Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết cuộc gọi lừa đảo chuyển tiền cấp cứu

Linh Trần |

Nghe tin người thân bị tai nạn cần mổ gấp, nhiều người không chần chừ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Theo các chuyên gia, không có chuyện cơ sở y tế yêu cầu chuyển tiền rồi mới phẫu thuật.

Nhiều người bị lừa

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trong cả nước đã phát hiện một số vụ lừa đảo con đang nằm viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để phẫu thuật. Khi hay tin dữ, nhiều phụ huynh vì quá lo sợ nên đã dễ dàng "sập bẫy" của những kẻ lừa đảo.

Chị Trần Thị K. (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cách đây ít hôm, chị nhận được cuộc gọi từ đầu số 0567.760.XXX cho biết, cháu Tiến (tên con chi, đang học lớp 8) vừa bị tai nạn giao thông, mới đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu và cần phải nộp tiền phẫu thuật gấp. Qua điện thoại, chị cũng nghe tiếng xe còi cứu thương và tiếng người hô lấy kìm, kẹp… Lo sợ đến tính mạng của con, chị định chuyển 5 triệu đồng theo yêu cầu của đối tượng gọi điện rồi chạy đến bệnh viện. Nhưng rồi, chị chợt nhớ con cũng có điện thoại nên gọi cho con. Thấy mẹ gọi, bé bảo đang ngồi trong lớp học. "May mà mình tỉnh táo gọi điện cho con. Nếu chuyển tiền ngay thì lại mất mấy triệu đồng rồi", chị chia sẻ.

Thực tế, đã không ít phụ huynh nhận được cuộc gọi thông báo con bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Có trường hợp phụ huynh cả tin, chuyển tiền luôn, sau đó không còn liên lạc được với số điện thoại vừa gọi nữa mới hay bị lừa. Vì thế, nhiều tường học cũng đã phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mới tới phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), kể: Mới đây, 2 phụ huynh có con học tại trường bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện. Tuy nhiên, các phụ huynh đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa. Sau đó, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường để tránh bị lừa.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết cuộc gọi lừa đảo chuyển tiền cấp cứu - Ảnh 1.

Người dân cần cẩn trọng với các cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng đã phát đi cảnh báo khi chỉ trong vài ngày đã có nhiều người bị lừa chuyển tiền. Theo đó, vào lúc 9h40 ngày 6/3, Phòng Bảo vệ của Bệnh viện tiếp nhận trường hợp là chị N.T.P. (37 tuổi) là phụ huynh có con học tại Trường Hoàng Diệu (quận Tân Phú, TP Hồ Chí MInh) bị lừa chuyển khoản gấp 20 triệu đồng với lý do con của họ bị té chấn thương sọ não đang cần tiền mổ gấp.

Đến khoảng 10h, Phòng bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục tiếp nhận thêm 2 trường hợp là phụ huynh của trường Quốc tế Canada (quận 7) và trường Á Châu (quận 10) đến trình báo về việc bị lừa chuyển tiền. Theo đó, đối tượng yêu cầu mỗi phụ huynh chuyển khoản 200 triệu đồng. Trong đó, chị Đ.T.M.T. (42 tuổi) đã chuyển khoản 2 lần vào 2 số tài khoản lạ tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà với tổng số tiền 200 triệu đồng.

Thông tin cá nhân lấy từ đâu?

Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH tin học Khánh Vy (Hà Nội), cho biết, trước khi tiến hành lừa đảo, các đối tượng lừa đảo cũng phải nắm được thông tin cơ bản của những đối tượng định lừa, bao gồm họ tên, trường học, nơi công tác.

Về dữ liệu cá nhân, ông Tùng cho rằng mà các đối tượng lừa đảo có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Ví như trường học, các trung tâm học thêm, các trung tâm dạy kỹ năng sống, bể bơi...

Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội nhiều phụ huynh thường chia sẻ thông tin của con. Vì thế, thông tin cá nhân bị lọt khá nhiều trên không gian mạng, nhưng không mấy ai để ý. Từ nguồn thông tin này, kẻ xấu có thể tìm kiếm thông tin này trên tài khoản cá nhân. Người dùng thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh của bản thân, con cái dẫn đến lộ thông tin cá nhân một cách tình cờ mà không biết.

Một nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khác chính từ những dịch vụ bản thân hoặc công ty của mình đang sử dụng. Ví như hãng hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vui chơi, nghỉ dưỡng... khi phụ huynh, học sinh khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng thì có thể bị bán dữ liệu ra ngoài.

Ngoài ra, nạn mua bán thông tin cá nhân cũng đang diễn ra rất phức tạp. Thực tế, hiện thông tin cá nhân được chào bán với giá rất rẻ. Nhờ đó, kẻ lừa đảo còn có thể biết biết tên, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí là mức thu nhập...

"Người dân nên hạn chế chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân, con cái, danh tính của mình lên mạng xã hội. Nếu đã và đang chia sẻ rồi thì nên xóa đi. Cùng với đó, những dịch vụ mà mình đã đăng ký mà không còn nhu cầu nữa nên được hủy bỏ để hạn chế bớt việc các đơn vị giữ thông tin của mình", ông Tùng nói.

Nhận diện đối tượng lừa đảo

Với hình thức lừa đảo thông qua báo tin người thân bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền, PGS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng, đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý lo sợ của người thân. Bởi lúc đó, khi nhận được tin người thân bị tai nạn, ai cũng hốt hoảng, chỉ mong sao nhanh chóng cứu người thân nên không chần chừ chuyển tiền.

Theo PGS. Trần Minh Điển, trước khi thực hiện ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa như bố, mẹ, con… cũng phải ký vào giấy cam kết phẫu thuật - thủ thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lý trong hồ sơ bệnh án. Do đó, một người lạ thì không thể thay mặt gia đình ký cam kết vì khi ký cũng phải có giấy tờ pháp lý để xác minh.

Hơn nữa, nguyên tắc của ngành y là "cứu người như cứu hỏa" nên không bao giờ có chuyện phải nộp tiền thì người bệnh mới được cấp cứu. Khi bệnh nhân nhập viện bệnh viện sẽ yêu cầu kê khai những thông tin cơ bản như họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ. Đối với việc đóng viện phí không bao giờ là bắt buộc ngay lập tức, càng không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc chữa hay không chữa.

Còn theo bà Trần Thị Thơm (Phòng Hành chính - Kế toán, Bệnh viện Bạch Mai), các bệnh viện hiện đều có tài khoản riêng. Khi người dân nộp viện phí bằng hình thức chuyển khoản, sau khi nhập số tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng sẽ hiện lên (Ví dụ: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…). Như vậy, chứng minh được số tiền chuyển đi sẽ vào tài khoản của bệnh viện.

Về quy trình nộp tiền cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Thơm cho hay, trong trường hợp có người nhà đi cùng, tại khoa Cấp cứu, điều dưỡng sẽ in giấy tạm ứng ký quỹ và hướng dẫn người nhà đi ra phòng kế toán (điểm thu viện phí) để nộp tiền. Còn nếu bệnh nhân cần cấp cứu mà không có người nhà đi cùng thì việc cấp cứu cho bệnh nhân vẫn sẽ được ưu tiên. "Khi có đối tượng gọi điện yêu cầu chuyển tiền nộp viện phí cho tài khoản cá nhân, người dân tuyệt đối không nên thực hiện theo bởi chắc chắn là lừa đảo. Ngoài ra, người dân có thể gọi về đường dây nóng các cơ sở y tế để xác minh, hướng dẫn", bà Thơm nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại