Giáo dục con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình, phương pháp giáo dục cũng không ngừng thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Nhưng rốt cuộc phương pháp nào phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ em thì thực sự là một câu hỏi khó để trả lời. Ngay cả chuyên gia giáo dục cũng không thể chắc chắn đưa ra một phương pháp đúng đắn. Vấn đề giáo dục luôn là một quá trình không ngừng tìm tòi và thay đổi, chỉ có thể vừa mò mẫm vừa sửa đổi.
Vào năm 2019, tại một khu dân cư ở Thượng Hải (Trung Quốc), cư dân xung quanh đã phải báo cảnh sát sau loạt tiếng la mắng om sòm xuất phát từ một gia đình. Khi cảnh sát đến nơi, một người phụ nữ đã bức xúc xông ra tường trình lại sự việc.
Được biết, cô là con dâu trong gia đình này. Theo lời kể, buổi sáng ngày xảy ra sự việc, cô ở nhà cùng con làm bài tập. Trong lúc dạy con, vì không kiểm soát được cảm xúc nên cô đã có đôi lời to tiếng khiến con khóc. Thấy vậy, ông nội của đứa nhỏ - tức bố chồng cô liền chạy vào và mắng nhiếc cô không biết dạy con.
Chính vì lẽ đó mà xung đột trong gia đình giữa bố chồng và con dâu bùng phát dữ dội. Ông nội của đứa trẻ cho rằng con dâu của mình ứng xử thiếu tế nhị với người già. Thậm chí, ông còn "buộc tội" rằng con dâu đã đẩy mình ngã xuống đất, cả cánh tay cũng bị thương. Cả 2 bên đều trong trạng thái kích động, bên nào cũng có lý lẽ để "bào chữa" rằng mình đúng và "buộc tội" đối phương là người sai.
Quay trở lại với câu chuyện dạy đứa trẻ học, người đàn ông lớn tuổi cho biết bản thân ông đã làm giáo viên hơn 40 năm rồi, chưa bao giờ thấy cách giáo dục trẻ nào như vậy. Ông nói chắc hẳn con dâu không bao giờ đọc sách báo nên mới sử dụng đòn roi khi dạy dỗ con cái.
Người con dâu lập tức phản bác. Cô cho rằng mỗi người có một phương pháp giáo dục khác nhau, và mỗi đứa trẻ cũng sẽ phù hợp với một cách giáo dục khác nhau, không ai giống ai. Đây là con của cô nên cách dạy con thế nào là quyền và trách nhiệm của cô, không được ai can thiệp. Hơn nữa, người con dâu cũng tức giận và liên tục chỉ trích các hành động của bố chồng.
Hai bên cứ đốp chát qua lại như vậy. Cảnh sát có mặt ở hiện trường sau một hồi chứng kiến kết luận ra rằng, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn là sự khác biệt trong quan điểm giáo dục giữa con dâu và ông nội của đứa trẻ.
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân của vụ việc, cảnh sát đã đứng ra để làm trung gian giảng hòa cho cả 2 bên. Khi tâm trạng của cả hai bên đã ổn định, lời nói của bà nội đứa trẻ - tức mẹ chồng của cô gái đã làm dịu đi mâu thuẫn. Bà nội nói rằng con dâu trong việc quản lý con cái của mình không có gì sai, ngay kể cả có gì đó sau thì người lớn cũng chỉ nên góp ý nhẹ nhàng, chứ không nên mắng nhiếc con dâu như vậy. Do đó, lỗi phần lớn thuộc về ông nội của cậu bé.
Con dâu sau khi nghe xong những lời nói của mẹ chồng cũng gật gù công nhận. Cảnh sát tận dụng cơ hội này để khuyên nhủ cả hai bên rằng, nếu có mâu thuẫn thì việc giao tiếp tích cực là điều hết sức quan trọng, tránh để mâu thuẫn bùng phát. Cả hai bên nên nói chuyện để hiểu nhau hơn, từ đó vấn đề sẽ được giải quyết nhanh gọn.
Làm gì khi xung đột trong cách giáo dục trẻ với thế hệ trước?
Mâu thuẫn trong việc dạy dỗ con cháu giữa các thế hệ là một vấn đề khá phổ biến trong nhiều gia đình. Đây là một tình huống đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo từ cả hai bên để giải quyết.
Trước hết, việc cần làm là xác định rõ nguyên nhân của mâu thuẫn. Phải chăng là do sự khác biệt về quan điểm, kỳ vọng, hay do phương pháp giáo dục của mỗi thời là khác nhau? Khi đã hiểu rõ nguyên nhân, cả hai bên cần cởi mở và sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhau. Đối thoại là chìa khóa để mở cánh cửa hiểu biết và cảm thông, giúp cả hai bên có cái nhìn sâu sắc hơn về quan điểm của đối phương.
Sau khi đã ngồi lại với nhau, mỗi bên cần trình bày rõ ràng lý do tại sao mình ủng hộ phương pháp giáo dục của mình, cũng như những nghiên cứu hay kết quả thực tế có liên quan. Điều quan trọng là phải tôn trọng lẫn nhau, không áp đặt quan điểm cá nhân mà phải đặt lợi ích và sự phát triển của trẻ lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, gia đình có thể tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia giáo dục để có cái nhìn khách quan hơn. Họ có thể cung cấp những thông tin cập nhật về phương pháp giáo dục hiện đại, cũng như cách thức để tinh chỉnh hoặc kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại sao cho phù hợp nhất với tính cách và nhu cầu của trẻ.
Một bước không thể thiếu khi giải quyết mâu thuẫn giáo dục giữa hai thế hệ là việc đặt ra kế hoạch cụ thể và thực hiện theo các bước nhất quán. Việc này giúp tránh sự mơ hồ và nhất quán trong cách ứng xử với trẻ, từ đó trẻ có thể cảm nhận được sự ổn định và an toàn trong môi trường giáo dục của mình.
Cuối cùng, cần nhớ rằng mục tiêu chung của cả hai thế hệ là hướng tới việc nuôi dưỡng và phát triển một cách toàn diện cho con cháu. Đôi khi việc thử nghiệm và lựa chọn các phương pháp giáo dục khác nhau có thể cần thiết để tìm ra con đường giáo dục tối ưu nhất. Quan trọng là mọi quyết định và hành động đều phải xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Bất kỳ quyết định nào về cách giáo dục cũng cần được xem xét kỹ lưỡng và đánh giá định kỳ để đảm bảo rằng nó thực sự phù hợp và hiệu quả đối với trẻ, đồng thời cũng phản ánh sự phát triển không ngừng của xã hội về giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em.
Tổng hợp