Xã hội hiện đại với áp lực công việc, cuộc sống nặng nề khiến tâm lí con người luôn phải đối diện với những căng thẳng, mệt mỏi tưởng chừng không bao giờ có thể chấm dứt. Không thiếu các bài báo, những đoạn thời sự, phóng sự về những người mắc bệnh trầm cảm, lo âu trầm trọng. Cũng bởi vì thế, đã và đang có rất nhiều người cần tìm đến những liệu pháp tâm lí để tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn. Đó cũng là lí do mà bác sĩ tâm lí đang trở thành một trong những ngành nghề được săn đón nhất hiện nay.
Những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu đối với ngành học tăng cao, mức điểm chuẩn vào ngành Tâm lí tại các trường đại học cũng liên tục tăng lên. Năm nay, điểm chuẩn cao nhất của ngành này lên tới 29 điểm tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho thấy sức hút của ngành học đã hấp dẫn đến thế nào.
Một ngành học đào tạo nên những con người “đắc nhân tâm”
Khi học ngành tâm lý học, người học sẽ được nghiên cứu về các hiện tượng diễn ra trong thế giới nội tâm của con người như lối suy nghĩ, hành vi, tư tưởng và cảm xúc. Nhìn chung, họ sẽ được làm quen với những lý thuyết có liên quan trực tiếp đến chuyên môn, đồng thời sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự tin áp dụng kiến thức tâm lý trong nhiều ngành nghề khác nhau trên thị trường lao động. Trong quá trình học tập và làm việc trong lĩnh vực tâm lí, người học sẽ dần được tôi luyện những phẩm chất như sau:
Khả năng lắng nghe và thấu hiểu
Bác sĩ tâm lí luôn biết cách đặt mình vào vị trí của những người xung quanh để có những góc nhìn khách quan về sự việc, từ đó biết lắng nghe và cảm thông trước câu chuyện của người đối diện. Phiến diện, bảo thủ hoặc thiếu khả năng thấu hiểu là những tính cách không có của một chuyên gia trong ngành này.
Khả năng giao tiếp hiệu quả
Một trong những mục tiêu cơ bản của ngành tâm lý là kiểm soát và thay đổi hành vi, giúp con người có đời sống tinh thần tốt hơn. Một người làm việc trong ngành tâm lý biết cách giao tiếp thông minh, đồng thời có khả năng diễn đạt thông suốt, với những lý lẽ thuyết phục người nghe.
Sự kiên trì và khả năng chịu áp lực
Trọng trách của một nhà tâm lý chính là giúp đỡ người đối diện tìm ra phương hướng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Công việc này thường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám. Do đó, mọi bác sĩ tâm lí đều có lòng kiên trì, quyết tâm và không ngại đối diện với áp lực.
Cuối cùng, sinh viên của ngành tâm lý còn được mài giũa tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, khả năng đo lường và phân tích dữ liệu, cùng năng lực giải quyết vấn đề, trở thành một con người vừa giỏi về tư duy logic, vừa giỏi về tư duy tình cảm.
Mức thu nhập lí tưởng cùng cơ hội việc làm đầy triển vọng
Mỗi chuyên ngành riêng biệt của tâm lý lại là một cơ hội việc làm khác nhau cho người lao động. Tại Mỹ, tâm lý học đóng vai trò quan trọng, được vận dụng trong mọi ngành nghề từ giáo dục, an ninh, xã hội cho đến chăm sóc sức khỏe, thể thao, kinh tế. Vì vậy, tâm lý đang được xem là ngành “hot” và rất cần nhân lực trong những năm gần đây.
Nhìn chung, mức thu nhập ngành tâm lý hiện nay vẫn luôn được đánh giá là hấp dẫn, đặc biệt với các chuyên ngành như bác sĩ tâm thần, tâm lý học pháp y, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học kỹ thuật. Tại Mỹ, bác sĩ tâm lí có trên 2 năm hành nghề tại các bệnh viện lớn có mức lương tuyển dụng trung bình khoảng 197.000 USD/năm. Với những cơ sở ngoại trú, mức lương có thể lên đến 223.000 USD, tức cao gấp đôi một kĩ sư lập trình máy tính.
Tại Việt Nam, đối với một bác sĩ tâm thần, mức lương có thể lên tới 15 triệu đồng mỗi tháng, đồng nghĩa thu nhập hàng năm cũng lên tới hàng trăm triệu đồng. Với các vị trí công việc đặc thù hơn như nhà tâm lý học giáo dục hay nhà tâm lý học cố vấn, thu nhập trung bình năm có thể lên tới hàng tỉ đồng.
Sinh viên học ngành này sẽ được ưu tiên về cơ hội thực tập và ứng dụng những kiến thức đã được học để phục vụ cho lợi ích của xã hội. Trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để được thực tế tại nhiều môi trường như học đường, các cơ sở y tế, được giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tốt nghiệp ngành tâm lý học, sinh viên có nhiều lựa chọn: hoặc có thể tiếp tục học lên để đủ điều kiện hành nghề tham vấn, lâm sàng; hoặc có thể đầu quân cho các doanh nghiệp ở các bộ phận khác nhau.
Nếu không muốn làm việc trong môi trường nhà nước, có thể tìm kiếm và xin vào các công ty tư nhân hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với công việc như chuyên viên phụ trách các bộ phận như quảng cáo – marketing, nhân sự, quan hệ hay chăm sóc khách hàng,… trong công ty đó, đi kèm với mức đãi ngộ chắc chắn không hề thấp.
Học ở đâu để thành bác sĩ tâm lí
Với nhu cầu ngành càng gia tăng với ngành nghề thú vị này, ngày càng có nhiều trường đại học ở Việt Nam mở chuyên ngành tâm lí học để thu hút sinh viên. Mặc dù vậy, những trường đại học sau đây là những địa chỉ với uy tín, chất lượng giáo dục hàng đầu để lựa chọn
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia HCM
Đại học Sư Phạm Hà Nội
ĐH Sư phạm, Đại học Huế