Quá khứ chạy xe ôm, kéo phông màn của đạo diễn "Quý cô tuổi Dần"

Nguyễn Huy |

Ở độ tuổi ngoại tứ tuần như đạo diễn Lê Văn Thảo, nhiều đồng nghiệp sống sung túc với nhà lầu xe hơi còn anh vẫn sống một mình trong ngôi nhà rất nhỏ...

Cách đây chừng 20 năm, Lê Văn Thảo xin vào giữ xe cho sân khấu hài đình đám 135 Hai Bà Trưng của ông bầu Phước Sang. Vì cuộc sống khó khăn, sau giờ sân khấu đóng cửa, anh chạy xe ôm đón khách.

Sau này, anh được tuyển vào làm nhân viên kéo màn cho sân khấu. Từ đây giấc mơ nghệ thuật bùng cháy trong anh.

Nhưng để có đươc uy tín nhất định trong giới nghệ thuật, Lê Văn Thảo phải vượt qua muôn vàn khó khăn của cuộc sống, thậm chí còn phải chiến thắng cả thần chết.

Từ giữ xe, phục vụ bàn, chạy xe ôm kiếm cơm

Lê Văn Thảo không được truyền thông biết đến nhiều như Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Xuân Phước... nhưng anh có một uy tín nhất định trong giới đạo diễn phim.

Bộ phim truyền hình "Qúy cô tuổi Dần" do anh đạo diễn nhiều năm trước được khán giả tán thưởng và đồng nghiệp đánh giá cao. Gần đây, phim "Hồn lụa" do anh đạo diễn cũng được xếp vào top những phim có rating cao của kênh truyền hình SCTV14.

Vậy mà trước đó, anh chưa từng một lần mơ ước sẽ trở thành nghệ sỹ!

Lê Văn Thảo là con trai út của một gia đình nông dân đông con ở Đồng Tháp. Hồi nhỏ, anh nhút nhát tới mức được bạn bè rủ tham gia văn nghệ ở trường nhưng sợ chạy trốn.

Vì gia cảnh nghèo nên tốt nghiệp trung học, Lê Văn Thảo nhanh chóng tìm công việc lao động chân tay, kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ già.

Quá khứ chạy xe ôm, kéo phông màn của đạo diễn Quý cô tuổi Dần  - Ảnh 1.

Đạo diễn Lê Văn Thảo (áo vàng) chỉ đạo diễn xuất cho Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo (giữa) trong quá trình quay phim "Hồn lụa".

Có lần, một người bà con rủ Lê Văn Thảo lên Sài Gòn chơi. Anh rất thích vì từ lâu chỉ thấy Sài Gòn qua những bộ phim truyền hình mà chưa một lần đặt chân đến.

Chuyến đi này như một định mệnh đã giữ chân Lê Văn Thảo ở lại Sài Gòn. Vì đồng lương dưới quê quá thấp, Lê Văn Thảo quyết bỏ việc và xin vào làm công nhân cho một công ty điện lạnh tại quận Gò Vấp. Nhiệm vụ của anh là lắp ráp hệ thống máy wast và hấp quần jean cho các xí nghiệp may.

Công việc đang thuận lợi thì một hôm, người em bà con vừa làm nhân viên giữ xe vừa học khoa cải lương trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM rủ Lê Văn Thảo ghé sân khấu 135 Hai Bà Trưng chơi.

Được gặp các nghệ sĩ bằng xương bằng thịt ngoài đời, anh vui sướng đến nỗi mong muốn được thấy họ thường xuyên hơn. Vậy là anh bỏ công việc cũ và xin vào giữ xe tại sân khấu 135.

Thời điểm đó, sân khấu 135 là tụ điểm hài hoạt động đình đám nhất Sài Gòn, quy tụ hầu như tất cả các ngôi sao hài.

Thế nhưng đồng lương của nhân viên giữ xe rất thấp, không đủ sống ở vùng đất mà mức chi phí đắt đỏ hơn ở quê gấp nhiều lần. Lê Văn Thảo xin đi chạy bàn ở quán cafe vào buổi sáng và trưa. Sau khi tan hát, sân khấu đóng cửa, anh mượn chiếc xe cup 50 cũ của bạn để chạy xe ôm.

Lê Văn Thảo nhớ lại: "Khách đi xe ôm của tôi là những người đi bar, hoặc là nhân viên quán bar. Họ trở về nhà vào lúc nửa đêm về sáng nên tôi hầu như ngày nào cũng thức đến 3,4 giờ sáng. Về nhà chợp mắt được 2,3 tiếng là lật đật bò dậy đi làm tiếp".

Quá khứ chạy xe ôm, kéo phông màn của đạo diễn Quý cô tuổi Dần  - Ảnh 2.

Đạo diễn Lê Văn Thảo và NSƯT Minh Trang.

Đến lối vào sân khấu đầy bất ngờ

Cường độ làm việc dày đặc, ít ngủ nhưng nhờ sức trẻ nên Lê Văn Thảo cứ thế đi qua hết mệt mỏi. Làm nhân viên giữ xe tại sân khấu 135 một thời gian dài, Lê Văn Thảo được ông chủ Phước Sang để mắt tới.

Thấy người nhân viên trẻ có dáng dấp cao ráo, làm việc chăm chỉ và trách nhiệm nên ông bầu nổi tiếng cho anh một cơ hội tốt hơn. Đó là vai trò... kéo màn và lo hậu đài sân khấu.

Trong mắt nhiều người đó là công việc thấp kém nhưng đối với Lê Văn Thảo nó vô cùng thú vị. Đơn giản vì anh được tiến gần hơn với nghệ sỹ.

Lúc đó anh ăn cơm bụi, ngủ nhà trọ rẻ tiền, có lúc trong người không còn một xu dính túi nhưng anh thấy cuộc đời vô cùng đáng yêu. Sống thiếu thốn nhưng bù lại tinh thần thoải mái. Nhưng anh vẫn canh cánh một nỗi niềm là không có tiền gửi về quê phụ giúp mẹ già.

Ít lâu sau, ông bầu Phước Sang nâng Lê Văn Thảo lên một chức cao hơn. Anh được tin tưởng giao vai trò phát lương cho nghệ sỹ ở khắp các tụ điểm mà Phước Sang làm chủ.

Nhiều lúc túi rỗng, thèm ăn lại cầm rất nhiều tiền của sân khấu trong tay nhưng anh cũng không dám động vào một đồng. Anh được tiếng nghèo mà ngay thẳng.

Thiếu thốn là vậy nhưng lúc đó trong anh bỗng trỗi dậy giấc mơ làm nghệ thuật. Theo Lê Văn Thảo, việc hằng đêm đứng bên cánh gà nhìn nghệ sỹ trình diễn làm anh mê ánh đèn sân khấu lúc nào không hay. Niềm vui và nỗi buồn của các nhân vật trên sân khấu len lỏi rồi thấm dần vào tiềm thức của chàng trai trẻ.

Quá khứ chạy xe ôm, kéo phông màn của đạo diễn Quý cô tuổi Dần  - Ảnh 3.

Đạo diễn Lê Văn Thảo trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.

Thế là anh quyết định thi vào khoa Đạo diễn trường Đại học Sân khấu & điện ảnh TP.HCM. Do học lực khá và được sống trong không gian sàn diễn khá lâu nên anh thể hiện phần thi rất tốt. Đậu vào trường nhưng anh hoang mang vì không biết lấy tiền đâu đóng học phí, cũng như nhiều chi phí khác.

Cuối cùng anh cải thiện tình hình bằng cách, ngoài công việc hậu đài, anh tham gia cùng các bạn tấu hài hoặc quay video hài cho truyền hình. Cuộc sống thiếu thốn nhưng đầy hy vọng vì anh được làm công việc yêu thích.

Lê Văn Thảo kể: "Có lúc đến kỳ đóng tiền học nhưng trong người tôi không có đồng nào. Buồn quá ngồi thẫn thờ trước sân khấu thì ông bầu Phước Sang ghé qua. Ông ấy hỏi làm gì mà mặt mày như đưa đám vậy?

Tôi không dám trả lời, nhưng ông ấy cứ hỏi tới. Cuối cùng tôi đành nói thật là không có tiền đóng học phí, sợ bị đuổi. Ngay lập tức Phước Sang móc bóp cho tôi dư cả số tiền mong muốn".

Mang tiếng đồng tính vì quá có hiếu với mẹ

Sống lây lất trong cảnh vừa làm vừa học nhưng sau cùng Lê Văn Thảo cũng tốt nghiệp trường nghệ thuật. Đó là năm 2001. Lúc này nhờ có kiến thức và kinh nghiệm nên anh được mời dựng cho nhiều sự kiện, các cuộc thi văn nghệ phong trào.

Cuôc sống khá lên dần. Thu nhập của anh đủ nhiều để có thể hằng tháng gửi tiền đều đặn về cho cha mẹ. Anh cũng được mời đạo diễn nhiều phim truyền hình. Trong đó, "Qúy cô tuổi Dần" gây chú ý lớn cho công chúng vì câu chuyện hấp dẫn và lối kể hợp lý của Lê Văn Thảo.

Quá khứ chạy xe ôm, kéo phông màn của đạo diễn Quý cô tuổi Dần  - Ảnh 4.

Đạo diễn Lê Văn Thảo và mẹ.

Nhưng cuộc đời anh luôn bị tạo hóa trêu ngươi. Khi anh đã có được chút uy tín trong nghề và dành dụm được chút tiền thì ba ngã bệnh. Toàn bộ số tiền anh có được dồn vào việc chữa trị cho ông.

Sau đó, người mẹ già bị đau khớp. Nhìn mẹ đau nhức ngủ không được, anh đau xé ruột gan. Anh tiếp tục dốc túi cho bà thay hai khớp háng với kinh phí vài trăm triệu đồng. Vì vậy mà dù có nhiều show nhưng anh vẫn là chàng nghệ sỹ nghèo.

Vì lo lắng cho mẹ nên anh cứ tranh thủ lúc rảnh chạy về quê chăm sóc bà. Phụ nữ vây quanh anh không thiếu nhưng anh vẫn sống độc thân. Mọi người từ chờ đợi anh lập gia đình chuyển sang nghi ngờ anh là người đồng tính.

Bạn bè thân thiết gặng hỏi, anh mới chia sẻ rằng mẹ anh đã già, còn anh lại không có nhiều tiền. Anh sợ họ lúc chưa về chung nhà thì tôn trọng anh, nhưng khi thành vợ chồng nhận ra anh không giàu có, họ sẽ đổi thái độ. Anh không chịu nổi cảm giác đó.

Nhưng quan trọng hơn, anh sợ không có người phụ nữ nào thực sự yêu thương người mẹ mà anh trân quý. Anh sợ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khiến anh đánh mất chữ hiếu.

Thế là mặc ai đàm tiếu anh vẫn lặng lẽ sống một cuộc đời bình dị, đơn giản mà ấm áp bên mẹ và các anh chị.

Chiến thắng thần chết

Thế nhưng số phận vẫn không ngừng thách thức Lê Văn Thảo. Cách đây hơn 2 năm, trong một lần chạy thể dục, anh cảm thấy đầu gối mình đau nhói. Ngỡ là chấn thương bình thường nên anh không quan tâm.

Quá khứ chạy xe ôm, kéo phông màn của đạo diễn Quý cô tuổi Dần  - Ảnh 5.

Thần chết từng gõ cửa...

Tối đó, anh bị đau nhức dữ dội. Anh uống tạm thuốc giảm đau để qua cơn. Nhưng sáng ngày hôm sau, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Anh nhập viện Đại học y dược TPHCM. Bác sỹ chẩn đoán anh bị giãn tĩnh mạch, tắc nghẽn động mạch máu không thể lưu thông nuôi chi dưới.

Anh hôn mê suốt 10 ngày. Trước khi rơi vào trạng thái mất nhận thức anh dặn gia đình đừng cho mẹ biết tình trạng của mình. Anh sợ bà lo lắng quá ảnh hưởng sức khỏe.

Bác sỹ theo dõi bệnh tình Lê Văn Thảo cho biết anh đang rơi vào tình trạng nguy hiểm, nhiều khả năng không qua khỏi. Lúc này, toàn bộ số tiền anh dành dụm đã chi hết cho viện phí. Anh em nghệ sỹ thân thích tổ chức một show diễn quyên góp cho anh.

Nhờ số tiền này mà Lê Văn Thảo đã được chữa trị đúng mức. Anh hồi sinh trong sự vui mừng của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Lê Văn Thảo tâm sự: "Được cứu sống tôi thấy mình mang ơn cuộc đời này rất nhiều. Tôi nhận ra rằng anh em nghệ sỹ bình thường có thể làm tổn thương nhau nhưng khi ai đó có mệnh hệ gì thì tất cả chung lòng".

Kể từ khi vượt qua cái chết, Lê Văn Thảo quan tâm đến người xung quanh nhiều hơn. Anh sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai gặp khó khăn, trong khả năng có thể.

Nhìn lại mọi thứ, Lê Văn Thảo nhận ra rằng số phận của anh không may mắn. Mỗi khi anh làm được việc, y như rằng sẽ có chuyện không may xảy đến.

Ở độ tuổi ngoại tứ tuần như anh, nhiều đồng nghiệp thành đạt về vật chất, sung túc với nhà lầu xe hơi còn anh vẫn sống một mình trong ngôi nhà rất nhỏ, trong một con hẻm rất sâu.

Thế nhưng anh vẫn thấy hạnh phúc vì có cơ hội làm nghề và được chăm sóc và chia sẻ buồn vui với người mẹ ngoài 80 tuổi của mình.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại