Cuộc đời ngắn ngủi, vậy mà chúng ta phải dành quá nhiều thời gian chỉ để ngủ và nạp năng lượng.
Với những người luôn đau đáu muốn khai phá hết tri thức của thế giới, thì đây quả là thực tế khó chấp nhận được. Vấn đề là chẳng ai có thể không cần ngủ, thế nên ý tưởng về cái gọi là hypnopedia đã ra đời.
Hypnopedia có thể hiểu là khả năng học trong khi não vẫn ngủ. Ví dụ, bạn có thể nghe một bài giảng khi chuẩn bị đi ngủ, một phần số kiến thức ấy sẽ truyền tải thẳng vào não của bạn. Và quả thực là nếu có khả năng này, học sinh sẽ bớt khổ, khoa học thì mừng vui, còn các trường học thì vui sướng khôn tả khi trò nào cũng điểm cao chót vót.
Nhưng liệu khả năng ấy có thật hay không?
Lý thuyết về hypnopedia đã xuất hiện từ thập niên 50 của thế kỷ trước, và nó trở thành một xu hướng phổ biến trong cộng đồng khoa học. Rõ ràng là rất tuyệt, khi bạn có thể liên tục hàm thụ kiến thức ngay cả khi đang ngủ.
Các nhà khoa học đã liên tục thực hành nghe radio và các bản ghi âm trong lúc chìm trong giấc mộng. Thời đó, hypnopedia được thần thánh hóa rất dữ dội, khi người ta cho rằng nó có thể giúp bỏ thuốc lá, ghi nhớ từ vựng, thành thạo võ thuật, thậm chí là... tăng tuổi thọ.
Nhưng rồi các bằng chứng phản đối cũng xuất hiện. Các nhà khoa học đã buộc phải thừa nhận rằng việc học thêm trong khi ngủ không có mấy hiệu quả. Dù vậy, ý tưởng về hypnopedia vẫn ở đó, cháy âm ỉ, và chỉ chực bùng lên khi có phong trào thích hợp.
Người ta tin rằng học khi ngủ là khả năng có thật
Nhiều nghiên cứu sau này cũng xuất hiện, góp phần bảo vệ hypnopedia. Như năm 2014, nhóm chuyên gia tại Israel đã cho rằng, hypnopedia không phải quá viển vông, vì rõ ràng con người vẫn cảm nhận được khói thuốc và mùi hương lạ khi đang ngủ (chứng tỏ một phần não bộ vẫn thức). Một nghiên cứu khác vào năm 2016 thì tin họ có thể dạy nhạc thính phòng khi họ đang ngủ.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây thì ý tưởng về hypnopedia quả thực không có chút gì đáng tin cậy. Theo đó, não dù có thể nghe được các âm thanh bên ngoài khi chúng ta đang ngủ, nhưng những âm thanh ấy gần như không có tác dụng gì. Đơn giản là vì khả năng kết nối chuỗi âm thanh thành một thứ gì đó có nghĩa đã biến mất khi chúng ta ngủ.
Cụ thể, các chuyên gia đã sử dụng phương pháp ghi phổ từ (magnetoencephalography - MEG) để theo dõi hoạt động não bộ của 26 ứng viên, trong 2 trạng thái thức và ngủ mắt không đảo nhanh (non-rapid eye movement - NREM)
Được biết ở trạng trạng thái NREM, não vẫn đang đồng bộ và vẫn còn khả năng hoạt động. Trong cả 2 trường hợp, các ứng viên sẽ được nghe một số âm thanh. Mục đích là để tìm ra sự khác biệt về hoạt động của não trong lúc ngủ và khi đang thức.
Kết quả cho thấy, chúng ta vẫn nghe được âm thanh trong khi ngủ. Tuy nhiên, khả năng nhóm các âm thanh lại thành một thứ có nghĩa - lại không hề xuất hiện.
Dù đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ và cần thí nghiệm thêm, nhưng tác giả nghiên cứu cho biết đây có thể là lý do thực sự khiến câu chuyện hypnopedia chỉ là mong ước viển vông của con người.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Tham khảo: Science Alert