Ảnh: CA Hà Nội
Thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết: Khoảng 11h30' ngày 14/3/2023, Ngân hàng BIDV - Phòng Giao dịch Văn Phú, Chi nhánh Hà Đông thông báo với Đội An ninh Công an quận Hà Đông về trường hợp 2 công dân có dấu hiệu bị lừa đảo sau khi nghe cuộc gọi lạ .
Theo đó, vợ chồng ông B (SN 1962) và bà L (SN 1967), trú quận Hà Đông có nhận được cuộc gọi của 1 đối tượng tự xưng là Công an đang công tác tại quận Nam Từ Liêm, thông báo ông B. đang có liên quan đến 1 vụ án ma tuý, rửa tiền, tài khoản ngân hàng và số chứng minh thư của ông đang bị giả mạo. Đối tượng yêu cầu ông kê khai toàn bộ các tài khoản ngân hàng hiện có, số tiền có trong mỗi tài khoản và chuyển toàn bộ số tiền vào 1 tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Đối tượng còn sử dụng ứng dụng Zalo thực hiện cuộc gọi có hình ảnh, mặc quân phục của lực lượng Công an để tăng sự tin cậy đối với bị hại. Sau khi nhận được cuộc gọi, ông B. tỏ ra hoang mang, lo sợ và đã trao đổi với vợ để thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng. Chiều ngày 13/3/2023, bà L. đến Ngân hàng Agribank - Phòng Giao dịch Phú Lãm, Chi nhánh Hà Tây làm thủ tục chuyển số tiền 200 triệu đồng đến 1 số tài khoản tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Mặc dù được nhân viên Ngân hàng Agribank tuyên truyền, giải thích, bà L. vẫn yêu cầu thực hiện chuyển số tiền trên.
Đến sáng ngày 14/3/2023, các đối tượng tiếp tục liên lạc với vợ chồng ông B. yêu cầu chuyển 400 triệu đồng. Vợ chồng ông B đã đến Ngân hàng BIDV - Phòng Giao dịch Văn Phú yêu cầu ngân hàng thực hiện chuyển tiền. Do phát hiện có biểu hiện bất thường khi trong quá trình giao dịch, xuất hiện nhiều số điện thoại lạ gọi đến ông B. và bà L., nhân viên ngân hàng đã liên hệ với Đội An ninh Công an quận Hà Đông và được hướng dẫn đề nghị tạm thời không thực hiện giao dịch để cán bộ Công an quận phối hợp.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Hà Đông đã xuống hiện trường, phối hợp với Ngân hàng BIDV tuyên truyền, giải thích cho công dân về các hình thức lừa đảo hiện hành, đề nghị công dân không thực hiện giao dịch chuyển tiền. Đáng chú ý, khi được hỏi về mục đích rút tiền, vợ chồng ông B. còn tìm kiếm các lí do không có thật để giải thích cho việc rút tiền như gửi tiền cho con đầu tư, rút tiền để trả nợ. Sau khi được nghe giải thích cụ thể, 2 công dân đã ngừng việc yêu cầu chuyển tiền.
Công an quận Hà Đông đã liên hệ với chi nhánh Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt để xác minh và được biết, may mắn số tiền 200 triệu đồng bà L. đã chuyển nhầm cho số tài khoản khác, không phải là số tài khoản mà đối tượng lừa đảo yêu cầu. Đến ngày 15/3, vợ chồng ông B. đã liên hệ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt để làm thủ tục nhận lại số tiền 200 triệu đồng trên.
Qua vụ việc, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.