'Cha đẻ' ATM gạo, chuyện giờ mới kể

Nguyễn Dũng - Ngọc Khuyên |

Tròn 1 năm sau ngày TPHCM gỡ bỏ giãn cách xã hội, anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh (PHG Lock), "cha đẻ" của sáng chế ATM gạo, ATM oxy, ATM khẩu trang vẫn còn nguyên nhiệt huyết với các chương trình vì cộng đồng.

Cầm nhà, bán xe lo cho người nghèo

Hoàng Tuấn Anh từng có thời gian sinh sống và làm việc ở Úc nhưng cuối cùng anh vẫn chọn về Việt Nam để phát triển sự nghiệp. Trở về nước, anh khởi nghiệp trong lĩnh vực khóa điện tử và nhanh chóng thành công. Đại dịch COVID-19 ập đến khiến anh gác lại việc chinh phục mục tiêu đứng đầu Đông Nam Á trong ngành khóa để thực hiện một “ sứ mệnh” quan trọng khác. “Tôi nghĩ kiếm tiền thì kiếm lúc nào cũng được nhưng ở thời điểm đó rất nhiều người cần mình. Mình phải cố gắng để cùng bà con nghèo vượt qua đại dịch” - anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ lý do phát minh ra ATM gạo.

Mỗi ngày nhóm của Hoàng Tuấn Anh nhận được hàng trăm cuộc gọi. Nhờ sự hỗ trợ từ Hội doanh nhân trẻ TPHCM, từ 90 bình oxy loại 8 lít ban đầu, hệ thống ATM oxy đã mở rộng tới 12 quận, huyện và các bệnh viện với hơn 300 bình oxy. Gần 100.000 bệnh nhân COVID-19 và các F0 đã được Hoàng Tuấn Anh và các cộng sự cung cấp oxy miễn phí.

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát , cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, Hoàng Tuấn Anh gồng mình để vượt khó nhưng so với nhiều người chạy từng bữa ăn cho gia đình, anh thấy mình may mắn hơn. Từ suy nghĩ “Một miếng khi đói bằng gói khi no” chiếc máy “ATM gạo” đầu tiên đã ra đời, đặt tại đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TPHCM). Thay vì mua gạo đóng vào túi để tặng từng người, Hoàng Tuấn Anh chọn cách tạo ra chiếc máy phát gạo để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh tập trung đông người để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi người nhận được 1,5 - 2kg, tạm đủ cho vài bữa ăn của một gia đình.

Cha đẻ ATM gạo, chuyện giờ mới kể - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng nhận gạo từ máy ATM gạo đầu tiên tại quận Tân Phú thời điểm bùng phát dịch COVID-19 giữa năm 2021

Một tuần sau khi ra đời, "ATM gạo" ở TPHCM đã lan tỏa khắp cả nước. ATM gạo trở thành biểu tượng nghĩa tình cho một tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn. Từ ATM gạo, sau khi TPHCM kết thúc giãn cách xã hội, ông chủ PHG Lock tiếp tục triển khai “ATM khẩu trang” miễn phí dành cho người nghèo. Đầu năm 2020, anh không ngần ngại, "xuất kho" góp hơn 100 chiếc chuông cửa camera thông minh cho hai bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, Cần Giờ và Viện Pasteur TPHCM. Thiết bị trên lắp trong các phòng áp lực âm, phòng xét nghiệm giúp 3-4 y bác sĩ hỗ trợ được cho khoảng 300 bệnh nhân thông qua một ứng dụng cài đặt trên điện thoại, giúp các thầy thuốc hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Các đợt dịch COVID-19 nối tiếp ập đến làm công ty cạn kiệt dòng tiền. Hoàng Tuấn Anh phải bán nhà, cầm cố tài sản, chẳng ngại hy sinh lợi ích riêng để đóng góp cho cộng đồng. “Không còn tính mạng thì tiền không còn ý nghĩa gì nữa” - Hoàng Tuấn Anh nghĩ như thế khi quyết định bán chiếc Mercedes sang trọng để duy trì ATM gạo cho người nghèo.

ATM oxy ra đời trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, số người mắc COVID-19 tăng đột biến. Nhiều F0 nặng điều trị tại nhà cần cung cấp oxy gấp để duy trì sự sống. Tuy biết đang đối mặt với nguy hiểm, Hoàng Tuấn Anh và các cộng sự vẫn tiếp tục đem đến hy vọng cho nhiều người đang mấp mé giữa lằn ranh sinh tử.

Việt Nam Town cho người Việt ở Malaysia

Giờ đây, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cha đẻ của những “ATM nhân đạo” bắt đầu tập trung khôi phục lại công việc kinh doanh. Theo Hoàng Tuấn Anh, DN Việt cần tìm thêm những miền đất mới để mở rộng phạm vi hoạt động, kinh doanh. Anh có định hướng mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á mà đầu tiên ở chính quê hương của vợ anh - Malaysia.

“Tôi may mắn mua được khu đất rộng 6.000 m2 tại trung tâm Thành phố Johor Bahru - nơi được gọi là thiên đường mới nổi của Malaysia - với giá rẻ bằng 60% so với trước dịch. Đây là khu đất hiếm hoi có "view" biển, hướng sang Singapore và cách cửa khẩu qua Woodland (Singapore) chỉ 1 km”. Tự tin với các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà", tôi mạnh dạn đầu tư dự án Vietnam Town”, Hoàng Tuấn Anh cho hay.

Với mong muốn được là người đồng hành và kết nối, cha đẻ ATM gạo trở thành người khởi xướng để bất kỳ một DN Việt nào cũng sẽ có cơ hội đầu tư sang nước ngoài. Đây cũng là địa điểm để các DN trong nước kết nối với các DN Malaysia, trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt để tìm kiếm, mở rộng thị trường sau đại dịch. Theo Hoàng Tuấn Anh, thành phố Johor Bahru hiện có gần 60.000 người Việt đang sinh sống. Vietnam Town sẽ trở thành nơi tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng người Việt tại Malaysia. Không chỉ vậy, dự án còn giúp hình ảnh Việt Nam đến gần hơn bạn bè quốc tế. Sự hợp tác này còn tạo dấu ấn giúp tăng cường tình hữu nghị với Malaysia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại