Ngành học quan trọng, tính ứng dụng cao
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử là một trong những lĩnh vực quan trọng và phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, đóng góp lớn cho sự phát triển nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước.
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử là ngành học quan trọng
Đây là ngành học nghiên cứu và áp dụng những nguyên lý của kỹ thuật điện để thiết kế, phát triển, thử nghiệm và sản xuất các thiết bị điện và điện tử phục vụ cuộc sống con người.
Vậy nên, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử có tính ứng dụng cao trong đời sống hiện nay, bao gồm các lĩnh vực như: Điện tử tiêu dùng, Công nghệ thông tin và viễn thông, Y tế, Cơ khí, Giáo dục, Công nghiệp và sản xuất,…
Kiến thức được ứng dụng vào hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống
Ngành điện - điện tử ứng dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử gia dụng như: TiVi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,điện thoại,… và nền tảng của Công nghệ thông tin. Hay trong lĩnh vực sản xuất, ứng dụng ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử để điều khiển, giám sát, tự động hóa các quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử không chỉ là nền tảng của nhiều công nghệ hiện đại mà còn là động lực phát triển của xã hội.
Những ứng dụng rộng khắp trong hầu hết các lĩnh vực đã chứng minh tầm quan trọng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong sự phát triển bền vững của nhân loại.
Cơ hội việc làm đa dạng
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn và đa dạng cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu ngày càng cao về điện, điện tử trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và đời sống.
Theo các chuyên gia, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử hiện đang cần nhu cầu nhân lực rất lớn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm đa dạng
Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến năm 2025, ngành này sẽ cần khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 700.000 vị trí yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học.
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử rất thân thuộc với cuộc sống hàng ngày và mang đến thu nhập hấp dẫn
Sinh viên hoàn thành chương trình học Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như: kỹ thuật viên chuyên về điện và điện tử, nhân viên tư vấn, giám sát, lập kế hoạch, thiết kế các dự án liên quan đến điện, điện tử, chuyên viên lắp đặt, chuyển giao công nghệ, quản lý vận hành, bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các hệ thống điện, điện tử,...
Hay sinh viên có thể tiếp tục học thêm để trở thành chuyên gia, giảng viên giảng dạy trong lĩnh vực này.
Mức lương khởi điểm cho các vị trí ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử thường dao động từ 8 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Với vị trí kỹ sư nghiên cứu và phát triển sẽ có thu nhập cao hơn từ 20 - 30 triệu đồng/ tháng.
Và tùy năng lực, sự sáng tạo và môi trường làm việc thu nhập này sẽ có sự thay đổi tăng hoặc giảm khác nhau.
Cơ sở đào tạo uy tín, điểm chuẩn cao
Nhắc đến các trường đào tạo Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử không thể không nhắc đến trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là một trong những cơ sở đào tạo đại học uy tín nhất tại Việt Nam và tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật.
Năm 2024, trường lấy điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điện là 26,81 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và 61.27 điểm theo kết quả đánh giá tư duy.
Điểm chuẩn Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội là 24.51 năm 2024 với tiêu chí phụ là Toán > 8.40 điểm.
Nằm trong top các trường đào tạo ngành kỹ thuật điện điện tử tốt nhất, đại học Điện Lực có điểm chuẩn Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử là 23,50 điểm.
Tại các Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM – Đại học Quốc gia và Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM có điểm chuẩn xét tuyển năm 2024 lần lượt là 76.71 theo phương thức xét tuyển kết hợp và 25.12 điểm theo kết quả thi THPT.