bèn đứng trong bóng tối thò bàn tay ra xúi người khác châm ngòi nổ chê bai cho một số "dư luận viên" làm rùm beng lên để đánh gục đối phương.

Nghệ sĩ Xuân Hương: Làm đạo diễn dây thần kinh phải miễn dịch với miệng lưỡi con người - Ảnh 3.

Phụ nữ làm đạo diễn là phải trở nên lì lợm

Thói thường thì làm mới khó, chứ nói thì dễ. Muốn nói thì có ti tỉ thứ để nói. Muốn chê thì có hàng triệu cách để chê. Người ta không cần nhìn vào cái được mà cứ vạch lá tìm sâu thì đến thánh cũng phải tự tử mà chết.

Muốn chê thì một công việc nào lại không có cái sơ hở huống gì là một tác phẩm nghệ thuật, đến đạo diễn thiên tài tầm cỡ thế giới vẫn có những sơ hở thì nói gì đến đạo diễn ở xứ Việt Nam này.

Thế là trăm dâu đổ đầu tằm: Từ chuyện diễn viên diễn chưa đạt cũng chê đạo diễn, ông nhạc công lỡ làm đứt dây đàn cũng đổ lên đầu đạo diễn... cho đến chuyện tiếp đón quan khách lỡ có bị thất thố cũng đổ lên đầu đạo diễn.

Thậm chí ông giữ xe lỡ sơ ý để kẻ gian trà trộn vào bãi giữ xe ăn cắp xe thì cũng bảo tại đạo diễn tổ chức không chu đáo.

Kể vài chuyện điển hình như vậy để thấy rằng phụ nữ làm đạo diễn là phải trở nên lì lợm mới có thể đương đầu với những khó khăn trong nghề và những cái khó khăn từ trên trời rơi xuống. Hoặc là phải có một hệ miễn dịch cho các dây thần kinh được dửng dưng với miệng lưỡi con người.

Dù cho khó khăn là vậy, nhưng đã "lỡ mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa", vẫn phải bám lấy nghề vì không còn thời gian để làm lại từ đầu.

Chỉ xin mọi người thông cảm dùm và nghĩ dùm rằng: đạo diễn là người làm nên tác phẩm và chỉ chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình chứ không chịu trách nhiệm về những chuyện bên ngoài sân khấu và không thuộc về chuyên môn. Họ không thể chịu trách nhiệm về chuyện soát vé hay những chuyện xảy ra ngoài bãi giữ xe.

Xin hãy thương dùm những người con gái mang tên đạo diễn. Hãy nhìn họ bằng cái nhìn nhân hậu hơn để thấy cái họ làm được qua tác phẩm của họ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại