Ngành học "siêu hot" mùa tuyển sinh 2024
Căn cứ theo kế hoạch của Bộ Giáo Dục, thí sinh đã kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển. Và chậm nhất vào 17h ngày 19/8/2024 các trường đại học sẽ công bố đầy đủ điểm chuẩn.
Năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tương đương với 68,5% số dự thi tốt nghiệp, tăng hơn 73.000 thí sinh so với năm 2023.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/8 vừa qua, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết 4 lĩnh vực thu hút thí sinh nhất năm nay là: Kinh doanh và quản lý, kỹ thuật công nghệ, máy tính và sư phạm. Đặc biệt, theo thống kê ngành giáo viên có số lượng nguyện vọng tăng đến 85% so với năm ngoái (tương đương 200.000 nguyện vọng đăng ký)
Các ngành thuộc nhóm sư phạm trở nên hot trong mùa tuyển sinh năm 2024
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ghi nhận số lượng đăng ký nguyện vọng vào trường tăng khoảng 40.000 nguyện vọng. Trong khi năm nay trường tuyển sinh chính quy 26 ngành học với tổng chỉ tiêu dự kiến khoảnh 3.431 chỉ tiêu.
Trước đó, tại kỳ thi đánh giá năng lực của trường đã có số lượng thí sinh tham dự cực cao, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023. Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm nay cũng ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng 100% so với năm trước với 31.252 thí sinh.
Trường đại học Sài Gòn có gần 65.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển với hơn 41.000 thí sinh. Trong đó, số lượng nguyện vọng 1 khoảng 10.000 hồ sơ và năm nay chỉ tiêu của trường chỉ khoảng 5.000 sinh viên.
Bên cạnh đó, các trường như Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và TP HCM có số lượng nguyện vọng đăng ký lần lượt là 32.900 và 51.600, tăng khoảng 1,9 - 2,2 lần so với năm trước.
Lý giải sức hút đặc biệt
Hiện ngành sư phạm trở nên hot, thí sinh đổ xô đăng ký nhưng chỉ tiêu tuyển sinh cũng không quá cao mà các trường cũng giành nhiều chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Vậy nên số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ không nhiều, cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Theo dự báo, các trường đào tạo ngành Sư phạm năm nay sẽ có điểm chuẩn tăng dự kiến từ 0,25 đến 2 điểm tuỳ thuộc vào ngành đăng ký.
Ngành sư phạm năm nay dự tính có mức điểm chuẩn tăng từ 0,25 đến 2 điểm
Lý giải về sức hút của ngành đào tạo giáo viên, các chuyên gia nhận định chính sách hỗ trợ của nhà nước đang dần phát huy tác dụng đến suy nghĩ của thí sinh và phụ huynh.
Việc miễn học phí cùng khoản hỗ trợ sinh hoạt phí 2,6 triệu mỗi tháng theo nghị định 116 năm 2020 giúp tác động rất lớn đến suy nghĩ của mọi người, thu hút số lượng thí sinh lớn trong bối cảnh học phí đại học ngày càng tăng cao.
Hơn nữa, mức lương cơ bản của ngành giáo viên cũng được tăng lên theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Theo Tiền phong, Bộ Chính trị vừa có Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo , đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Cùng với việc tăng cường hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, chính sách tiền lương của ngành giáo dục cũng được chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.
Với sự đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo, đời sống của các giáo viên sẽ được cải thiện tích cực trong thời gan tới. Đó cũng là 1 trong những lý do khiến nhiều học sinh lựa chọn đăng ký tuyển sinh vào ngành Sư phạm.