Từ đào hát cải lương thành diễn viên điện ảnh, chuyên trị vai người mẹ, người bà
Nghệ sĩ Ánh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1941 tại Bến Tre trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, với bố là nghệ sĩ cải lương Văn Danh và mẹ là nghệ sĩ cải lương Ánh Nguyệt, giỏi về hát bội. Bà cất tiếng khóc chào đời ngay trong đoàn hát Tỷ Phượng.
Nhờ đó, nghệ sĩ Ánh Hoa từ nhỏ đã có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật và lớn lên cùng những làn điệu vọng cổ. Bà sống trong bầu không khí cải lương, tuồng cổ khi liên tục được theo cha mẹ đi diễn khắp nơi cùng gánh hát. Bà cũng được cha mẹ mình dạy cải lương, hát bội từ rất sớm.
Tài năng nghệ thuật của Ánh Hoa sớm nảy mầm. Mới 7 tuổi, bà đã bước lên sân khấu cải lương, hóa thân thành Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt của gánh hát Tỷ Phượng. Đây là vai diễn đầu tiên đưa Ánh Hoa đến với sân khấu và được khán giả đón nhận tích cực.
Tới 15 tuổi, nghệ sĩ Ánh Hoa được trở thành đào chính, hội tụ đầy đủ cả thanh và sắc, thường xuyên đảm nhiệm những vai quan trọng trên sân khấu cải lương. Khán giả thường chỉ biết tới Ánh Hoa với những vai diễn trên phim truyền hình. Ít ai biết, bà có một giọng hát rất hay, nội lực và kĩ thuật, truyền cảm do được đào tạo về cải lương.
Vào nghề và nổi tiếng sớm nên nghệ sĩ Ánh Hoa kết hôn cũng sớm. Chỉ một năm sau khi trở thành đào chính, bà kết hôn với nghệ sĩ cải lương Minh Chí.
Sau khi lập gia đình, Ánh Hoa ít đi hát để tập trung chuyển sang làm bầu gánh hát. Bà cùng chồng thành lập gánh Minh Chí và dìu dắt đoàn đi khắp nơi biểu diễn, phục vụ khán giả, phát huy truyền thống cải lương của gia đình.
Sau một thời gian lưu diễn khắp nơi, sống đời gạo chợ nước sông, tới năm 1976, vợ chồng Ánh Hoa về đoàn Trần Hữu Trang cộng tác. Tại đây, bà có những vai diễn rất thành công như nhũ mẫu trong Dương Vân Nga, bà mẹ trong Kiều Nguyệt Nga…
Trong suốt sự nghiệp hơn 50 năm của mình, nghệ sĩ Ánh Hoa đã trải qua hơn 200 vai diễn khác nhau, với đầy đủ sắc thái, tầng lớp, thân phận. Tuy nhiên, bà nổi bật hơn cả với loạt vai già. Ngay từ năm 16 tuổi, Ánh Hoa đã nhập vai già, vai lão và đóng liên tục tới tận bây giờ.
Không chỉ trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ Ánh Hoa còn nổi tiếng với những vai bà mẹ trên phim ảnh, từ video ca nhạc cho đến truyền hình, điện ảnh, minh họa cho các tiểu phẩm kịch. Bà coi đào mụ, đào già như một duyên nợ trong sự nghiệp của mình.
Nữ nghệ sĩ tiết lộ, bà đóng tới hơn 200 vai diễn bà lão, người mẹ chịu nhiều mất mát, đau thương. Hầu như vai nào bà cũng khóc và lấy nước mắt khán giả.
Năm 1990, đoàn làm phim Người tình của Pháp qua Việt Nam quay. Họ casting tuyển chọn rất nhiều nữ diễn viên cho vai bà Đô nhưng vẫn không ưng ý.
Cuối cùng, nghệ sĩ Ánh Hoa lọt vào mắt xanh của đạo diễn Jean-Jacques Annaud chỉ qua một ánh nhìn và được giao vai một cách nhanh chóng. Vai diễn này là dấu ấn điện ảnh xuất sắc của nghệ sĩ Ánh Hoa.
Đạo diễn Trần Anh Hùng sau khi xem phim Người tình đã quá thích thú, liền giao ngay cho Ánh Hoa vai bà Ty trong phim điện ảnh Mùi đu đủ xanh.
Nhờ bộ phim này, Ánh Hoa được sang Pháp quay ba tháng, với mức cát xê rất cao vào thời điểm bấy giờ. Vai diễn này cũng gây ấn tượng với nhiều khán giả quốc tế.
Ngoài những phim điện ảnh hợp tác với nước ngoài, nghệ sĩ Ánh Hoa còn để lại nhiều dấu ấn qua những bộ phim đình đám như Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu, Đất phương Nam, Xóm nước đen, Hải Nguyệt, Giao thời, Giã từ dĩ vãng, Người Bình Xuyên, Mùa len trâu...
Suốt 50 năm chuyên đóng vai lão, nghệ sĩ Ánh Hoa từng nhiều lần đưa cuộc sống của chính mình vào vai diễn và có thói quen quan sát những chuyển động xung quanh. Bà quan niệm, là nghệ sĩ phải có trái tim mẫn cảm, đau cái đau của nhân loại.
Cuộc đời nhiều bi kịch, nghèo khó nhưng rất tự trọng
Đằng sau ánh hào quang rực rỡ của nghệ thuật, nghệ sĩ Ánh Hoa có đời tư khá gian truân và nhiều đau thương. Vào thời kì cải lương suy tàn, bà từng phải nghỉ hát đi bán cơm tấm, làm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống, nuôi gia đình.
Nghệ sĩ Ánh Hoa có tổng cộng 4 người con, nhưng cả 4 đều sớm qua đời. Con gái đầu của mất lúc 10 tuổi, con thứ hai mất năm 2016, con trai thứ ba lúc 50 tuổi và con út mất lúc 24 tuổi. Năm 1995, chồng bà cũng qua đời vì bệnh xơ gan.
Là một người vợ, người mẹ, nghệ sĩ Ánh Hoa đã hết lòng, dốc sức chăm sóc chồng con, nhưng vẫn không tránh được sự nghiệt ngã của số phận.
Tuy đau đớn là thế, nhưng nghệ sĩ Ánh Hoa chưa bao giờ gục ngã. Bà vẫn tiếp tục đứng vững để hoạt động nghệ thuật. Ngay trong thời điểm khó khăn phải đi bán cơm tấm, bà vẫn mong chờ sân khấu sáng đèn để được quay trở lại với khán giả.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh tâm sự rằng, nghệ sĩ Ánh Hoa là một người cực kì nhiều năng lượng, rất yêu nghề. Đến khi lớn tuổi, già rồi nhưng vẫn đi đóng phim trên từng cây số. Dù phải chờ đoàn phim rất lâu nhưng cô không bao giờ than phiền.
Lúc nào nghệ sĩ Ánh Hoa cũng vui vẻ, không trách móc, buồn bực bất cứ điều gì như chờ lâu quá, làm mệt quá. Bà truyền cho các thế hệ đàn em lòng yêu nghề lớn.
Không chỉ mạnh mẽ, nghệ sĩ Ánh Hoa còn có một trái tim nhân hậu, biết yêu thương, chia sẻ cùng người khác. Có lần đi xe ôm đến trường quay ở quận 9, khi xe dừng trước đèn đỏ, nữ nghệ sĩ nhìn thấy đứa trẻ đen đúa, tay cầm xấp vé số chìa trước mặt mời bà mua vé số. Giọng nói của cậu bé làm tim bà thắt lại, liền mua ngay 10 tờ dẫu trước nay không thích chơi vé số.
Suốt cuộc đời mình, nghệ sĩ Ánh Hoa quan niệm rằng, sự tử tế của người nghệ sĩ không chỉ thể hiện ở tài năng, năng lực mà còn là ở tính cách, cư xử của họ với mọi người xung quanh. Họ phải là người biết học hỏi, lắng nghe và sửa chữa những sai sót. Bà nói, bản thân đi quay phim với nhiều người trẻ tham gia các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh và thấy họ sống vội quá.
Vì đã mất hết người thân nên những năm cuối đời, nghệ sĩ Ánh Hoa sống một cuộc sống giản dị cùng người em gái trong một căn nhà thuê ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7.
Tới tận trước khi mất, bà vẫn đi diễn miệt mài dù mức cát xê không cao. Có nhiều nghệ sĩ thương bà tuổi già đi lại vất vả nên tăng thêm tiền cho bà. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng nghệ sĩ Ánh Hoa rất tự trọng và hầu như không muốn làm phiền tới bạn bè, đồng nghiệp.