Ngay tháng đầu năm, loạt chỉ số bật vọt, kỳ vọng "cỗ xe tứ mã" kéo kinh tế Việt Nam tăng nhanh nhất ASEAN

Pha Lê |

Những số liệu này cho thấy, triển vọng kinh tế năm 2024 của Việt Nam khá tích cực.

Những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 với nhiều số liệu tích cực.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% , đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 3,8% và tăng 5,6%).

Ngay tháng đầu năm, loạt chỉ số bật vọt, kỳ vọng "cỗ xe tứ mã" kéo kinh tế Việt Nam tăng nhanh nhất ASEAN- Ảnh 1.

Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2024

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2024 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2024 có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 1, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Có 43,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ 1 tháng 1/2024 (từ ngày 1/1 - 15/1/2024), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4,1%; nhập khẩu tăng 6,8%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 0,38 tỷ USD.

Việt Nam có thể sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những triển vọng để phát triển.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế nước ta có độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã" đó là: Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tốc độ tăng GDP từ 6,0% - 6,5%.

Để GDP năm 2024 tăng 6 - 6,5%, dự kiến khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực Dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm. Ông Lâm nhận định, đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023.

Ngay tháng đầu năm, loạt chỉ số bật vọt, kỳ vọng "cỗ xe tứ mã" kéo kinh tế Việt Nam tăng nhanh nhất ASEAN- Ảnh 2.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ra khá lạc quan. Tiến sỹ Hoe Ee Khor - Nhà kinh tế trưởng Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 - cho biết: "Chúng tôi dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% trong năm nay. Chúng tôi cũng thấy rằng xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi nhưng ở mức độ trung bình. Và mức tăng trưởng 6% vẫn là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều nền kinh tế trong khu vực".

Ông Brian Lee Shun Rong - Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Ngân hàng Đầu tư Maybank, Singapore nhìn nhận: "Những lợi thế như vị trí chiến lược, chi phí lao động thấp, ổn định chính trị và sự hỗ trợ của chính phủ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam có những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài.

 Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực, đào tạo lao động có đủ kĩ năng đảm nhận các công việc phức tạp hơn như sản xuất chất bán dẫn, bên cạnh đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, sân bay, đường cao tốc… Điều đó sẽ giúp Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho đầu tư nước ngoài trong dài hạn".

Trong khi đó, trang Observed Research Foundation đưa ra nhận định, Việt Nam cùng một số nền kinh tế mới nổi khác là điểm sáng về đầu tư và tăng trưởng. Việt Nam có thể sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2024 và 2025.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại