Ngày mai, Hà Nội rét kỷ lục, nhiệt độ xuống thấp chưa từng có trong mùa đông năm nay

Duy Anh |

Ngày 22/1, không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh thêm, miền Bắc bước vào đợt rét hại kéo dài.

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, sang ngày 23/1, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa nhiệt độ có thể xuống ngưỡng 7 độ C, vùng núi từ 2 đến 5 độ C, vùng núi cao xuống dưới 0 độ C.

Riêng về thời tiết Hà Nội: Ngày 22/1, khi không khí lạnh có cường độ mạnh tăng cường, tại Thủ đô tiếp tục có mưa nhỏ, nhiệt độ cao nhất ban ngày là 12-13 độ; trời rét hại, nhiệt độ thấp nhất 9-11 độ, các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Ba Vì, thị xã Sơn Tây giảm còn từ 8-10 độ.

Dự báo, trong ngày mai (23/1), nhiệt độ tại Hà Nội tiếp tục giảm nhẹ thêm 1 độ so với hôm trước với mức thấp nhất từ 7-9 độ. Đây có thể là đợt rét kỷ lục từ đầu mùa đông đến nay.

Ngày mai, Hà Nội rét kỷ lục, nhiệt độ xuống thấp chưa từng có trong mùa đông năm nay- Ảnh 1.

Rét hại được dự báo kéo dài đến hết ngày 25/1 tại miền Bắc.

Cơ quan khí tượng cảnh báo đợt rét hại diện rộng ở miền Bắc khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/1.

Trong đợt này, vùng núi cao nguy cơ xảy ra mưa tuyết và băng giá, đặc biệt ở các khu vực như Fansipan (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng)...

Chủ động ứng phó rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày

Để chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó.

Thứ nhất, đối với rét đậm, rét hại (các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ): Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại và tình hình thực tế tại địa phương để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh.

Ngày mai, Hà Nội rét kỷ lục, nhiệt độ xuống thấp chưa từng có trong mùa đông năm nay- Ảnh 2.

Rét hại kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người cũng như thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp ứng phó.

Trong đó tập trung vào các nội dung chính sau: Hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than tổ ong sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho học sinh các trường nội trú.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.

Thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cảnh báo nguy cơ xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chủ động tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh phù hợp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các trường mầm non, tiểu học chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại