Nghệ sĩ Xuân Hương: Tôi tự hào khi được người ta nói giống bà nội trợ hơn là một nghệ sĩ

Cao Thanh Hương |

"Tôi tự hào khi người ta nói tôi giống bà nội trợ hơn 1 nghệ sĩ vì tôi tự mình đi chợ vào bếp bình thường không sống ảo, không se sua như một số người", nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ.

Trong bối cảnh hài nhảm, hài tục hiện nay có ý kiến cho rằng một số nghệ sĩ đã không hiểu được chức năng làm nghề của mình. Họ làm nghề không phải vì đam mê, để đem tài năng của mình đến với công chúng mà vì tiền và sự nổi tiếng. 

Điều đó khiến sân khấu hài ngày càng dung tục hơn. Nhiều người trong số họ lại cho rằng mình đang chiều theo thị hiếu của khán giả… Xung quanh câu chuyện này, nghệ sĩ Xuân Hương đã chia sẻ thẳng thắn với mong muốn làng hài có những thay đổi tốt hơn.

Nghệ sĩ Xuân Hương: Tôi tự hào khi được người ta nói giống bà nội trợ hơn là một nghệ sĩ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Hương từng một thời lừng lẫy với chương trình "Những người thích đùa".

Ngôn phong thể hiện trình độ, văn hoá nền của mỗi con người

Thưa nghệ sĩ Xuân Hương, cô nghĩ gì về chuyện nghệ sĩ văng tục, nói bậy trên sân khấu để chọc cười khán giả như hiện nay?

Ngôn phong là một trong nhiều yếu tố giúp người khác nhận xét hay đánh giá về người đối diện. Cách nói chuyện và cách dùng từ ngữ luôn thể hiện trình độ, văn hoá nền của mỗi con người.

Sân khấu là nơi dành riêng cho người nghệ sĩ thể hiện cái đẹp để đem đến những bài học về đạo đức, về nhân cách cho khán giả. Nền nghệ thuật của một đất nước luôn thể hiện tâm hồn của dân tộc đó, là thước đo mức sống và trình độ văn minh cũng như trình độ văn hoá của dân tộc đó.

Vậy thì người nước ngoài sẽ thấy gì khi phải nghe và nhìn những điều đang diễn ra trong bối cảnh đen tối của bức tranh nghệ thuật hiện nay?

Điều gì khiến cô bây giờ mới lên tiếng?

Tôi là người luôn lên tiếng để phản bác lại cái xấu và chống tiêu cực. Tôi không thể im lặng khi thấy cái nghề có ý nghĩa rất thiêng liêng của mình ngày càng bị dìm sâu xuống bùn dơ.

Tôi không thể im lặng khi dư luận xã hội phê phán và có những cái nhìn không thiện cảm vì những gì xảy ra trong đời sống showbiz hiện nay.

Là một người cùng đứng chung trên một con thuyền nhưng có nhiều người làm cho con tàu bị đắm thì tôi buộc lòng phải lên tiếng vì trách nhiệm công dân của mình với tư cách là một khán giả, với tư cách là một người hoạt động trong nghề.

Tôi thấy đau khi có nhiều người không biết quý trọng nghiệp diễn của mình. Tiếng nói của tôi cũng giống như một tiếng kêu cứu giữa đêm trường chưa thấy ánh bình minh. Nhưng tôi lên tiếng vì muốn thấy được một chút ánh sáng cho bức tranh đen tối của làng hài.

Nói về hài dơ, hài nhảm phải bắt đầu từ sự tràn lan của game show hiện nay. Trường Giang cho rằng "từ chối game show là từ chối khán giả". Cá nhân cô có đồng tình với quan điểm này?

Chuyện tham gia game show không có gì xấu nhưng vấn đề là những người tham gia nên làm sao để chương trình đó đem lại sự giải trí lành mạnh cho khán giả.

Phải làm cho khán giả có những tiếng cười sảng khoái nhưng bổ ích và cuối cùng là đọng lại trong lòng người xem những giá trị nhân văn, giáo dục mang tính mỹ học.

Cô đã bao giờ nêu đích danh nghệ sĩ diễn hài dơ để góp ý cho họ?

Tôi đã từng góp ý một cách chân thành khi được phỏng vấn về một trường hợp từng gây xôn xao trước đây. Tôi không góp ý vì cá nhân của người ấy mà tôi lên tiếng vì cái chung của vấn đề và mong rằng người ấy hiểu được những điều tôi muốn nói.

Tôi không nêu đích danh vì câu chuyện đã nói về những tên tuổi cụ thể một cách rõ ràng. Nhưng khi nhân vật trong câu chuyện ấy gọi điện thoại cho tôi chất vấn thì tôi cũng trả lời thẳng thắn về quan điểm của mình chứ không tránh né.

Tôi là người luôn nhìn thẳng vào vấn đề và nói thẳng để chỉ ra cái không đúng. Nhưng tôi không muốn làm người khác bị tổn thương nên tôi không bao giờ muốn nêu đích danh một cá nhân nào lên trước công chúng.

Tự hào khi được nói giống bà nội trợ hơn một nghệ sĩ sống ảo

Nhiều người cho rằng tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là nghệ sĩ, thế nào là nghệ sĩ ngôi sao hiện nay đang bị lẫn lộn. Cô nghĩ như thế nào về điều này?

Điều đó rất đúng trong bối cảnh hiện nay. Theo ý riêng của tôi, sở dĩ có tình trạng này xảy ra là do có nhiều người hiểu lệch lạc về giá trị của người nghệ sĩ.

Họ đã không hiểu rằng để trở thành một người nghệ sĩ đúng nghĩa hay để trở thành một ngôi sao phải có sự khổ luyện, trăn trở về nghề nghiệp. Nhất là họ phải luôn tự đặt câu hỏi "tôi đã làm gì và sống thế nào để xứng đáng với lòng yêu mến của khán giả".

Nghệ sĩ Xuân Hương: Tôi tự hào khi được người ta nói giống bà nội trợ hơn là một nghệ sĩ - Ảnh 2.

Trấn Thành vừa qua bị công chúng bức xúc khi cười quá dễ dãi với phần thi của thí sinh Lê Tấn Lợi tại game show Thách thức danh hài.

Họ phải tự hỏi như vậy để sống tốt hơn, yêu nghề hơn và cống hiến lòng đam mê, tài năng của mình cho xã hội, cho công chúng.

Người nghệ sĩ phải là một công dân đúng nghĩa. Khi đó họ sẽ thấy rằng người nghệ sĩ không phải là người so đo nhau về món hàng hiệu mà họ đang xài, về chiếc xe khủng mà họ đang đi, về người đại gia mà họ đang sánh bước.

Tất cả những món hàng chúng ta sử dụng thật ra cũng rất cần thiết nhưng vật chất không làm nên tên tuổi và đạo đức của một con người mà chỉ có sự cống hiến mới là thước đo giá trị của mỗi con người.

Hay là nghệ thuật thời nay cần phải có một thước đo mới cho phù hợp, thưa nghệ sĩ Xuân Hương?

Tôi không đồng ý. Thời nào cũng vậy, Đông phương hay Tây phương thì đạo đức vẫn là không cướp của giết người, không giật chồng cướp vợ, không làm những điều sai trái.

Người làm nghề này phải biết lấy lời khen chân thật của khán giả để làm niềm hãnh diện cho mình. Nghề này nghiệt ngã ở chỗ làm gì cũng bị soi mói, bị suy xét, bị cân đong đo đếm... Đã là nghệ sĩ thì nên quan niệm những cái "bị" đó là niềm hạnh phúc và động lực giúp mình sống tốt hơn, làm việc tốt hơn.

Đừng trách công chúng "sao tôi làm gì cũng bị nói", đó là ngụy biện cho những hành vi sai trái trong nghề và trong cuộc sống. Làm nghệ sĩ giống như mình tu thân và tu nghề, sự ngưỡng mộ của khán giả là thước đo để mình bước đi trên con đường bằng phẳng.

Cách đây mấy chục năm, khi vật chất chưa lên ngôi, con người của nghệ thuật lúc đó cũng sống thật hơn vì họ tôn trọng những giá trị đạo đức đích thực.

Chính vì thế, ngày ấy có rất nhiều tác phẩm giá trị đỉnh cao từ những nghệ sĩ tử tế. Khi nói ra điều này, tôi rất đau vì cái mới không phải là điều gì lạ lẫm nhưng những điều thiêng liêng ấy đã bị đánh mất. Nhưng dù thế nào tôi vẫn mong ngày ấy sẽ trở lại.

Nghệ sĩ Xuân Hương: Tôi tự hào khi được người ta nói giống bà nội trợ hơn là một nghệ sĩ - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Việt Hương vừa phải viết thư xin lỗi khán giả vì trót nói tục trên sân khấu đám cưới ca sĩ Đình Bảo.

Cô nghĩ thế nào nếu được xướng là danh hài, ngôi sao như một số danh xưng hiện nay người ta đang dành cho một số nghệ sĩ nổi tiếng?

Tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào khi được gọi như vậy vì điều đó chứng tỏ tôi đã chọn đúng con đường trong nghệ thuật và những gì tôi làm được công chúng ghi nhận.

Nhưng một mặt khác tôi vẫn thấy mình còn nhỏ bé vì trước tôi đã có nhiều bậc tiền bối tên tuổi lẫy lừng với những cống hiến to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. 

Tôi không nghĩ mình đã là ai nên không nghĩ ngợi về khái niệm này mà tôi nghĩ rằng nếu chúng ta lấy tiêu chí để phong tặng danh hiệu ngôi sao như rất nhiều trường hợp hiện nay thì sẽ là một sự xúc phạm đối với các bậc tiền bối.

Tôi tự hào khi người ta nói tôi giống bà nội trợ hơn 1 nghệ sĩ vì tôi tự mình đi chợ vào bếp bình thường, không sống trên mây, không sống ảo, không se sua như một số người.

Cám ơn cô đã chia sẻ!

Ngày xưa, để được gọi là nghệ sĩ vô cùng gian nan. Một câu thoại cũng phải tập đi tập lại bao nhiêu lần để tìm được cách thoại hay nhất. Nhận một vai diễn phải nghiên cứu từ giọng nói tới tâm lý, nét tính cách riêng của nhân vật để diễn cho ra vai.

Còn diễn viên bây giờ, thậm chí thoại cũng không học. Nhân vật không nghiên cứu nhưng vẫn nghiễm nhiên lên diễn, thậm chí quay truyền hình.

Họ nói nhiều show quá không có thời gian tập. Làm thế là coi thường nghề nghiệp. Bản thân tôi không bao giờ dám làm như vậy. Ngay cả bây giờ, nhận vai tôi phải chừa thời gian để mình nghiên cứu nhân vật, tập tành đàng hoàng và để không làm rối người khác.

Lòng tự trọng, lòng yêu nghề khiến tự tôi muốn làm việc đó. Tôi không muốn bị khán giả chê. Khán giả chê là nỗi nhục của người nghệ sĩ.

Tiếc rằng thời nay, thước đo của sự nổi tiếng được đánh gia qua việc người đó có bao nhiêu người mời show. Đó cũng là một cách đánh giá nhưng mình cần phải lắng lòng lại, tự suy nghĩ xem, người ta mời mình vì cần hay vì yêu.

Người ta cần vì nghĩ rằng có anh A, chị B thì chương trình đó nhiều người xem nhưng như vậy chưa phải là yêu. Đừng để khán giả kêu "mấy người đó diễn tào lao quá, tôi thấy mấy người đó là chuyển kênh".

Đã có những người trong số những người đang được gọi là ngôi sao hot nhất hiện nay bị khán giả đánh giá như vậy.

(Nghệ sĩ Xuân Hương)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại