Nếu là người có đam mê to lớn với ẩm thực, chắc chắn một khi đã đến Thanh Hóa thì không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món chả tôm thơm ngậy, đặc trưng ở đây.
Món ăn không đòi hỏi nguyên liệu cầu kỳ, cách làm cũng không quá phức tạp này lại mang một sức hấp dẫn khó tả.
Ngoài những phần ăn chất lượng, tôm có thể không cần to nhưng nhất định phải tươi. Những con tôm được sơ chế sạch sẽ, luộc sơ qua rồi bóc vỏ, lấy chỉ đen, sau đem giã nhỏ. Cùng với tôm, nhân chả còn được trộn thêm chút thịt ba rọi chiên vàng.
Nếu như những loại chả khác sau khi hoàn thành, hỗn hợp sẽ được chiên hay hấp trực tiếp thì chả tôm Thanh Hóa lại được cuộn trong một lớp bánh phở. Phần vỏ ngoài là bánh phở loại dày và dai vừa phải, mỗi miếng có chiều ngang chừng 4cm, dài 7cm.
Công đoạn cuốn chả đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ để chả không bị rách nhưng vẫn đảm bảo được độ chắc chắn, hình dáng chả đẹp, không hở, không lệch.
Những miếng chả khi hoàn thành được kẹp vào những nẹp tre tươi hoặc xếp lên vỉ, nướng trên bếp than hồng rực vô cùng đẹp mắt. Khi nướng, người bán cũng phải thật cẩn thận, khéo léo trở chả để thịt được chín đều từ trong ra ngoài.
Những miếng chả tôm dưới bàn tay thoăn thoắt của người chủ quán dần chuyển sang sắc vàng và tỏa ra mùi thơm nức mũi, kích thích mọi giác quan của thực khách.
Chả tôm ngon nhất khi vừa nướng xong và phải ăn kèm với nước chấm đủ vị bao gồm đu đủ xanh thái mỏng, quả sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… làm dưa góp và nước mắm cốt pha loãng. Ngoài ra cũng không thể thiếu rổ rau sống tươi ngon gồm rau diếp, mùi, húng…
Gắp từng miếng chả thơm lừng giòn rụm vẫn còn mang hơi ấm nóng đem nhúng vào nước chấm, vị ngậy của phần nhân thịt tôm hòa cùng cái mặn, ngọt, chua, cay từ mắm và rau sống, dưa góp ăn cùng, nghe đến thôi đã thấy bùng nổ hương vị trong khoang miệng. Chính sự kết hợp giữa chả và các loại rau, dưa giúp cân bằng món ăn, thực khách tha hồ thưởng thức mà không cảm thấy ngán, ngược lại chỉ muốn ăn mãi.
Chả tôm Thanh Hóa với sức hấp dẫn bình dị của mình đã góp phần đưa tên tuổi của ẩm thực vùng đất Bắc Trung Bộ này ghi dấu trên mảnh đất Việt.