Những ngày đầu hè, chúng tôi tìm về xã Quỳnh Đôi, thăm những hộ làm bún mới phần nào hiểu được niềm vui của những người làm nghề này.
Mỗi ngày các hộ sản xuất ra hơn 1 tấn bún phục vụ cho nhiều xã trên địa bàn huyện.
Gia đình ông Nguyễn Huy Tư ở xóm 4, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) là hộ làm bún lớn nhất huyện Quỳnh Lưu, doanh thu 1 tháng hơn 60 triệu đồng.
Anh Hoàng Hồ Phúc ở thôn 7, một hộ làm bún lâu năm ở Quỳnh Đôi cho biết: “Năm 1994, anh bắt đầu làm bún, ngày đó làm bún bằng thủ công nên năng suất thấp, mỗi ngày chỉ làm ra được 50kg bún.
Năm 2007, anh đầu tư 100 triệu đồng để mua máy móc về làm bún, năng suất gấp cả chục lần so với làm thủ công”.
Mỗi ngày gia đình anh Phúc làm 300 kg gạo cho ra 600 kg bún. Để sợi bún ngon, dẻo và trắng thì khâu quan trọng là chọn gạo, hiện nay anh đang sử dụng gạo V13/2 nhập từ các tỉnh Miền Trung về. Giá bún hiện giờ là 6,5 - 7 nghìn đồng/kg.
Để có sản phẩm bún, đầu tiên phải ngâm gạo vào nước từ 20-24 tiếng, sau đó xay bột và để trong 3 ngày.
Hôm sau cho vào bao vải ép khô, bỏ vào máy đánh nhuyễn rồi qua hệ thống máy đùn hơi chịu nhiệt chuyển xuống dây chuyền tải, vào hệ thống nước sôi luộc bún rồi ra sản phẩm bún.
“Ngày nay, máy móc làm hết, người làm bún chỉ ngâm gạo rồi cho vào máy vừa xay bột vừa làm bún, công việc nhẹ nhàng hơn, năng suất lại rất cao.
Bún làm ra được các tiểu thương vào tận nhà thu mua rất thuận tiện” - Anh Phúc chia sẻ.
Từ phát triển nghề làm bún lá, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình anh Phúc thu nhập 500-600 nghìn đồng, mỗi năm thu lãi 130-140 triệu đồng/năm.
Để thuận tiện trong việc sản xuất với quy mô lớn, nhiều gia đình làm bún ở huyện Quỳnh Lưu đã mạnh dạn đầu tư kinh phí mua sắm hệ thống dây chuyền máy móc làm bún hiện đại, sợi bún sản xuất ra đẹp và thơm ngon hơn quy trình cũng nhanh gọn hơn vừa giảm công sức lao động, năng suất cao đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Huy Tư ở xóm 4, xã Sơn Hải cũng là hộ làm bún từ hàng chục năm nay. Để thay thế cách làm bún thủ công, ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy làm bún.
Mỗi ngày ông làm 600 kg gạo cho ra hơn 1 tấn bún, làm đến đâu, tư thương các xã đến mua hết trong buổi.
Ngoài tiêu thụ bún trong huyện, gia đình ông đầu tư tiền mua xe ô tô tải vận chuyển bún lên các huyện miền Tây Nghệ An như Quế Phong, Con Cuông... để tiêu thụ.
Theo tính toán, mỗi ngày gia đình thu về 7 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 2 triệu đồng; mỗi tháng thu nhập 60 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ngoài làm “bún lá” truyền thống, người dân Quỳnh Lưu còn làm thêm “bún sợi”.
Để sản phẩm bún làng Quỳnh được quảng bá rộng rãi, người dân không ngừng tìm tòi, cải tiến cách thức làm bún và bảo quản sản phẩm. Do đó, bún lá Quỳnh Lưu rất được thị trường ưa chuộng, việc tiêu thụ dễ dàng hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trên địa bàn huyện có 6 xã làm nghề bún lá với 10 hộ tham gia làm, mỗi ngày bán ra thị trường trên 6 tấn bún các loại.
Nhờ phát triển nghề truyền thống nên các hộ làm bún có thu nhập cao. Mỗi năm doanh thu từ nghề làm bún của huyện hơn 1,5 tỷ đồng.