Chứng kiến hình ảnh người con liệt sĩ Gạc Ma ấy cúi mình thả xuống biển bông hoa cúc và hạc giấy, rồi nghiêm trang bồng chiếc mũ hải quân trên tay, nhiều người mắt chợt ngấn nước.
Sáng ấy, hạ tuần tháng 6/2022 trên boong tàu HQ571 chao đảo của chuyến hải trình ra Trường Sa, tôi trải chiếu ngồi bên cựu binh Trần Văn Xuất và đồng đội. Đó là 10 người lính một thời chốt giữ tại Trường Sa Đông từ năm 1984 - trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988: Nguyễn Văn Tho (Bình Định), Nguyễn Như Hải (Vũng Tàu), Đàng Văn Thảo, Phạm Nhất Thành, Hồ Văn Cường, Lê Văn Phương (Phú Yên), Trần Doãn (Bình Phước), Nguyễn Đắc Hiếu (Đắk Lắk), Trần Ngọc Lý.
Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tại vùng biển mà anh em đang nằm lại (Ảnh: Trần Tuấn).
Cựu binh Trần Văn Xuất, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thì tôi gặp và nghe kể về ông từ nhiều năm trước. Cũng nhiều lần đi trên con đường mang tên Trường Sa, ngang qua ngó vào bia chủ quyền Trường Sa Đông sừng sững cùng gốc bàng vuông trước cửa nhà ông. Nay tình cờ gặp ông ngay giữa Trường Sa. Dù đã 3 lần ra Trường Sa (kể cả thời bộ đội), nhưng lần này với ông là chuyến đi đặc biệt nhất. Bởi sau hơn 30 năm mải miết đi kiếm tìm tập hợp đồng đội cũ, nay ông mới hoàn thành tâm nguyện cả đời, đó là đưa được các đồng đội của mình một lần được trở lại “chiến trường xưa”.
Chứng kiến hình ảnh người con liệt sĩ Gạc Ma ấy cúi mình thả xuống biển bông hoa cúc và hạc giấy, rồi nghiêm trang bồng chiếc mũ hải quân trên tay, nhiều người mắt chợt ngấn nước.
Ông Xuất kể, mấy ngày trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, đại đội 3 của ông có 3 người được chọn để tăng cường cho Gạc Ma, trong đó có ông. Tập luyện kỹ càng, anh em cũng đã bịn rịn tổ chức chia tay nhau. Nhưng rồi các tàu từ trong bờ khẩn cấp chạy thẳng tới Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao lúc ấy đang lửa bỏng, nên nhóm ông bị “lỡ tàu”.
Rồi người cựu binh Trường Sa nhớ lại, một đêm tháng 10/1986, khoảng 1 giờ sáng có một chiếc tàu nhỏ tiến thẳng vào đảo. Toàn đảo báo động sẵn sàng chiến đấu. Súng đạn đã lên hết nòng. Thời đó căng thẳng lắm, đủ loại tàu nước ngoài xâm nhập, tàu vượt biên, rồi cướp biển, nên phải hết sức cảnh giác.
Ông Trần Văn Xuất khi đó là trung đội trưởng đề nghị chỉ huy đảo chưa vội khai hỏa, bởi biết đâu đó chính là tàu cá của ngư dân mình. Căng thẳng đến khoảng 4 giờ sáng thì thấy bên kia phất chiếc áo trắng. Tiếp cận thì họ cho biết là ngư dân đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) bị hỏng máy, hết nhiên liệu. Đưa cả 9 người lên đảo cho ăn uống, nghỉ ngơi khoảng 2 tháng, dù thời ấy đời sống lính đảo cực kỳ khó khăn. Đợi đến khi có xác minh chính xác từ đất liền báo ra, anh em mới sửa tàu, tiếp nhiên liệu rồi cử người đưa bà con về bờ. 27 năm sau, ông Xuất ra đảo Phú Quý tìm lại được những ngư dân trên, trong đó 4 người đã qua đời vì lớn tuổi. Bà con vui mừng kéo cả dòng họ ra chào đón “ân nhân cứu mạng”. Tình quân dân là vậy đó, giữa gian nguy lại càng cần có niềm tin...
* * *
Bên tấm bia phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 trên đảo Sinh Tồn Đông hôm ấy, tôi bất chợt bắt gặp cảnh một người đàn ông nước mắt giàn giụa đang ôm chầm lấy người sĩ quan hải quân đi cùng chuyến tàu. Hỏi ra mới hay đó là Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, 35 tuổi, trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân; còn người đàn ông mau nước mắt kia là Phan Duy Linh - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình. Thì ra anh Linh tình cờ phát hiện ra anh Xuân chính là con của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (quê Quảng Ninh, Quảng Bình), chỉ huy trưởng khung đảo Gạc Ma ngày ấy, đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo. Ngày cha hy sinh, Xuân mới được 3 tháng. Lớn lên tiếp bước cha, anh vào hải quân, trở thành thuyền trưởng dọc ngang Gạc Ma - Trường Sa, trước khi về bờ làm công tác tác chiến. Bao năm rồi, cứ đến mỗi đảo, anh lại tìm đến tấm bia khắc tên 64 liệt sĩ Gạc Ma, để khẽ chạm tay vào dòng tên của cha, như tìm lại hơi ấm... Tôi hình dung anh trai của Xuân là Nguyễn Mậu Trường, từng là lính Trường Sa, cũng tìm cha mình bằng cách ấy.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân bên dòng tên cha mình giữa Trường Sa (Ảnh: Trần Tuấn).
Hôm đoàn công tác dừng lại trên vùng biển Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, chứng kiến hình ảnh người con liệt sĩ Gạc Ma ấy cúi mình thả xuống biển bông hoa cúc và hạc giấy, rồi nghiêm trang bồng chiếc mũ hải quân trên tay, nhiều người mắt chợt ngấn nước.
Giữa Trường Sa, dưới bóng những ngôi chùa và gốc đại đưa hương ngan ngát, tiếng chuông ngân nga, chợt thấy mình như đang đi giữa làng. Sân chùa Trường Sa Lớn có một hồ sen nhỏ, từng cánh lá vươn cao, mặt nước kín bèo hoa dâu mịn màng xanh ngắt, thấp thoáng bóng nâu sồng.
Chợt nhớ tới những ngày cánh phóng viên chúng tôi đeo bám thực địa giàn khoan Hải Dương 981 giữa Hoàng Sa mùa hè năm 2014. Rượt đuổi, vòi rồng, đâm va,… nhưng vẫn những con sóng xanh thẳm cồn cào như Trường Sa dưới chân tôi lúc này. Đâu cũng là sóng quê hương đất nước mình. Như những câu thơ tôi viết ngay trên boong tàu dưới vòi rồng ngày ấy: “Từng con tàu bị thương từng lá cờ bị thương/ Mẹ đại dương băng vết thương bằng muối…” . Để chợt thấy “Dòng sông đăm chiêu chảy giữa đại dương như bóng quen người làng quảy gánh/ Người quảy gánh đi đến đâu cứ đi và đi/ Từng giọt nước sẽ là dấu chân của hành trình giữa thế giới đại dương bất tận/ Mặc cho kẻ cướp rập rình…”
Giữa Trường Sa, dưới bóng những ngôi chùa và gốc đại đưa hương ngan ngát, tiếng chuông ngân nga, chợt thấy mình như đang đi giữa làng. Sân chùa Trường Sa Lớn có một hồ sen nhỏ, từng cánh lá vươn cao, mặt nước kín bèo hoa dâu mịn màng xanh ngắt, thấp thoáng bóng nâu sồng.
Trò chuyện với Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, ông bảo đây là lần thứ 3 ra Trường Sa, nên cũng có cảm giác như đang ở đất liền, ở giữa làng. “Chùa là bùa của làng. Ở đất liền dân làng buôn bán làm ăn nghe chuông thức dậy đi chợ, buôn bán, đồng áng, hình ảnh đã quen thuộc khắp mọi miền quê. Chuông ngân xa, ngân vang, cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta trở về chính mình, giữa cuộc sống bận rộn. Để dành thời gian nghĩ về bản thân, gia đình, nghĩ về chính mình. Còn nơi đây cũng vậy, nhưng không chỉ nghĩ về chính mình, mà còn nghĩ nhiều về đất nước”.
(Còn nữa)
Tâm thức Gạc Ma, tâm thức biển đảo trong những hình ảnh, câu chuyện bắt gặp giữa Trường Sa thật thân thương, gần gũi. Hôm đoàn công tác neo tránh bão tại đảo Đá Tây A, trên những chiếc thuyền câu mực cũng đang trú bão, ngư dân hò reo vẫy chào chúng tôi như người quen gặp trên đường làng. Rưng rưng dõi theo bóng ngư dân trên chiếc thuyền thúng tròng trành sóng nước dâng bánh trái và nhành hoa mang theo, cúi đầu bái vọng về ngôi chùa vừa được tôn tạo phục dựng trước mặt, nơi thềm sóng, như trước bàn thờ tiên tổ...
“Từng con tàu bị thương từng lá cờ bị thương/ Mẹ đại dương băng vết thương bằng muối…” . Để chợt thấy “Dòng sông đăm chiêu chảy giữa đại dương như bóng quen người làng quảy gánh/ Người quảy gánh đi đến đâu cứ đi và đi/ Từng giọt nước sẽ là dấu chân của hành trình giữa thế giới đại dương bất tận/ Mặc cho kẻ cướp rập rình…”