Mùa hồng giòn, tại các chợ cũng như các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tràn lan các loại hồng. Từ hồng giòn Đà Lạt, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái cho đến Bắc Cạn, Mộc Châu, thậm chí cả hồng giòn Trung Quốc với mức giá từ 20.000-50.000 đồng/kg tùy loại.
Song song với chợ, trên “chợ mạng”, hồng giòn được rao bán dưới mác hồng quê sạch cũng 'phủ sóng', mức giá dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg.
Chị Trương Thanh Hà ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, quê chị ở Cao Bằng, bây giờ đang vào mùa hồng giòn Cao Bằng nên chị tranh thủ đặt mua rồi nhờ chủ vườn gửi xuống Hà Nội cho chị bán online.
Các loại hồng giòn đặc sản của Cao Bằng, Đà Lạt, Yên Bái được rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Chị Hà tâm sự, tuy không phải dân bán hàng online chuyên nghiệp, công việc chính của chị là làm kế toán. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm nay chị bắt đầu kinh doanh mấy loại đặc sản ở quê chị để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Vào mùa tết chị thường bán măng, miến, mộc nhĩ… Còn mùa này, chị tranh thủ bán hồng vì ở quê hồng giòn đang vào mùa thu hoạch rộ. Đặc biệt, loại quả này được các chị em khá ưa thích, mua về ăn vặt thường xuyên nên không lo ế, hỏng.
Mỗi 1kg hồng giòn giá 70.000 đồng/kg dịp đầu mùa, giờ giảm xuống chỉ còn 60.000 đồng vì đang chính vụ giá rẻ.
Khách mua chủ yếu là khách quen, cứ người này 2kg, người kia 3kg. Thậm chí có người còn lấy cả 5kg nên mỗi ngày chị bán ngót nghét một tạ hồng. Như hôm Trung thu vừa rồi, số lượng hồng giòn chị bán ra lên tới gần 2 tạ.
“Dù số lượng hồng bán ra lên đến cả tạ mỗi ngày nhưng không chiếm quá nhiều thời gian”.
Chị cho biết, cứ lấy khoảng 1 tạ hồng ở quê gửi xuống sau đó đăng bán trên trang facebook của mình, khách đặt mua thì tổng hợp lại để đến trưa hoặc tối sẽ đóng túi, thuê người giao hàng. Hôm hơn, hôm kém nhưng trung bình mùa thu hoạch rộ, chị Hà bán hết tạ hồng giòn/ngày.
"Khoảng nửa tháng nay, số lượng hồng bán ra lúc nào cũng ổn định ở mức trên dưới 1 tạ". Chị Hà tiết lộ, hồng nhập trên Cao Bằng giá 30.000 đồng/kg (đã bảo gồm cả phí gửi xe xuống Hà Nội), sau đó bán giá 60.000 đồng/kg.
Tính ra, sau khi trừ hết chi phí gồm thuê xe ôm chở hàng về nhà, thuê người giao hàng (khách xa thì tự chịu phí giao hàng, chị chỉ miễn phí cho khách ở gần nhà chị với khoảng cách 5km) ngày cao điểm bán hơn 1 tạ hồng, chị lãi ngót nghét 3 triệu.
Tương tự, cũng đang mùa hồng giòn Lạng Sơn nên chị Hồ Thị Lan ở Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng tranh thủ buôn hồng giòn từ quê xuống để bán online.
Theo chị Lan, bà con họ hàng ở quê chị trồng hồng giòn khá nhiều, quả hồng nhỏ nhưng ăn giòn ngọt nên được khá thị trường ưa chuộng. Mùa hồng năm trước, chị chỉ nhờ người nhà chuyển hồng xuống Hà Nội với số lượng có hạn để ăn và đem biếu.
Năm nay, chị chính thức bán từ lúc vào mùa. Cứ gom đơn đặt hàng của các chị em sau đó mới điện thoại lên nhà vườn báo số lượng lấy. Hàng sẽ được chuyển xe khách về ngay trong đêm, sáng sớm chị ra bến xe lấy về chia ra các túi nhỏ theo số lượng đã đặt để chuyển cho khách.
Chị cho biết, có hôm các chị em cơ quan đặt nhiều, chị treo túi lớn túi nhỏ đến cả 3 chục kg hồng trên xe máy, nhìn không khác gì các bà đi buôn ngoài chợ.
Tuy nhiên, đổi lại, ngày nào chị cũng bán được khoảng tầm trên 50kg hồng giòn, thỉnh thoảng có ngày đột xuất số lượng bán tăng lên gấp rưỡi.
Mọi người rất thích ăn hồng giòn, đặc biệt là các chị em công sở. Tuy nhiên, họ ngại ra chợ mua vì không biết hồng nào là hồng Trung Quốc, hồng nào là hồng Việt Nam. Do đó, họ thích đặt mua online của người quen nên hồng chị bán online khá đắt hàng.
Cũng theo chị Lan, bạn bè chị bảo chị tranh thủ mùa hồng giòn ở quê nhập đổ buôn cho các mối khác. Song, chị xác định đây chỉ là công việc làm thêm thời vụ, tranh thủ những lúc rảnh rỗi.
Còn đổ buôn thì chiếm khá nhiều thời gian, công việc cũng vất vả, sợ không kham nổi lại ảnh hưởng đến việc ở cơ quan nên chị chỉ bán online mỗi ngày vài chục cân cho nhẹ nhàng.
"Dù bán lặt vặt vậy nhưng mỗi ngày tôi cũng kiếm lời khoảng 1 triệu đồng từ việc bán hồng online. Tính ra, tháng nay số tiền kiếm được từ buôn bán gấp cả 2 - 3 lần tiền lương mà công ty trả", chị Lan khoe.