NSND Lệ Thủy: “Chỉ cần than một tiếng ‘trời ơi’ là trong cổ họng đã đau khổ tột cùng”

Tùng Ninh |

“Chúng tôi nói những điều này ra để các em trẻ biết rằng, thế hệ chúng tôi không diễn bằng hành động, hình thể nhiều mà diễn nhiều bằng nội tâm, nói từ trong lòng nói ra” – NSND Lệ Thủy nói.

Vừa qua, trên kênh chính thức của NSND Lệ Thủy đã đăng tải clip quay lại cảnh cô ngồi trò chuyện với vợ chồng NSƯT Bảo Quốc. Tại buổi trò chuyện này, nghệ sĩ Bảo Quốc hồi tưởng về quá khứ hoàng kim của mình. Ông nói:

“Lâu lâu nhìn lại những vở tuồng tôi đóng quay hồi xưa, tôi cứ ngồi cười một mình như khùng, mà khoái lắm. Các nghệ sĩ cải lương ngày đó thường đi nhiều đoàn nhưng tôi trung thành với đoàn Thanh Minh Thanh Nga (đoàn cải lương của nhà Bảo Quốc).

Thực ra hồi đó tôi có đi đoàn Dạ Lý Hương vào năm 1972. Sở dĩ tôi qua đoàn Dạ Lý Hương vì chị Thanh Nga cũng qua đoàn đó hát nên tôi theo chị mình nhưng chỉ vài tháng rồi thôi.

Cuộc đời đi hát của tôi là sướng nhất, gặp toàn thứ dữ không. Từ bé, tôi đã được gặp từ bác Năm Châu, cô Bảy Phùng Há, bác Ba Vân tới anh Thành Được, chị Thanh Nga, chị Út Bạch Lan… Tôi cứ ngồi coi các bậc cây đa cây đề biểu diễn rồi ăn sâu cải lương vào mình lúc nào không hay”.

NSND Lệ Thủy: “Chỉ cần than một tiếng ‘trời ơi’ là trong cổ họng đã đau khổ tột cùng” - Ảnh 1.

NSND Lệ Thủy cùng vợ chồng NSƯT Bảo Quốc

Tiếp đó, nghệ sĩ Bảo Quốc chia sẻ về thế hệ nghệ sĩ vàng son của cải lương và những tài năng họ mang theo:

“Nghệ sĩ ngày đó rất hay, hễ ai cất tiếng hát lên là biết liền. Cái đó là hay nhất. Chúng tôi gọi đó là thế hệ vàng, ai ca giọng nào ra giọng đó, không lẫn lộn được.

Những nghệ sĩ thành danh hồi xưa, giờ đã lớn tuổi rồi nhưng khi ra sân khấu vẫn còn giữ phong độ, thần thái, thu hút được khán giả để họ theo dõi mình.

Có nhiều giây phút trên sân khấu, khi nghệ sĩ khác diễn thì nghệ sĩ này đứng bên cũng phải diễn, chứ không phải đứng nhìn trời nhìn đất. Bây giờ nhiều nghệ sĩ trẻ khi bạn diễn diễn thì mình lại cứ đứng nhìn chứ không diễn cùng”.

NSND Lệ Thủy tiếp lời: “Ở thế hệ trước, mỗi khi hát thì trong lời ca đã có diễn, không cần phải ngả nghiêng, biểu cảm nhiều làm gì. Ví dụ, chúng tôi chỉ cần than một tiếng “trời ơi” là từ trong cổ họng đã toát ra sự đau khổ tột cùng. Khóc trên sân khấu là khóc từ tận trái tim chứ không cần diễn.

Bạn diễn cùng trên sân khấu phải ăn ý với nhau. Ngày đó, đào mùi, đào thương diễn rất dễ, ai diễn cũng được. Đào độc diễn mới khó. Tôi thường diễn đào mùi, đào thương nên không khó, nhưng cái khó là phải truyền diễn xuất sang người bạn diễn để diễn ăn ý với nhau.

Ví dụ, khi diễn Tô Ánh Nguyệt tới đoạn thương xót chồng, tôi vừa nói vừa phải dòm qua bạn diễn (vai chồng) để truyền cảm xúc sang bạn diễn, giúp bạn diễn diễn theo mình, từ đó khán giả nhìn vào cả hai thấy ăn khớp cảm xúc. Nói chung, hai người diễn chung trên sân khấu phải giao lưu, kết hợp cùng nhau, không được kiểu một người diễn còn một người đứng nhìn.

Hôm nay, chúng tôi nói những điều này ra để các em trẻ biết rằng, thế hệ chúng tôi không diễn bằng hành động, hình thể nhiều mà diễn nhiều bằng nội tâm, nói từ trong lòng nói ra. Mỗi đêm hát phải tự sáng tạo, trau dồi thêm. Có như vậy, nghệ sĩ mới có chỗ đứng trên sân khấu và có nhiều tuồng hơn nữa”.

Nghệ sĩ Bảo Quốc hé lộ về một cái khó của nghệ sĩ cải lương: “Một cái khó nhất của sân khấu là khi diễn phải nhập tâm, hóa thân vào nhân vật, không còn là mình nữa, phải là nhân vật. Người bình thường phải gặp chuyện buồn lắm mới khóc, còn nghệ sĩ thì khóc, cười mỗi đêm, nên sức khỏe rất bị ảnh hưởng. Một ngày, có khi chúng tôi diễn đến ba tuồng khác nhau, cười khóc đủ hết”.

NSND Lệ Thủy đồng tình: “Đúng vậy, thành thử ra người nghệ sĩ nhiều khi tính nóng hơn người thường cũng vì thế”.

Nghệ sĩ Bảo Quốc nghe vậy liền hài hước nói: “Thôi không sao, vẫn còn mặc quần áo đi ngoài đường bình thường được là vui rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại