Hệ thống chính trị Mỹ bất ngờ rơi vào tình trạng hỗn loạn trong ngày thứ Ba khi ông Bernie Sanders, người mang tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ, để mất vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò chính trị vào tay ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống của ông Obama. Ngay trước đó chiến dịch của ông Biden vẫn đang rơi tự do.
Có lẽ, đảng Dân chủ không chấp nhận tầm nhìn của ông Sanders về một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Mỹ mà ủng hộ chương trình nghị sự tiến bộ, ôn hòa hơn của ông Biden. Hoặc cũng có thể là họ đã chấp nhận tầm nhìn cấp tiến của ông Sanders, nhưng sợ rằng ông sẽ không đánh bại được tổng thống Donald Trump trong khi ông Biden mới là người có cơ hội chiến thắng cao nhất. Hoặc có thể là sau gần 2 năm tranh cử, sự thiện cảm dành cho ông Sanders ngày càng giảm so với ông Biden. Cũng có thể do cả ba nguyên nhân trên.
Rất nhiều khả năng chặng đua cuối của đảng dân chủ sẽ thuộc về hai ông Sanders và Biden trong tổng số 24 ứng viên ban đầu. Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, mặc dù đã có lúc giành ngôi vị quán quân trong bảng thăm dò, đang rất yếu thế trong ngày siêu thứ Ba vừa rồi. Bà này thậm chí còn bại trận ngay chính tại quê nhà Oklahoma và tại bang bà đang đại diện, Massachusetts. Chiến dịch của bà đang như ngọn đèn trước gió.
Tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg, người đã tung gần 1 tỷ đô la tiền túi để "mua" cuộc bầu cử tổng thống, đành chịu cảnh nhìn các cử tri quay lưng lại trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Ông chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc đua ngay ngày thứ Tư. Hai ứng viên từng có lần dẫn đầu chặng đua là Thị trưởng Pete Buttigieg và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đã bị đẩy xuống quá thấp trong các cuộc thăm dò khiến họ phải bỏ cuộc đua ngay trước ngày siêu thứ ba. Một tỷ phú khác, ông Tom Steyer, cùng chiến thuật "mua" cuộc bầu cử tổng thống, đã bỏ cuộc trước với chỉ vài phiếu bầu.
Mọi chuyện đã diễn ra thế nào?
Gánh nặng của ông Biden
Gánh nặng trên vai ông Joe Biden lúc này có lẽ còn nặng hơn cả toàn bộ hành lý trên chiếc máy bay thân rộng Airbus 380. Là Thượng nghị sĩ (nhiệm kỳ 2003-2009), ông là một lãnh đạo chủ chốt trong đảng Dân chủ khi đảng này còn duy trì tư tưởng ôn hòa và tự do. Ông ủng hộ thực thi pháp luật cứng rắn, chống nhập cư bất hợp pháp và ủng hộ cuộc chiến ở Iraq.
Những gì ông đã thể hiện trong những năm là thành viên Thượng viện trái ngược hoàn toàn với xu hướng ngày càng thiên chủ nghĩa xã hội của đảng Dân chủ. Vì vậy, ông Biden đã loay hoay vụng về để cố gắng biến mình thành một người cực tả. Chẳng hạn như xoay theo quan điểm hiện nay của phe Dân chủ là ủng hộ nhập cư bất hợp pháp không giới hạn và biên giới mở.
Trước đó, ông Biden đã hai lần tranh cử tổng thống vào năm 1988 và 2008. Cả hai lần ông đều thất bại trong kỳ cuộc bầu cử sơ bộ và đều bỏ cuộc. Năm 1988, ông buộc phải từ bỏ cuộc đua vì những gian lận trong trường luật và đạo ý tưởng trong các bài phát biểu tranh cử.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Biden đã vài lần bị cáo buộc không trung thực về những hoạt động của mình khi đương chức. Mọi sự việc đều bị phát hiện nhưng ông vẫn trụ được. Mới cách đây mấy ngày ông tuyên bố đã từng bị lực lượng an ninh Nam Phi bắt giữ khi ông cố gắng đến thăm ông Nelson Mandela trong tù. Chuyện này hoàn toàn không xảy ra trong thực tế.
Ông Biden có 8 năm làm Phó Tổng thống của ông Obama (2009-2017). Không rõ đánh giá của ông Obama về ông Biden thế nào nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng những đóng góp của ông Biden trong 8 năm tại chức là vô cùng mờ nhạt. Hai trong số các Bộ trưởng Quốc phòng của ông Obama đã chỉ trích mạnh mẽ ông Biden: ông Robert Gates trong cuốn hồi ký năm 2014 mang tên "Bổn phận" tuyên bố ông Biden đã sai lầm trong tất cả các chính sách đối ngoại quốc gia.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden chủ yếu bao gồm một chương trình nghị sự ngày càng thiên tả đồng thời luôn tranh công với những thành tựu của ông Obama, thậm chí cả với những chương trình hầu như không dính dáng gì đến ông khi tại vị như y tế, chính sách khí hậu, thỏa thuận vũ khí hạt nhân Iran… Trong các tranh luận chính sách, ông Biden vẫn mang quan điểm ôn hoà khi so sánh với đối thủ là ông Bernie Sanders.
Ông Obama chưa bao giờ đứng ra công khai ủng hộ ông Biden tranh cử tổng thống, thậm chí có nguồn tin cho rằng chính ông Obama đã khuyên ông Biden không nên tranh cử. Tuy nhiên, ông Biden đã đúng khi tin rằng ông có thể thu phục được những lá phiếu của người dân Mỹ gốc Phi, những người đã ủng hộ ông Obama trong kỳ bầu cử 2008 và 2012.
Ông Biden đang ở tuổi 77 - dường như ông đã quá già để tranh cử tổng thống, hoặc làm tổng thống. Chiến dịch tranh cử của ông rất nhẹ nhàng và ông luôn có vẻ mệt mỏi. Ông thậm chí còn tuyên bố chỉ muốn làm tổng thống một nhiệm kỳ (4 năm). Vấn đề là mỗi khi xuất hiện trước công chúng ông chỉ để lại hình ảnh của một chính trị gia thường xuyên quên và lỡ lời.
Tại sao ông Biden tham gia vào cuộc đua để đối mặt với ông Trump vào tháng 11 tới đây khi mà ông còn phải còng lưng kéo theo cả gánh nặng to như cả cái máy bay thân rộng? Là vì phải ngăn chặn ông Bernie Sanders bằng mọi giá! Là vì ông Biden sẵn sang hy sinh thân mình phụng sự đất nước! Hoặc là vì ông Biden chỉ mong muốn được chú ý.
Ông Bloomberg lộ diện khỏi nơi ẩn náu
Ông Michael Bloomberg, 78 tuổi, là người sở hữu Tập đoàn truyền thông, công nghệ và tài chính Bloomberg, với khối tài sản cá nhân lên tới 60 tỷ USD. Ông Bloomberg được bầu làm thị trưởng thành phố New York từ năm 2002 đến 2013. Thành tựu của vị thị trưởng Cộng hoà lúc đó là tỷ lệ tội phạm giảm đáng kể, tấn công khủng bố hiệu quả và sự phát triển của thành phố được khôi phục. Ông cũng là tác giả của các chính sách gây tranh cãi như loại bỏ vũ khí và cấm uống các loại nước ngọt.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Bloomberg trở thành cử tri độc lập. Ông đã chi hàng triệu đô la tài trợ cho 40 ứng cử viên chạy đua vào quốc hội. Những người này sau đó đã đánh bại đảng Cộng hòa vào năm 2018, giành lại quyền kiểm soát quốc hội cho đảng Dân chủ. Khoản tài trợ của ông đã giúp đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp bang Virginia.
Năm 2019, ông Bloomberg đăng ký làm cử tri Dân chủ. Ông ghét ông Trump tột độ. Ông đã chờ xem liệu ông Biden có chùn bước trong chiến dịch của mình. Ông chờ đợi trong tư thế của một con rắn hổ mang đang rình rập và sẵn sàng tấn công ông Biden khi thời cơ đến.
Khi ông Biden bắt đầu chựng lại do thất bại trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa, New Hampshire và Nevada, ông Bloomberg nhảy vào cuộc đua với tuyên bố rằng ông sẽ "mua" cuộc bầu cử tổng thống bằng tiền túi của mình. Đây chắc chắn không phải là tuyên bố khôn ngoan nhất đưa ra trước một đảng ghét người giàu.
Chỉ trong vài tuần, ông Bloomberg đã đổ ra ít nhất 500 triệu đô la vào các pano quảng cáo phủ kín các hãng hàng không và truyền thông xã hội. Số tiền đó cao hơn tổng số tiền chi vào quảng cáo của tất cả các ứng cử viên khác cộng lại. Ông Bloomberg đã thiết lập nhiều văn phòng với đầy đủ bộ máy hoạt động cho chiến dịch tranh cử của mình. Các ứng cử viên khác, thậm chí cả ông Biden đều không thể đủ tiền để làm điều này.
Thú vị là ông Bloomberg quyết định không tham gia vào một số vòng tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ. Ông có mặt ở vòng tranh luận cuối cùng sau khi gây áp lực cho lãnh đạo đảng phải thay đổi quy tắc tham gia. Một số người tin rằng ông Bloomberg đã tài trợ cho phe Dân chủ rất nhiều tiền để đổi lấy việc cho phép ông tham gia cuộc chơi.
Phần tranh luận của ông Bloomberg có lẽ là tệ nhất trong số tất cả các ứng viên trong mọi cuộc tranh luận từ trước đến giờ. Mọi sự tín nhiệm ông từng có khi còn là lãnh đạo đã trôi theo mây gió. Việc hạ gục ông Bloomberg nhất định phải tính đến công của bà Elizabeth Warren, 70 tuổi. Bà tấn công ông này từ mọi góc độ: Những đóng góp khi làm thị trưởng, sự giàu có và cuộc sống riêng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Tuy nhiên, khi làm như vậy thì bà lại vô tình làm tổn thương chính mình: Nhiều người không thích chiến thuật tấn công này.
Ông Bloomberg cũng không tranh cử sơ bộ ở bốn bang đầu tiên mà thực hiện bước đi tắt thẳng tiến vào ngày siêu thứ Ba với hy vọng tạo ra được hiệu ứng huỷ diệt.
Nhưng gánh nặng của ông Bloomberg thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với ông Biden. Có hai vấn đề chính: (1) Nhiều thành viên Dân chủ cho rằng việc ông Bloomberg "mua" cuộc bầu cử là hoàn toàn sai; (2) Rất nhiều người không tin tưởng ông này: Ông đã đi ngược lại hoàn toàn những chính sách và hành động ông đã thực hiện khi còn làm Thị trưởng New York. Chỉ có duy nhất một ngoại lệ là ông tiếp tục đưa ra những tuyên bố về lợi thế của chủ nghĩa tư bản đối lập với tư tưởng của ông Bernie Sanders.
Ông Sanders thực sự là một mối đe dọa lớn
Suốt 78 năm của cuộc đời mình ông Bernie luôn đeo buổi một mục tiêu quy nhất: trao quyền cho tầng lớp lao động.
Đầu tiên, ông là nghị sỹ đại diện bang Vermont (991- 2007), sau đó là thượng nghị sĩ (2007 đến nay). Trong thời gian tại vị, ông đã kiên quyết phản đối mọi điều luật không phù hợp với chương trình cách mạng của ông. Ông chưa một giây đi chệch khỏi mục tiêu của mình. Phải công nhận một điều là ông luôn thành thực với cử tri về những gì ông dự định làm nếu trở thành Tổng thống, không giống như mọi ứng cử viên khác.
Ngược lại với ông Biden, ông Sanders luôn nói năng rõ ràng và tràn trề năng lượng. Cách ông tranh cử không khác gì một thanh niên ở độ tuổi 30 – không bao giờ xảy ra chuyện "nhớ nhớ quên quên". Đặc trưng của ông là nói năng hùng hổ, nói như thét, chỉ ngón tay và quở mắng người khác. Ông Sanders là tuýp người không thoả hiệp: chỉ làm theo cách của ông, không thì thôi. Ông chưa bao giờ chiếm được thiện cảm của các đồng nghiệp khác tại Thượng viện.
Thú vị là, ở cương vị của một nhà lập pháp, ông Sanders chưa bao giờ đưa ra được một điều luật nào giúp thực hiện các mục tiêu cách mạng của mình thông qua chính sách công. Từ trước đến giờ chỉ thấy ông nói mà thôi.
Ông Sanders ghét cay ghét đắng hệ thống chính trị Mỹ đến mức ông từ chối gia nhập đảng Dân chủ, mà chọn làm ứng viên độc lập. Vậy có nghĩa là ông Sanders đang dẫn dắt và thay đổi một chính đảng mà ông không phải là thành viên. Ông cũng dành nhiều thời gian và nỗ lực chỉ trích phe Dân chủ, tuyên bố rằng những thành viên Dân chủ đang chống lại ông và tìm mọi cách ngáng chân ông trong cuộc đua.
Có lẽ ông Sanders đã nghĩ đúng. Theo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ năm 2016, Donna Brazil, khi ông Sanders chạy đua với bà Hillary Clinton để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ tiến tới đối mặt với ông Trump, đảng Dân chủ do bà Clinton kiểm soát đã tìm mọi cách ngăn chặn việc ông Sanders được đề cử. Ông Sanders và những người ủng hộ ông đã không quên những việc đó và có khả năng muốn trả thù. Nếu thắng, ông sẽ tái thiết lại đảng Dân chủ theo cách của mình và loại bỏ những "kẻ phản động" chống lại ông.
Chính vì vậy, ông Sanders đã không ngừng tích cực vận động và tổ chức để đánh bại ông Trump từ năm 2016. Trong 6 năm qua, ông Sanders là nhân tố chính thúc đẩy đảng Dân chủ trở nên ngày càng cực tả.
Lãnh đạo đảng Dân chủ ra tay can thiệp
Sau phần tranh cử thiếu thuyết phục ở Iowa, New Hampshire và Nevada, ông Biden đã thắng lớn ở Nam Carolina (SC). Điều này dường như là tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông Biden vẫn tồn tại. Quan trọng nhất là 60% cử tri trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ là người Mỹ gốc Phi, đây chính là nhóm mục tiêu mà ông Biden cần thu phục nếu ông muốn trụ lại trong cuộc đua.
Ông Biden đã làm thế nào để chiến thắng tại Nam Carolina? Nhân vật quyền lực thứ ba trong đảng Dân chủ, ông Jim Clyburn, một người Mỹ gốc Phi với tầm ảnh hưởng lớn, đã đến Nam Carolina để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ông Biden. Hãy nhớ rằng chiến dịch của ông Biden không có quảng cáo và chỉ có một đội ngũ nhân viên rất mỏng. Quyền lực của ông Clyburn thực sự đáng nể!
Bằng việc tranh thủ sự trợ giúp của ông Clyburn, lãnh đạo đảng Dân chủ đã đưa ra tín hiệu rằng ông Biden nhất định phải là đối trọng với ông Sanders.
Khi ông Biden giành chiến thắng ở Nam Carolina, hiển nhiên là lãnh đạo của phe Dân chủ ở toàn bộ 14 bang diễn ra bầu cử sơ bộ đã vận động cử tri của họ bỏ phiếu cho ông Biden thay vì 5 ứng cử viên còn lại.
Một số báo cáo cho thấy ông Barack Obama đã ngấm ngầm can thiệp vào quá trình bầu cử sơ bộ bằng việc kêu gọi lãnh đạo phe Dân chủ tại các bang hỗ trợ cho ông Biden. Rõ ràng, ông Obama muốn gìn giữ các tiền lệ mình đã tạo ra và /hoặc không muốn nước Mỹ phải trải qua một cuộc cách mạng nếu dưới triều đại của ông Sanders.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters
Cùng lúc lãnh đạo phe Dân chủ đang tích cực xúc tiến sau hậu trường để tiếp sức cho ông Biden. Truyền thông chính thống bắt đầu tấn công ông Sanders. Ông Sanders, đúng như mong đợi, không rút lại những tuyên bố của mình từ 30 năm trước, dù những tuyên bố này đặt trong bối cảnh ngày nay có sức sát thương cực mạnh đến cuộc tranh cử của ông.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công tồi tệ nhất lại hướng vào những người ủng hộ ông Sanders, đôi khi được gọi "Những người anh em của Bernie". Có vẻ như ông Sanders thu hút và tuyển dụng toàn những người cực đoan, quá hung hăng trong các hoạt động hỗ trợ ông. Phần lớn những người này có tư tưởng bài Do Thái, thù ghét phụ nữ, và một số thậm chí có xu hướng bạo lực. Một nhân viên của chiến dịch tranh cử tuyên bố rằng nếu ông Bernie thắng thì số phận dành cho các đối thủ là cho đứng dựa tường và bắn. Điều này quả là không tốt.
Vậy mà mới cách đây không lâu, ông Sanders vẫn bình an trước các phương tiện truyền thông.
Ngay trước ngày Siêu thứ ba, hai ứng cử viên đang tranh cử đột ngột dừng cuộc chơi. Ông Pete Buttigieg, một thị trưởng của bang Indiana đã rút lui khi nhận thấy ông sẽ không giành được đủ số phiếu ủng hộ tranh cử. Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của bang Minnesota cũng bỏ cuộc. Sau đó, cả hai xuất hiện tại các cuộc tuần hành tranh cử của ông Biden, kêu gọi những người ủng hộ của họ chuyển sang ủng hộ cho ông Biden. Nếu hai ứng viên này còn tiếp tục tranh cử, rất có thể tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra tại đại hội tới đây của đảng Dân chủ ở Milwaukee.
Có lẽ, ông Buttigieg và bà Klobuchar sẽ được mời đảm nhận những vị trí tốt trong chính quyền mới của ông Biden. Và cả hai đều vẫn còn trẻ để tiếp tục tranh cử tổng thống năm 2024, với những lời chúc phúc tri ân của đảng.
Những thắng lợi của ông Biden
Chiến lược của phe Dân chủ để ngăn chặn ông Sanders đã có hiệu quả, ít nhất là cho đến nay.
Ngày Siêu thứ ba diễn ra tại 14 bang với tổng số 1.357 phiếu đại biểu được bầu chọn để đại diện cho các ứng cử viên tại đại hội đảng toàn quốc theo tỷ lệ bỏ phiếu tại mỗi bang.
Ông Biden đã chiến thắng tại 10 bang và ông Sanders ở 4 bang. Ông Biden đã giành được 351 phiếu đại biểu trong khi ông Sanders được 280. Ông Biden đã giành thắng lợi tại hầu hết các bang miền Nam. Hai ông Biden và Sanders chia nhau bang California, là bang có số đại biểu cao nhất của đảng Dân chủ. Trước đó, ông Sanders đã được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo tại bang này.
Sau khi ông Bloomberg thừa nhận thất bại và quay sang ủng hộ ông Biden, có lẽ một phần tài sản của ông Bloomberg sẽ được dùng để hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Biden.
Không thể tin được là ông Bloomberg chỉ giành được 12 phiếu đại biểu sau khi tiêu tốn 5 triệu đô la cho mỗi phiếu đại biểu. Một ứng viên đã bỏ cuộc khác, tỷ phú Tom Steyer, cũng đã chi hàng triệu đô la mà không giành được một phiếu đại biểu nào. Điều thú vị là năm 2016, ông Trump chỉ tốn 300 triệu đô la vào bầu cử sơ bộ đối đầu với 18 đối thủ chính và cuộc đua chống lại bà Hillary Clinton.
Tôi cho rằng tiền không giúp mua được cuộc bầu cử bất chấp các quan điểm khác nhau của nhiều người.
Giai đoạn tiếp theo
Tới đây sẽ bầu cử sơ bộ sẽ tiếp tục được tổ chức tại 37 bang trước khi Đại hội đảng toàn quốc của đảng Dân chủ được tổ chức vào ngày 13/07 tại Milwakee, Wisconsin. Các ứng viên còn phải tiếp tục chiến đấu để phân chia 2.467 phiếu đại biểu còn lại. Để giành được đề cử tuyệt đối của đảng, một ứng viên phải giành được 1.991 phiếu đại biểu. Chính vì vậy, trước mắt vẫn còn một chặng đường dài trước khi ứng viên cuối cùng được lựa chọn.
Nếu không có ứng cử viên nào thắng tuyệt đối, đại hội sẽ tiếp tục bỏ phiếu để xác định người chiến thắng. Điều này hiếm khi xảy ra, nhưng năm nay sẽ có thể là một ngoại lệ.
Tôi cho rằng có nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến việc đề cử, trong đó:
Ngày thứ Năm, bà Elizabeth Warren vừa thông báo rút lui sau màn trình diễn thiếu thuyết phục của mình. Bà ấy có thể gây ảnh hưởng đến cục diện cuộc đua bằng việc kêu gọi những người ủng hộ mình chuyển sang ủng hộ ông Sanders, giúp đưa tổng số phiếu đại biểu của ông Sanders lên gần sát với ông Biden. Ở vị trí rút lui, bà Warren không còn có thể gây tác động đến việc bỏ phiếu tại đại hội đảng Dân chủ nữa.
Với tình thế nhiều ứng cử viên bỏ cuộc như vậy, nhìn chung đảng Dân chủ có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục những người ủng hộ đi bỏ phiếu vào tháng 11. Nhiều người ủng hộ phe Dân chủ thấy thất vọng bởi ứng viên của mình đã không thể vượt qua trọn vẹn chặng đua, và không có sự thay thế phù hợp trong cả trường hợp ông Biden và Sanders.
Một số bang cho phép bỏ phiếu sớm. Điều này có nghĩa là các sự kiện xảy ra ngay trước cuộc bỏ phiếu vào các ngày bầu cử sơ bộ sẽ không được cân nhắc trong những lá phiếu bỏ sớm. Mà các đảng chính trị luôn cố gắng đưa ra những bất ngờ lớn ngay trước khi bỏ phiếu. Chỉ riêng California đã có 4 triệu người đi bỏ phiếu sớm.
Cuộc bầu cử này cho thấy một tỷ lệ lớn cử tri đã thay đổi lựa chọn bỏ phiếu vào phút chót.
Nếu ông Sanders tin rằng đảng Dân chủ lại một lần nữa cố tình cản trở ông ta thì Đại hội đảng vào mùa hè tới sẽ không tránh khỏi lộn xộn. Trường hợp xấu nhất đối với đảng Dân chủ là các cử tri của ông Sanders không đi bỏ phiếu vào tháng 11, đồng nghĩa với việc giúp ông Trump rộng đường chiến thắng. Hoặc có thể ông Sanders sẽ thành lập một đảng thứ ba để cạnh tranh với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Hiện giờ ông Biden đang được mặc định là sẽ kế thừa các phiếu bầu từ ông Buttigieg, bà Klobuchar và ông Bloomberg. Tuy nhiên không ai có thể chắc chắn về điều này. Bởi bất kỳ động thái nào của những cựu ứng viên này cũng sẽ đều ảnh hưởng đến cục diện của cuộc bầu cử.
Như vậy là trong 5 tháng tới đây người dân Mỹ sẽ còn đoán già đoán non về việc ai sẽ đối mặt với ông Trump vào tháng 11 tới. Rất nhiều điều có thể xảy ra từ giờ đến lúc đó. Ông Trump là ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng hòa. Lo lắng của phe Cộng hoà là làm sao để ông Trump kiềm chế phát ngôn và hành động, tránh gây tổn hại đến cuộc bầu cử. Vậy thì việc đầu tiên đảng Cộng hòa có thể làm là đóng tài khoản Twitter của ông lại.
Trong khi đó, độc giả Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục băn khoăn về việc cần phải có một bộ não trái khoáy như thế nào mới có thể tạo ra một hệ thống bầu cử rối loạn đến mức như vậy.