Bà Sarah Galeski, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH KPMG, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Nguồn Nhân lực và Đào tạo của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trao đổi với TheLEADER xoay quanh những rào cản người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang.
Thưa bà, bà đánh giá thế nào về thực trạng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động châu Âu tại Việt Nam?
Bà Sarah Galeski: Ngày càng có nhiều lao động nước ngoài tới Việt Nam. Đây phần nào là kết quả của việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thông qua sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư và mở công ty con tại Việt Nam. Vì thế, nguồn lao động nước ngoài tại Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng.
Trong bối cảnh như vậy, quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam có những thuận lợi và rào cản gì?
Bà Sarah Galeski: Các thủ tục cấp giấy phép đã thuận lợi hơn nhiều. Quy trình trở nên đơn giản hơn so với chỉ vài năm trước đây. Thậm chí, Chính phủ đã ban hành nghị định nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép lao động. Tôi cho rằng đây là một bước tiến tích cực.
Tuy nhiên, quy định cấp phép cho lao động nước ngoài vẫn còn hạn chế. Theo quy định trước đây, người lao động chỉ cần có 5 năm kinh nghiệm làm việc hoặc có bằng tốt nghiệp đại học. Tôi nghĩ mô hình đó có thể đem lại nhiều lợi ích hơn, tránh bỏ sót những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhưng không có bằng đại học. Điển hình, trong vấn đề tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, hầu hết những cá nhân tới Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này chỉ mới tốt nghiệp đại học. Chính vì thế, họ không thể đáp ứng quy định về cấp phép lao động hiện hành.
Bà có thể làm rõ hơn về vấn đề này?
Bà Sarah Galeski: Hiện nay, để được cấp giấy phép làm việc với vị trí chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam, người lao động cần có bằng đại học và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc. Một số lao động có kĩ năng cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu ấy. Có rất nhiều người là chuyên gia trong những lĩnh vực cụ thể nhưng lại không có bằng đại học.
Với quy định này, ngay cả Bill Gates cũng không đủ điều kiện làm chuyên gia tại Việt Nam. Vì thế, tôi cho rằng, việc yêu cầu cả kinh nghiệm và bằng cấp có thể bỏ sót những nhân tài giúp Việt Nam phát triển kinh tế.
Việc người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Nghị định 143 hiện hành của Chính phủ có được coi là một rào cản khác hay không? Khuyến nghị của bà là gì?
Bà Sarah Galeski: Nghị định 143 quy định về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tôi cho rằng không nên bắt buộc người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội dài hạn theo hình thức áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất. Bởi lẽ, người nước ngoài thường chỉ làm việc tại Việt Nam trong thời gian ngắn rồi rời đi.
Mặt khác, tôi cũng đưa ra khuyến nghị về vấn đề miễn trừ bảo hiểm xã hội. Quy định về “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp” không phải đóng bảo hiểm chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng miễn trừ bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong trường hợp người lao động nhận giấy phép lao động dưới hình thức di chuyển nội bộ. Các đối tượng này sau đó tham gia vào hợp đồng lao động tại công ty con của doanh nghiệp tại địa phương.
Người nước ngoài thường chọn cách tiếp cận này vì các công ty Việt Nam chi trả một số phụ cấp liên quan đến người lao động nước ngoài, vì vậy hợp đồng lao động với công ty là cần thiết để khấu trừ chi phí hợp lý, hợp lệ.
Vì vậy trong bối cảnh này, việc xác định nhóm đối tượng được hưởng miễn trừ bảo hiểm xã hội còn gặp khó khăn. Hiện nay, vẫn còn nhiều hướng dẫn khác nhau từ các cơ quan địa phương cho người lao động nước ngoài theo hình thức và trường hợp này.
Chính phủ đang có động thái giải quyết những vấn đề xoay quanh quy định về “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp”. Ý kiến của bà trong việc này là gì?
Bà Sarah Galeski: Dường như chưa có sự đồng thuận giữa các cấp cơ quan khác nhau về cách thức miễn trừ một cách chính xác. Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới và điều này được kì vọng sẽ giải quyết được vấn đề.
Tôi nghĩ điều này rất hữu ích, nhất là trong việc giúp doanh nghiệp phân bổ nhân sự là lao động nước ngoài một cách tốt hơn. Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề nhập nhằng trong định nghĩa sẽ được giải quyết sớm.
Quy định liên quan tới Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 143/2018/NĐ-CP, từ 01/01/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng Bảo hiểm xã hội theo luật định.
Đối tượng phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
Người lao động làm việc theo giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề;
Người có hợp đồng lao động có thời hạn không xác định hoặc thời hạn xác định từ một năm trở lên với một công ty Việt Nam;
Các đối tượng được miễn đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
Người lao động làm việc tại Việt Nam theo hình thức điều chuyển nội bộ công ty theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP (cán bộ quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc kỹ thuật viên của một doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được điều chuyển);
Người lao động đã quá tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động;
Chế độ đóng Bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài gồm 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và trợ cấp tử tuất. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động Việt Nam hoặc hết hạn giấy phép lao động, không còn sống và làm việc tại Việt Nam, người lao động nước ngoài có thể xin hưởng trợ cấp một lần cho thời gian đóng Bảo hiểm xã hội.