Theo dự kiến, ngày mai (24/7), TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sacombank, TPBank, BIDV.
Có gần 70 luật sư đăng ký bào chữa cho 46 bị cáo cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong đó, ông Danh có 7 luật sư tham gia bào chữa gồm: Phan Trung Hoài, Trương Quốc Hòe, Hà Hải, Trần Minh Hải, Bùi Phương Lan, Chu Mạnh Cường, Bùi Thị Hồng Giang.
Ông Trầm Bê cũng mời 3 luật sư bào chữa gồm: Nguyễn Thị Mai Hồng, Phạm Ngọc Trung, Trần Quốc Khánh.
Ông Trần Bắc Hà lại được triệu tập đến tòa.
Để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TP HCM đã triệu tập đại diện 7 ngân hàng và gần 200 người tham gia phiên tòa với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trong đó có hàng loạt đại gia như: Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CBBank), Trần Quý Thanh (Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát), Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank), Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong - TPBank), Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank)…
Tòa cũng triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV), ông Trần Lục Lang (Phó tổng giám đốc BIDV) để phục vụ cho việc xét xử.
Trong lần xét xử sơ thẩm lần 1 hồi đầu năm, HĐXX cũng từng triệu tập các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo BIDV đến tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, suốt quá trình xét xử, ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt với lý do sang Singapore điều trị bệnh ung thư từ ngày 7/1, chỉ trước khi phiên xử khai mạc 1 ngày.
Dù được triệu tập, nhưng việc ông Trần Bắc Hà có đến tham dự phiên tòa lần này vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Luật sư mà gia đình ông Trần Bắc Hà mời đại diện cho ông trong phiên xử sơ thẩm lần 1 không tham dự phiên xử lần này.
Phiên xét xử đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh diễn ra vào ngày 24/7.
Theo hồ sơ vụ án, khi thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của VNCB), ông Phạm Công Danh đến BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV) để đặt vấn đề giới thiệu cho các khách hàng doanh nghiệp của VNCB vay tiền tại BIDV.
Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, ông Danh chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn các công ty để đứng tên trên hồ sơ vay khống để nộp cho BIDV.
Bộ Công an xác định ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty do ông Phạm Công Danh đề xuất vay 4.700 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, ông Trần Lục Lang đã ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi.
Lãnh đạo BIDV các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã lần lượt phê duyệt và giải ngân cho các công ty của ông Danh. Cơ quan điều tra xác định, việc ông Danh sử dụng tiền của VNCB đảm bảo cho các công ty vay tiền gây thất thoát cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại. Do đó, các lãnh đạo BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.
Kết quả điều tra thể hiện đến nay chưa đủ căn cứ xác định 3 ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.
Sau đó, cơ quan điều tra kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với những cán bộ BIDV sau: ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang, Nguyễn An Hà, Nguyễn Cao Minh, Trần Hoài… và hàng loạt cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định, chi nhánh Bến Thành, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh sở giao dịch 2.
Cáo trạng thể hiện, ông Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng tiền của VNCB bảo lãnh cho các công ty do ông Danh thành lập để vay tiền từ Sacombank, TP Bank và BIDV thế chấp bằng tiền gửi của VNCB.
Sau đó, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi lên tới hơn 6.126 tỷ đồng dẫn đến thiệt hại cho VNCB. Trong đó, Sacombank thu hơn 1.835 tỷ đồng, TP Bank thu hơn 1.740 tỷ đồng, BIDV thu hơn 2.550 tỷ đồng.
Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, tháng 2/2017, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi tiếp nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và chuyển kết luận cho VKS để hoàn tất cáo trạng.
Sau quá trình điều tra và điều tra bổ sung, VKSND Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án trong cáo trạng trước. Theo đó, không có thêm bị can nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.
Hiện ông Phạm Công Danh đang chấp hành bản án 30 năm tù liên quan đến thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB giai đoạn 1.