Đây là cuộc thăm dò được thực hiện trước thềm dịp kỷ niệm 19 năm Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc.
Theo kết quả cuộc thăm dò này, chỉ có 31% người Hồng Kông được hỏi nói họ cảm thấy tự hào vì là công dân Trung Quốc, giảm 7 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò năm ngoái.
Đây cũng là con số thấp nhất kể từ khi cuộc thăm dò được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1997, năm mà Anh trao Hồng Kông lại cho Trung Quốc.
Trong khi đó, tỷ lệ người Hồng Kông nói họ không tự hào vì là công dân Trung Quốc tăng mạnh lên 65% từ mức 56% của cuộc thăm dò năm 2015.
Phân tích sâu cho thấy người Hồng Kông càng trẻ thì càng có xu hướng ít tự hào về việc mình là công dân Trung Quốc.
Có tới 86% người được khảo sát ý kiến trong độ tuổi 18-29 nói họ không tự hào vì là công dân Trung Quốc. Chỉ có 10% số người thuộc độ tuổi này cho biết cảm thấy tự hào.
Trái lại, ở nhóm từ 50 tuổi trở lên, có 44% nói họ tự hào vì là công dân Trung Quốc.
Tỷ lệ ròng người Hồng Kông đánh giá tốt về chính sách của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ - mức chênh lệch giữa tỷ lệ có đánh giá tích cực và tỷ lệ có đánh giá tiêu cực - cũng sụt giảm tới 13 điểm phần trăm vào năm ngoái, xuống còn âm 11%, mức thấp kỷ lục kể từ khi câu hỏi thăm dò này lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1999.
Có tới 38% người được hỏi nói họ có cái nhìn tiêu cực về chính sách Hồng Kông của Bắc Kinh, trong khi chỉ 27% đánh giá tích cực về các chính sách này.
Nghị sỹ Albert Ho Chun-yan thuộc Đảng Dân chủ của Hồng Kông đánh giá kết quả cuộc thăm dò như vậy là “hoàn toàn bình thường”, và nói ông sẽ chỉ ngạc nhiên nếu kết quả ngược lại.
“Tôi tin chắc rằng những gì đã xảy ra với công ty sách Causeway Bay Books vào năm ngoái đã ảnh hưởng lớn tới cách nhìn nhận của người Hồng Kông đối với Trung Quốc”, ông Ho nói.
Nghị sỹ này đang nhắc đến vụ mất tích của 5 người bán sách có liên quan đến Causeway Bay Books và nhà xuất bản Mighty Current.
Dư luận Hồng Kông lo ngại những người này đã bị điệp viên từ đại lục bắt cóc vì công ty của họ chuyên về những cuốn sách chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.