Mới đây, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã chính thức thông xe tuyến đường mới nối qua Đồng bằng sông Châu Giang. Đoạn đường dài 24km đã được hoàn thiện sau 7 năm xây dựng và giúp kết nối các thành phố của đại lục và Hồng Kông qua 2 cây cầu, 2 đảo nhân tạo và 1 đường hầm trên biển. Trong đó, cầu Thâm Quyến - Trung Sơn là cầu treo dầm hộp thép có nhịp dài nhất thế giới và là cầu treo ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Dẫu vậy, người dân Hồng Kông sử dụng xe buýt đi qua cây cầu này trong ngày đầu tiên đã phải đối mặt với thời gian di chuyển dài hơn dự kiến. Tình trạng tắc đường nặng đã xảy ra trong một ngày vốn được nhiều người mong đợi.
Một phóng viên của SCMP đã đi dùng khách địa phương trên một chuyến xe buýt chạy trên tuyến đường Thâm Quyến - Trung Sơn mới được khánh thành vào ngày 30/6. Theo dự kiến, tuyến xe buýt từ Quan Đường đến Trung Sơn chỉ mất 90 phút.
Vào lúc 2 giờ chiều ngày 30/6, phóng viên của SCMP đã lên một trong những chuyến xe buýt đầu tiên đến Trung Sơn và dự kiến đến bến dừng là cảng Vịnh Thâm Quyến vào lúc 3 giờ 20 phút sau khi làm thủ tục hải quan. Ban đầu, hãng vận hành Eternal East Bus Group Management ban đầu ước tính lộ trình chỉ mất 45 phút khi đi qua tuyến đường mới trị giá 44,69 tỷ NDT (6,15 tỷ USD) này.
Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường cao tốc kết nối với cây cầu này, khiến xe buýt “đứng im” trong hơn 3 giờ đồng hồ. Xe buýt sau đó đã di chuyển đến đường hầm dài 6km của tuyến đường nối với Thâm Quyến vào lúc 6 giờ 25 phút. Nguyên nhân gây tắc nghẽn là do hàng chục tài xế đã đỗ xe ở làn khẩn cấp và chụp ảnh trên cây cầu nối. Cuối cùng, tuyến xe buýt đến Trung Sơn lúc 8 giờ 5 phút tối.
Chan Kam-wai, 76 tuổi, một người đã về hưu có mặt trên chuyến xe buýt này với 8 thành viên trong gia đình. Bà cho biết, các cháu của bà mệt mỏi và đói trong nhiều giờ. Bà chia sẻ: “Lẽ ra chúng tôi phải đến Trung Sơn vào khoảng 4 giờ chiều để thưởng thức trà chiều.”
Bà Chan phải trả 250 HKD/vé và thêm 1 đêm nghỉ tại khách sạn. Bà nói: “Tôi thấy rất nhiều người đỗ xe trên cầu và chụp ảnh mà không bị nhắc nhở. Trong ngày đầu tiên thông xe một công trình lớn như vậy, việc quản lý đáng lẽ ra phải sát sao hơn.”
Amy Yue, 50 tuổi, đi cùng con trai và em gái, chia sẻ bà sẽ không đi xe buýt đến Trung Sơn nữa. Theo Yue, đoạn đường này khá xa và có những tình huống không lường trước được khi di chuyển. Chỉ riêng việc tắc đường đã khiến bà mất nửa ngày ngồi trên xe buýt.
Gary Zhang Xinyu, nhà lập pháp, thành viên trong ban điều tiết giao thông của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, cũng có mặt trên tuyến xe buýt đầu tiên đến Trung Sơn. Ông cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa tìm ra nút thắt cổ chai của tuyến đường này. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi cần phải xác định nguyên nhân.”
Trong khi đó, 2 nhà lập pháp Johnny Ng Kit-chong và Michael Lee Chun-keung rời khu Tiêm Sa Chuỷ lúc 3 giờ chiều bằng ô tô và dự định đi qua trạm soát vé Vịnh Thâm Quyến, sau đó lên tuyến đường kết nối với Trung Sơn. Tuy nhiên, họ đã phải thay đổi lộ trình vì tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên tuyến đường cao tốc ven biển, cách lối vào cây cầu mới 7km.
Họ đi theo con đường cũ và dài hơn, qua cầu Hổ Môn và đến Trung Sơn lúc 7 giờ tối. Khi quay về vào buổi tối Chủ nhật, họ lại gặp cảnh tắc đường, xe cộ chật cứng khi hướng về phía Thâm Quyến.
Song, ông Ng chia sẻ tình trạng ùn tắc tương tự sẽ không xảy ra thường xuyên trong tương lai, vì sẽ không có quá nhiều phương tiện thường xuyên di chuyển giữa 2 thành phố vào cùng một giờ như vậy.
Lee chia sẻ, nếu tuyến đường này có thể giảm thời gian di chuyển xuống còn 30 phút như dự kiến thì người trẻ và người về hưu ở Hồng Kông sẽ tìm đến Trung Sơn vì thành phố này có chi phí sinh hoạt thấp hơn.
Tham khảo SCMP