Câu chuyện cuộc đời của người đàn ông tên Huỳnh Văn Châu, sinh năm 1954 tại Bình Dương khiến rất nhiều người xúc động.
Cách đây 7 năm, người đàn ông từng tìm cách tự vẫn vì hận vợ cũ bạc bẽo đã lên duyên vợ chồng với chị Phạm Thị Hồng Sang (sinh năm 1972, quê Đồng Nai) - người phụ nữ cũng trải qua nỗi đau mất chồng.
Ngày ngày anh Châu và cô con gái lớn tên Phước bươn trải bằng nghề bán vé số ở đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM.
Đến mảnh đất Sài Gòn để kiếm sống bằng nghề bán vé số, tình yêu của họ được gắn kết lâu bền khi hai đứa con gái tên Phướn và Đa Đa lần lượt ra đời năm 2011, 2012.
Khi 2 đứa con thơ dại đến tuổi phải đến trường học chữ như bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa thì chị Sang lại bị biến chứng của bệnh viêm đa xoang hàm sàng phải hút bỏ 1 bên mắt.
Con không được đi học, sau đó bệnh sa trực tràng, sa bàng quang, sa sàng chậu, sa tử cung lại khiến người mẹ tảo tần phải liên tục nhập viện điều trị với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Là người trụ cột duy nhất trong gia đình, anh Châu vẫn ngày ngày đưa cô con gái lớn 6 tuổi tên Phướn đến đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM để bán vé số dạo. Căn bệnh đau khớp khiến đôi chân của người đàn ông ngoài 60 tuổi lở loét, đau đớn trong việc đi lại, song ông vẫn cố để kiếm từng đồng bạc lẻ để nuôi 4 miệng ăn.
Gia đình anh Châu đang sống tại căn nhà thuê chưa đến 10m2 ở quận Thủ Đức.
Thu nhập từ việc bán vé số không ổn định, suốt thời gian dài anh Châu, chị Sang phải ăn chuối luộc thay cơm. Còn 2 cô con gái còi cọc vì suy dinh dưỡng thì hàng ngày cũng chỉ ăn 2 bữa sáng, chiều là tô hủ tiếu không 5 nghìn đồng, hay bữa ăn đầy rau, cơm chan nước mắm chứ không có thịt, cá.
Hiểu được sự khó khăn của gia đình, 2 chị em Phướn và Đa Đa không bao giờ đòi hỏi ba mẹ cái gì. Nhưng 2 em rất ước muốn đi học và mơ 1 ngày trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ.
Tìm đến nhà anh Châu tại 1 ngõ đường đất thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM vào sáng sớm ngày 01/04, căn nhà thuê 1,3 triệu đồng, vỏn vẹn chưa đến 10m2 hôm nay có đầy đủ các thành viên trong gia đình.
Qua cuộc trò chuyện ngắn, anh Châu chia sẻ: "Đợt trước thím (chị Sang – pv) đi viện, tôi phải đưa cả 2 đứa nhỏ đi bán vé số. Nhưng sau này thím về nhà điều trị thì bé Đa Đa ở nhà chăm mẹ chỉ còn bé Phướn là đi bán cùng tôi.
Bé Phướn (áo xanh - pv) và em gái kém 1 tuổi tên Đa Đa khoe vở tập viết sau 2 ngày được đi học.
Mấy hôm nay vợ chồng tôi và tụi nhỏ mừng quá vì có tổ chức biết hoàn cảnh rồi hỗ trợ để cả Phướn và Đa Đa đi học trường mẫu giáo miễn phí cách nhà tầm 4km. Tụi nhỏ đã đi học được 2 ngày rồi. Giờ chỉ có mình tôi đi bán vé số thôi.
Chiếc xe máy dùng để di chuyển và mấy đồ đạc trong gia đình cũng là được hội từ thiện tặng chứ tôi cũng không có gì cả. Giờ các con đi học là tôi mừng rồi, còn thím thì giờ phải điều trị, mùng 06/04 tiếp tục đi viện để tái khám và phải 3 tháng nữa mới đi lại bình thường được.
Bệnh ở chân của tôi thì không có tiền chữa trị, giờ có tiền tôi lo chăm sóc cho thím và mấy đứa nhỏ hết. Vài ngày gần đây, cũng có mấy người biết được chuyện gia đình tôi nên đi qua chỗ bán vé số để mua ủng hộ".
Tiếp nối câu chuyện của tôi và chú Châu, bé Phướn nói: "Con thích đi học vì được chơi với các bạn vui lắm. Cô giáo cho con mượn vở để về nhà làm bài tập". Vừa dứt lời, cô bé 6 tuổi cùng em gái đã lôi những quyển vở tập viết để khoe nét chữ đầu đời.
Biết được cuộc sống bươn trải vất vả của gia đình anh Châu, chị Trương Thị Phượng – 1 độc giả của báo Tri Thức Trẻ đã gửi tới gia đình anh số tiền trợ cấp là 10 triệu đồng.
Độc giả giả thân thiết của báo Trí Thức Trẻ chị Trương Thị Phượng. Chị Phượng được biết đến là một doanh nhân thành đạt và thường xuyên giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Gia đình gồm anh Châu, chị Sang, bé Phướn, bé Đa Đa nhận phần quà từ chị Trương Thị Phượng.
Chia sẻ tấm lòng hảo tâm của mình, chị Trương Thị Phượng tâm sự ngay sau đọc được câu chuyện của anh Châu có cô con gái phụ bán vé số và không có thịt, cá để ăn hàng ngày, chị đã nhờ báo Tri Thức Trẻ kết nối để có thể hỗ trợ gia đình anh những bữa ăn đầy đủ hơn.
Nhận món quà thiết thực trong thời điểm vợ chuẩn bị phải đi viện để tiếp tục điều trị và gia đình chưa khắc phục được mọi khó khăn, anh Châu xúc động gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến chị Trương Thị Phượng.
Kết thúc cuộc gặp gỡ vào lúc 7h30 sáng, 2 bé Phướn và Đa Đa vội vã cho vở vào cặp xách và giục ba đưa đến trường còn anh Châu thì tiếp tục vượt chặng đường dài để mưu sinh với công việc quen thuộc...
Hình ảnh bé Đa Đa khoe được cô giáo dạy viết các nét chữ đầu tiên.