1. Vòng loại U19 châu Á 2020 - giải đấu mà Trung Quốc "nuốt quả đắng" khi bị cả Lào, Việt Nam và Campuchia vượt qua để dành vé vào VCK, cũng là giải đấu đem lại rất nhiều niềm vui cho bóng đá Việt Nam, nhưng đấy chỉ là niềm vui chợt lóe lên sau rất nhiều giải đấu trẻ sau lứa U19 với những Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng... bóng đá trẻ Việt Nam mới tìm lại được nụ cười.
Thống kê cho thấy ở các giải đấu trẻ từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam đều thua kém so với các đối thủ khác trong khu vực. Phần lớn các đội tuyển trẻ của chúng ta đều phải dừng chân ngay từ vòng bảng, từ U15 Đông Nam Á 2018, U18 Đông Nam Á 2018 cho đến U18 Đông Nam Á 2019. Chỉ một lần duy nhất U15 Việt Nam lọt vào đến bán kết, song rốt cuộc chỉ xếp hạng tư chung cuộc ở giải U15 Đông Nam Á 2019.
Không giành được bất cứ tấm huy chương nào ở các giải trẻ Đông Nam Á trong suốt 2 năm qua, chẳng mấy ngạc nhiên khi bước ra sân chơi châu lục, bóng đá trẻ Việt Nam gây thất vọng tràn trề khi thậm chí còn không có nổi lấy một trận thắng nào.
Tại VCK U16 châu Á 2018, U16 Việt Nam chỉ dành vỏn vẹn có 1 điểm, xếp chót bảng C (đứng đầu bảng là một đội Đông Nam Á - U16 Indonesia). Còn tại VCK U19 châu Á 2018, U19 Việt Nam thậm chí còn tủi nhục hơn khi thua trắng cả 3 trận, dĩ nhiên "đội sổ" bảng đấu, trong khi đó cả U19 Thái Lan lẫn Indonesia đều lọt vào tứ kết.
Gần đây nhất, ở sân chơi trẻ châu lục, U16 Việt Nam dù được chơi trên sân nhà cũng không thể bước qua nổi vòng loại U16 châu Á 2020.
Rõ ràng, sau "thế hệ vàng" U19 Việt Nam giành quyền tham dự World Cup U20 với không ít cầu thủ đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia Việt Nam, bóng đá trẻ Việt Nam đang khủng hoảng khá nghiêm trọng. Nhìn vào đó, sẽ không khỏi giật mình khi nó có khá nhiều nét tương đồng với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà bóng đá Trung Quốc đang phải gánh chịu.
2. Theo thống kê của Football Observatory, giải VĐQG Trung Quốc nằm trong top 3 "tính từ dưới lên" về thời lượng sử dụng cầu thủ trẻ (dưới 22 tuổi). Tỷ lệ ra sân của các cầu thủ trẻ ở giải VĐQG Trung Quốc chỉ là 4,1%. Tức là trung bình mỗi trận đấu, thời lượng của các cầu thủ trẻ ra sân chỉ là khoảng 30 phút. Đấy là trong trường hợp 1 cầu thủ trẻ được ra sân, nếu nhiều hơn thì tự chia nhau thời lượng ít ỏi ấy.
V.League của Việt Nam cũng nằm trong số những giải VĐQG có thời lượng trung bình sử dụng cầu thủ trẻ thấp trên thế giới, với 8,5%. Song ở các V.League, con số này lại chênh nhau khá rõ rệt ở các đội bóng. Viettel là CLB dẫn đầu với 21,2%, Bình Dương và Đà Nẵng xếp tiếp theo với 17,2 và 17%, Nam Định và Hà Nội bằng nhau với 12,1%.
Trong khi đó, với SLNA - đội bóng từng tự hào với truyền thống đào tạo trẻ, con số này ở mùa giải 2019 là... 0%. Trong khi Than Quảng Ninh chỉ nhỉnh hơn tý xíu với chưa đến 1%, Sanna Khánh Hòa BVN 2%, thì con số này ở HAGL cũng chỉ là 3.4%.
Không khó để nhận ra sau lứa U19 đình đám của bầu Đức, tiếp theo đó là lứa U19 đặt chân đến World Cup của HLV Hoàng Anh Tuấn, bóng đá trẻ Việt Nam đang chững lại trông thấy, và những tài năng mới hiếm "như sao buổi sớm".
Cầu thủ trẻ sáng giá nhất, và là niềm hi vọng trẻ giúp bóng đá Việt Nam bước tới World Cup 2026 là ai? Tháng Tám năm ngoái, có một cầu thủ 18 tuổi từng được HLV Park Hang-seo gọi tập trung U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 30: Võ Minh Trọng.
Song đau đớn thay, Võ Minh Trọng chính là một trong số những cái tên vừa bị VFF kỷ luật vì... bán độ. Đau đớn chẳng kém là "nhúng chàm" trong vụ bán độ này, còn có Trần Công Minh - Vua phá lưới và Nguyễn Nhật Trường - thủ môn xuất sắc nhất giải U19 quốc gia năm 2018. Với bóng đá trẻ Việt Nam, đây đều là những "viên ngọc" đáng để mài giũa. Nhưng giờ đây sẽ ra sao nếu tương lai họ được triệu tập lên đội tuyển, với "vết chàm" khó xóa trên người.
Vụ "nhúng chàm" của 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp, rất nhiều nhận định cho rằng các cầu thủ trẻ bán độ là vì "cái nghèo", đến từ việc các cầu thủ trẻ ít được tạo điều kiện thi đấu, tương ứng với việc thu nhập ít ỏi. Song vài năm trước, một học viện bóng đá từng tuyên bố sẽ đầu tư cho các cầu thủ trẻ của mình mỗi người đến... 1 triệu USD, rốt cuộc cũng chưa thấy có "sản phẩm" nào nên hồn, ngoài những lời phát biểu hùng hồn.
Bóng đá trẻ Trung Quốc lụn bại suốt mất năm nay, đến mức ĐTQG của quốc gia hơn 1 tỷ dân này phải tích cực đẩy mạnh việc nhập tịch các cầu thủ ngoại - nhiều nhất là Brazil, để đại diện cho quốc gia tranh tài, trong khi đó U22 Trung Quốc thua "tâm phục khẩu phục" U22 Việt Nam của HLV Park Hang-seo. Các đội tuyển trẻ của Trung Quốc cũng liên tục thất bại thảm hại.
Nguyên nhân chính chẳng khó để chỉ ra, nó là hậu quả nhãn tiền của một giải VĐQG lấp lánh những ngôi sao thế giới, với mức lương thưởng khổng lồ để "ăn xổi", mà gạt sang một bên công tác đào tạo bóng đá trẻ, tước đi cơ hội để các cầu thủ trẻ trưởng thành, dù các học viện, các lò đào tạo vẫn đông nghìn nghịt học viên.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam vẫn đang cực kỳ thành công trong tay HLV Park Hang-seo, với lứa cầu thủ "thế hệ vàng" hiện tại. Nhưng ngoảnh lại sau lưng, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang có một "khoảng trắng", mà ở đó "vết xe đổ" của bóng đá Trung Quốc đang hiển hiện, và cũng chẳng còn lâu nữa để trở thành hiện thực.