Có lẽ, không ít người từng được bố mẹ động viên cố gắng học hành để sau này được làm việc ở văn phòng, ''ngồi bàn giấy'' vừa mát lại vừa không phải vận động chân tay nhiều.
Thế nhưng, chốn công sở đâu phải chỉ có nhàn hạ và sung sướng. Ở đó cũng đầy rẫy những áp lực vô hình khiến chúng ta dễ mệt mỏi, cáu bẳn hay thậm chí trở thành những ''Zombie công sở'' lúc nào không hay.
Lý do nào khiến dân ''công sở'' dễ stress?
Đầu tiên phải kể đến khối lượng công việc quá tải mà mức lương lại không xứng đáng. Sẽ chẳng có ai muốn phấn đấu hay hết mình với công việc nếu như họ không nhận được số tiền tương ứng với công sức mà mình đã bỏ ra. Thậm chí, việc các công ty ''bủn xỉn'' về lương cũng là một trong những nguyên nhân không thể níu giữ được nhân viên giỏi.
Stress là căn bệnh thường gặp đối với dân văn phòng
Thứ hai, môi trường làm việc ở công sở đa phần đều nhàm chán và lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác. Trước khi thức dậy, bạn đã biết hôm nay phải làm gì? Một ngày diễn ra như thế nào và sẽ gặp những ai...Điều này lâu dần sẽ khiến mọi người bị chai lì cảm xúc và chán nản.
Thứ ba, tính cạnh tranh, chèn ép lẫn nhau giữa nhân viên với nhân viên, giữa nhân viên và sếp khá cao. Nếu bạn không đủ bản lĩnh để đấu tranh thì rất dễ bị đào thải.
Những áp lực công việc mà dân văn phòng gặp phải
- Lo lắng vẻ bề ngoài: Một số công ty có quy định riêng về trang phục, một số khác cho phép mặc đồ tự do, không gò bó. Điều này khiến nhân viên văn phòng phải dành nhiều thời gian để lựa chọn trang phục mỗi khi đi làm.
- Căng thẳng trong cách ứng xử: Nhất là với nhân sự mới vào làm, bạn lo lắng không biết nên cư xử như thế nào mới đúng mực với từng vị trí trong công ty, đặc biệt là cách phản hồi ý kiến với cấp trên, đồng nghiệp.
- Cuộc chiến đấu của các phe phái: Thật khó xử cho các nhân viên văn phòng nếu làm việc ở một môi trường có nhiều đảng phải. Mỗi ngày, bạn sẽ thường xuyên phải chứng kiến các đồng nghiệp nói xấu, hạ bệ nhau. Bởi vậy, bạn buộc phải theo một phe còn nếu đứng giữa sẽ rất dễ bị xa lánh.
Dân văn phòng mệt mỏi với những áp lực từ đồng nghiệp
- Áp lực đến từ sự ganh ghét của đồng nghiệp: Nếu công ty may mắn không chia bè phái thì chắc chắn vẫn có những cá nhân âm thầm ganh ghét bạn. Đây là kiểu áp lực công việc từ việc ghen tỵ với những thành tích mà người đồng nghiệp đạt được cao hơn mình. Thông thường loại xung đột này thường rơi vào các thành viên mới gia nhập tập thể. Trong một môi trường làm việc quen thuộc người ta thường khó chấp nhận các nhân tố mới vì họ có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới mình. Vậy nên, còn người thường có những hành động tẩy chay và cô lập người giỏi hơn mình.
- Áp lực từ gia đình: Đối với phụ nữ, giả dụ công việc của bạn kết thúc vào khoảng thời gian 17h-17h30 hoặc thậm chí là muộn hơn. Sau đó, bạn lại tất bật đi đón con, đi chợ và nấu cơm. Bấy nhiêu công việc không tên cũng đủ đè bẹp bạn mỗi ngày.
Còn với phái mạnh, họ thường áp lực về tiền lương nhiều hơn với nỗi lo cơm, áo, gạo tiền. Bởi mức lương văn phòng thường không quá cao, thậm chí thỉnh thoảng lại còn bị công ty nợ lương kéo dài.
Cách giảm stress chốn công sở
- Tăng cường vận động: Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, hoạt động nhẹ nhàng có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng, tăng oxy và giúp máu lưu thông tốt hơn. Nếu đang đi làm, bạn hãy đúng lên đi lại sau khoảng 1-2h làm việc thay vì ngồi yên một chỗ. Vào buổi tối, bạn hãy cố gắng tham gia các môn thể thao như chạy bộ, đi xe đạp,...
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp, xử lý công việc: Hãy tìm tự ra lỗ hổng mà mình đang thiếu và lấp lại. Đó chính là cách giải quyết hiệu quả và nhanh nhất, giúp bạn lấy lại được sự tin yêu từ đồng nghiệp cũng như cấp trên. Bởi sẽ chẳng có ai ganh ghét với một người vừa giỏi, vừa tự tin, lại chan hòa với mọi người.
- Nuôi dưỡng những mối quan hệ tích cực nơi công sở: Thêm bạn bớt thù, nếu có những người bạn thân thiết nơi công sở thì khả năng gắn bó với công ty của nhân viên sẽ cao hơn rất nhiều. Trên thực tế, có một người để thấu hiểu niềm vui, nỗi bất an, lo âu trong công việc của mình hay thậm chí chỉ im lặng vỗ về khi bạn bị sếp la mắng cũng đủ để mang lại sự an ủi và giải tỏa tâm lý rất lớn.
- Học cách từ chối và thẳng thắn trao đổi với sếp về việc thiết kế công việc hấp dẫn hơn: Nhiều người trong chúng ta khi thấy mệt mỏi, chán nản với công việc liền vội vàng tìm kiếm một công ty khác. Trong khi đó, cách đơn giản nhất là hãy biết cách từ chối nếu bị giao quá nhiều đầu việc; hoặc trao đổi thẳng thắng với quản lý về mong muốn được bố trí một vị trí khác phù hợp hơn. Biết đâu bạn sẽ tìm thấy nơi mình thuộc về?
Cuối cùng, công việc không phải là tất cả cuộc sống của chúng ta nhưng mỗi ngày bạn phải dành ít nhất 8 tiếng ở nơi công sở. Vì thế, hãy biến những phiền muộn thành niềm vui và tự tạo nên hạnh phúc cho chính mình ở bất cứ nơi đâu.