Ngành có thu nhập top đầu nhưng luôn khát nhân lực
Mới đây, Talentnet-Mercer đã công bố báo cáo khảo sát lương thưởng 2022. Cuộc khảo sát diễn ra ở trên 600 công ty thuộc 17 ngành nghề khác nhau cùng hơn 3.300 vị trí đến từ hơn 483.000 người lao động trên khắp Việt Nam.
Báo cáo đã chỉ ra 3 top ngành có mức độ tăng lương cao nhất, trong đó có ngành bảo hiểm. Cụ thể, dẫn đầu, ngành công nghệ cao với mức tăng lên đến 8,88%, ngành bảo hiểm xếp ở vị trí thứ 2 với mức tăng đạt 8,2%, tiếp theo sau, dược phẩm và thiết bị y tế có mức tăng đạt 7,6%.
Không chỉ có mức độ tăng lương cao, bảo hiểm cũng thuộc nhóm ngành có mức thu nhập bình quân cao nhất. Cụ thể, theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 do Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố, nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân cao nhất trong các ngành kinh tế với 24,5 triệu đồng/người/tháng.
Dẫu lương cao, và là ngành có tốc độ tăng trưởng hai chữ số ngay cả trong thời kỳ bùng nổ của đại dịch, song bảo hiểm vẫn là ngành đang thiếu hụt nhân sự chuyên môn.
Theo kết quả đánh giá uy tín của các công ty bảo hiểm do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report-VNR), thu hút nguồn nhân lực phù hợp có thể là thách thức lớn nhất mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt vào năm 2022. Đáng chú ý, tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp từ chuyên ngành bảo hiểm dưới 10% diễn ra khá phổ biến, được ghi nhận tại 40% doanh nghiệp bảo hiểm.
Chia sẻ trên Nhịp sống kinh tế, đại diện của Vietam Report khuyến nghị: "Việc thiếu hụt nhân sự có kỹ năng chuyển đổi số cũng là một bài toán nan giải đối với các DNBH hiện nay, cản trở việc đánh giá rủi ro có thể gặp phải liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ nhân sự am hiểu về Insurtech tại các công ty bảo hiểm chủ yếu ở mức 50-70%. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên hiện có cũng như tuyển dụng thêm những nhân sự có sự am hiểu về Insurtech".
Ngành bảo hiểm?
Ngành Bảo hiểm (tiếng Anh là Insurance) ra đời trong nền kinh tế hội nhập, giúp con người có được một sự đảm bảo an toàn nhất về mặt tài chính và tinh thần trong cuộc sống cũng như trong sản xuất kinh doanh, bởi vì ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào con người cũng dễ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống và công việc.
Ngành Bảo hiểm giúp thực hiện những chính sách vĩ mô về ổn định kinh tế, khả năng kiềm chế lạ phát, giúp cân đối nền kinh tế trong thời đại hội nhập; góp phần to lớn trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn và giúp tiết kiệm được các chi phí về đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam có 3 trường đại học đào tạo chuyên ngành này, gồm Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở Hà Nội), Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển chuyên ngành này với mức điểm 26,4, Đại học Kinh tế TP.HCM có điểm tuyển sinh là 24,8 điểm, Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở Hà Nội) là 21,15 điểm.
Với mức điểm này, trung bình mỗi môn từ hơn 7-8,8 điểm là thí sinh có thể theo đuổi chuyên ngành bảo hiểm.
Cơ hội việc làm
Nhiều người thường nghĩ rằng học ngành này chỉ làm môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở những vị trí sau:
- Nhà nghiên cứu Bảo hiểm.
- Cán bộ quản lý tài chính của công ty Bảo hiểm .
- Cán bộ định phí.
- Cán bộ đàm phán và kí kết hợp đồng.
- Cán bộ phân tích, đánh giá rủi ro.
- Cán bộ giám định, bồi thường thiệt hại.
- Cán bộ quản lý doanh mục đầu tư.
- Cán bộ nhà nước về bảo hiểm.
- Cán bộ phát triên bảo hiểm .
Tổng hợp