Nhớ mấy bữa trước, Sài Gòn mưa lớn, hột nào hột nấy bự như cục đá chọi chim, 6 giờ chiều mà Út Nhàn đứng nép trong quán, nét mặt đắn đo nhìn ra đám người bận áo mưa tùm lum xanh đỏ, chí chóe như vịt kêu đồng, hỏi sao cô Út nay không mở cửa bán. Út Nhàn nửa muốn bán, nửa muốn không…
Chắc cả cái Sài Gòn này, khi trời mưa chỉ có quán nhà Út Nhàn là đông khách, đông còn hơn khi trời tạnh ráo nữa. Mà cũng không có gì khó hiểu, Sài Gòn vô mùa mây kéo bầy tối hù trời, nước hò nhau rớt xuống rào rào, còn gì dịu dàng, thơm ngon hơn là quất một cái lẩu mắm nóng thơm lừng mùi cá linh, nhúng vô thịt heo, thịt bò, mực sữa, lươn đồng và hơn chục loại rau dại đậm chất miệt thứ miền Tây Nam Bộ? Khách ngồi xì xụp ăn rồi ngó coi mưa Sài Gòn với mưa miền Tây, mưa chốn nào dai hơn...
Phần lẩu mắm nhỏ của Út Nhàn giá chỉ có 150 ngàn mà 3 người ăn đảm bảo vẫn dư.
Mà mắc cười cái là, hơn 22 năm mở cửa bán lẩu mắm, từ hồi chiều nào cũng lẽo đẽo theo mẹ ra soạn rau bán hàng đến giờ làm bà chủ, Út Nhàn biết rõ, trời mưa bán còn đắt hơn trời nắng; nhưng cứ hễ mưa là Út lại khép cửa… nghỉ bán, hỏi tới thì chỉ trả lời gọn lỏn: "Trời mưa, bán mệt!".
Thiệt tình, người đâu tánh kỳ! Làm kinh doanh người ta ai cũng mong đông khách, Út lại nghĩ cách bán ít đi, bán cho khách hàng quen thân thôi, bởi Út nói, trời mưa mà đông khách quá, Út bị rối, bán không có được.
Đến cả cái bảng đề chữ lẩu mắm, người ta kêu bắt đèn xanh đỏ vô cho nhấp nháy, đặng khách lạ có vô tình đi qua cũng thấy mà tạt vô, như hàng trăm cái quán bình thường ở Sài Gòn này, Út còn không thèm làm nữa mà.
Quán lẩu mắm Út Nhàn ở 197 Điện Biên Phủ, Bình Thạnh. Dù không để bảng, để tên nhưng tối nào quán cũng nườm nượp khách.
"Đông quá bán cực lắm em, trời ơi, lẩu nhà chị không có như mấy chỗ khác. Chị không có làm sẵn cái gì trước hết, làm trước đâu có ngon. Chị nhắm chừng làm mấy nồi thôi, rồi bán hết làm nữa.
Chứ như người ta thường làm một nồi nước lèo bự chảng bán suốt buổi, chủ ngồi đếm tiền chứ chi mà cực như chị. Nhưng làm vậy… má la".
Hèn chi, vì sợ má la nên Út Nhàn vẫn nấu nướng bán hàng mà như nấu cho khách tới nhà chơi vậy, chân chất và cầu kỳ. Út đâu có dám cãi, dù sao má cũng là người làm ra cái quán này rồi giao lại cho Út bán buôn mà, kế thừa thì phải giữ cho đàng hoàng.
Mấy bà già gốc miền Tây coi vậy mà khó tánh, ưa làm ăn chân chính đàng hoàng, làm bậy bạ sai lệch xíu, mấy bả la chết.
Tính ra từ hồi má Út Nhàn mở cái quán lẩu mắm này đến nay chắc cũng hơn 20 năm rồi đó.
Nghe đâu hồi đó, má Út Nhàn lặn lội từ miền Tây lên Sài Gòn kiếm kế sinh nhai mà kiếm hoài không có ra. Bà nghĩ mình không có gì ngoài cái tay nghề làm bếp được thừa hưởng từ các ngoại, các má, bèn mở quán lẩu mắm thử coi sao.
Ai dè thử mà bán thiệt, từ 1995 tới giờ ngót cũng 22 năm. Bán chừng được chục năm, bà giao quán lại cho Út Nhàn.
Út Nhàn coi vậy mà lanh lẹ, theo phụ mẹ từ hồi nhỏ xíu, tới khi đứng bếp chính luôn thì vẫn giữ được hương vị y chang mẹ làm. Từ cách nấu mắm đến cách nêm nếm gia vị, canh lửa đảo nồi đều thuộc lòng như bị bà già rót chữ vào đầu.
Ăn tới đâu là thấy miền Tây tới đó, nhớ hoài không quên, nhiều khi mường tượng ăn về, mùi mắm còn ám toàn thân, tới mấy ngày sau mới dứt.
Ăn miếng lẩu mắm Út Nhàn là nhớ miền Tây, nhớ sông, nhớ lúa, nhớ mùa gió chướng tạt buốt thịt da.
Ăn miếng lẩu thơm phức mùi mắm cá linh Châu Đốc là nhớ miền Tây mùa nước nổi, nước sông tràn bờ, cá linh theo dòng nước bơi từng bầy dưới chân, bên trên gió chướng tạt lạnh buốt thịt da.
Bông súng ma thì được mùa có nước, từ đâu chui lên nở rộ cho "bằng chị bằng em" với mấy bông điên điển đang lập lòe vàng vọt từ lúc nào.
Vậy là các bà, các mẹ (nghĩ chắc hồi đó cũng có má Út Nhàn) kháo nhau đi hái bông súng, điên điển, thêm mấy cọng rau má, giá thau, rau nhút… về gói kèm với mắm, ăn cùng cơm nóng là thể nào cũng nức nở khen ngon.
Mấy loại rau dại đó, ở miền Tây giờ còn kiếm đỏ mắt, vậy mà giữa Sài Gòn, Út Nhàn cũng ráng gom đủ để nồi lẩu mắm nhà mình đúng chuẩn miền Tây Nam Bộ. Có tâm vậy còn muốn gì hơn?
Út Nhàn và chị Thu (chị họ Út Nhàn) đang chăm chú làm việc dưới bếp.
Chắc đó cũng là lý do khiến người ta, lỡ một lần đi miền Tây về thành phố, mấy khi trời mưa não ruột, thèm vị lẩu mắm chuẩn miền Tây đều tìm đến quán của Út Nhàn.
Dù cọng gió Sài Gòn khác cọng gió miền Tây, hột mưa Sài Gòn cũng nặng nề khác kiểu xiên xiên hột mưa miệt thứ, thì nồi lẩu mắm nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đủ làm ấm áp bao tâm hồn.
Rau trong lẩu mắm nhà Út Nhàn là sự kết hợp vô cùng độc đáo của hơn chục loại rau chuẩn đét miền Tây, Út lùng mua ở đâu hay ghê luôn.
Kể chuyện có "tâm" của Út Nhàn thì lại mắc cười, bởi tánh bả thiệt thà, hay than mệt, than mưa gió bán buôn bực bội. Nhưng nói thì nói vậy chứ có bao giờ thấy Út đóng cửa cái rột, ngoảnh mặt vô nhà từ chối khách, không thèm bán vì mưa đâu.
Chuyện hôm bữa bả đắn đo vừa muốn bán vừa muốn không đó, rồi cuối cùng bả không cầm lòng đặng, lại mở cửa đón khách vô. Coi mạnh miệng vậy chứ dễ xìu lòng, năn nỉ xíu thì cỡ nào cũng bán, cũng chiều.
Nhớ bữa có hai cha xỉn nào đó vô ăn lẩu, khen bả nấu ngon, bả không nói không rằng, tặng luôn cho hai chai bia uống cho ấm bụng. Sau này, hai cha nội quay lại, ghẹo bả là người đâu dễ bị "dụ", khen chút cái tặng này tặng kia, buôn bán vậy lấy đâu ra lời, bả cười cười mủm mỉm rồi chối phăng, tự cho mình là bà chủ lý trí nhất Sài Gòn.
"Em thấy người miền Tây dễ thương, có lý trí cỡ nào cũng không qua nổi cái tình đâu Út ơi. Dễ bị dụ thì nói dễ bị dụ, chối chi. Em biết hết rồi" - tôi hỏi bả bâng quơ.
"Bây nói vậy là sao? Út làm gì cũng có mục đích nha. Thì nay tao tặng, người ta mến, vài bữa người ta dắt người này người kia tới ăn. Chứ một hai chai bia, dĩa thịt bò, vài con mực cũng không làm Út bây giàu hơn.
Đó, nhờ Út bây dễ thương nên tối nào mà khách hổng đông" - Út Nhàn vừa nói vừa háy mắt nhìn ra quán khách đang nườm nượp, chắc cố che giấu cái lý do thiệt sự mình tặng khách đồ này đồ kia, bởi ai mà không biết, bả tặng vì cái tình, vì thương mến khách chứ không có mục đích chi hết.
Mà không biết Út Nhàn nghĩ sao, chắc khó chịu trong lòng vì mình nói không thật như má dạy nên đứng đảo đảo cái nồi một hồi, bả cũng nói:
"Ờ thì cũng thương người này người kia. Nhớ hồi đó, má Út lặn lội lên Sài Gòn tìm việc, cũng cực, cũng khổ như nhiều ông chạy xe ôm, mấy bà bán vé số này nè. Nên giờ họ vô ăn, Út nhìn Út thương.
Hồi đó, bà già cũng được người ta giúp, thôi thì giờ mình giúp lại người khác. Chứ để má biết mình tiếc của, tiếc một hai đồng lời mà không giúp, má la".
"Mà sao hở ra là Út sợ má la vậy ta! Út lớn rồi, chồng con rồi còn sợ má, không sợ tụi nhỏ biết nó cười hả?" - tôi hỏi với theo, trong lúc Út đang trầm ngâm hoài niệm hình bóng của má hồi xưa.
Trời mưa, còn gì thú vị hơn khi ăn nồi lẩu mắm thơm lừng, nóng hổi của nhà Út Nhàn như vầy.
Út giật mình, gõ đôi đũa lên thành nồi nghe cái "chang" rồi xoay qua hỏi ngược lại tôi: "Ủa, có đứa con nào không sợ má đâu? Nhất là mấy đứa nhỏ gốc miền Tây nha. Bà già nói một là một, hai là hai, cãi là ăn roi chuối. Nói tới nghe ớn. Mà nhiều khi cũng thèm má la, lâu lâu kiếm chuyện cho để má chửi cho đỡ nhớ".
Nói xong Út cũng kể một kỉ niệm nghe chơi, về cái lý do mà tới tận hơn 30 tuổi rồi Út vẫn còn răm rắp nghe lời má, cứ làm gì hơi sai sai là đều quen miệng nói "chết cha, má la". Hồi nhỏ, miền Tây vô mùa mưa, mấy đứa bạn rủ Út đi tắm sông, Út biết má thế nào cũng không cho nên lén đi.
Bữa đó trốn ra tới bờ sông rồi mà má vẫn chạy ra bắt Út về kịp. Bữa đó, Út bị má đánh tơi bời hoa lá trên đi văng, hết 3, 4 cái roi chuối. Út giận má mấy ngày.
Sau này lớn xíu, Út mới biết là sông vô mùa nước lên, dòng dữ. Con nít rớt xuống là vô phương cứu. Bữa đó má mà không bắt Út kịp, biết đâu Út đã trôi như cọng lục bình mùa mưa bão, tơ tướp nổi trôi, không sao vớt được rồi.
Bởi vậy từ đó, Út thương má hơn, má nói gì cũng nghe. Má mà la cái gì thì luôn là "chân lý" của Út, không dám cãi nữa.
Anh Thắng - chồng Út Nhàn người đảm nhận làm than cho nồi lẩu, nói vui là chiều nào anh cũng chơi với mấy "bông lửa" tới... nám mặt thì thôi.
"Sau này theo má hoài vì thương, cuối cùng má giao lại luôn cho cái tiệm lẩu mắm này nè. Lúc đó đâu có thích, mà sợ má la nên gật đầu luôn, không dám làm bà già buồn nữa. Sau này bán được 1, 2 năm thì thương nghề.
Bán buôn vầy gặp được người này, người kia cũng hay. Nhất là đồng hương, kể chuyển bỏ xứ lên Sài Gòn mưu sinh, mỗi khi nhớ nhà đều qua biểu Út làm cho nồi lẩu ăn đỡ nhớ. Cũng vui vui vì nhờ má mà Út giờ là "người giữ vị miền Tây giữa lòng Sài Gòn", bữa đó ai nói với Út vậy đó".
Nói xong Út Nhàn cười, rồi nhanh tay làm nồi lẩu bưng ra cho khách. Ra gặp khách quen, Út đứng "tám" chuyện một hơi mới quay trở vô. Hồ hởi bưng ra ca trà đá tặng khách, xong Út cười khanh khách giòn tan, "đậm đà" y như nồi lẩu mắm Út làm vậy đó.