Lượng đặt hàng bùng nổ ở quốc gia tỷ dân
Tại một nhà máy khởi nghiệp ở Hosur, một thành phố phía nam Ấn Độ, dây chuyền lắp ráp đang hoạt động với tốc độ nhanh như chớp. Tại đây, cứ 90 giây lại có một chiếc xe máy điện hoàn toàn mới được tung ra, doanh số bán hàng của công ty cũng theo đó mà tăng vọt.
Ông Tarun Mehta, Giám đốc điều hành Ather Energy, một nhà sản xuất xe máy điện, cho biết: “Xe hai bánh chạy điện đang phát triển rất nhanh và lượng đặt hàng đang bùng nổ."
Ông cho biết, cách đây 3 năm, công ty chỉ bán được khoảng 200 chiếc mỗi tháng. Bây giờ, con số bây giờ lên khoảng 15.000 chiếc hàng tháng. “Doanh thu đang tăng chóng mặt,” Mehta nói với CNN.
Đây chính là tình hình hiện tại của Ấn Độ khi nước này đẩy mạnh điện khí hóa thị trường phương tiện cá nhân rộng lớn và dự kiến sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD vào năm 2030. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, xe hai và ba bánh là trọng tâm chính, vượt trội so với các phương tiện giao thông khác, chẳng hạn như ô tô, gấp khoảng bốn lần.
Những chiếc xe máy điện được bán với giá ít nhất là 1.000 USD. Đăng ký cho những phương tiện như vậy đã tăng hơn 10 lần trên toàn quốc trong 3 năm qua.
Giống như nhiều quốc gia, Ấn Độ đang chạy đua để trở nên 'xanh hơn, với mục tiêu xe điện (EV) chiếm 1/3 tổng doanh số bán ô tô cá nhân và 80% doanh số bán xe hai và ba bánh vào cuối thập kỷ này. Bằng cách đó, nước này hy vọng sẽ cung cấp một hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển khác.
Nhưng để đạt được điều đó, các chuyên gia cho rằng có nhiều trở ngại lớn đang cản trở, bao gồm việc giảm giá và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Brajesh Chhibber, một đối tác của McKinsey, người đồng lãnh đạo nhóm chuyên gia tư vấn của công ty về tính di động trong tương lai ở Ấn Độ, cho biết: “Trong ba năm qua, một lượng lớn động lực đáng kể đã được đưa vào thị trường.
Năm ngoái, gần 7% tổng số xe hai bánh bán ra là xe điện - tăng từ “số lượng gần như không đáng kể của ba năm trước” lên 1 triệu chiếc, ông lưu ý. "Đó là một bước nhảy vọt đáng kinh ngạc."
Điều này được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước, đặc biệt là thông qua một chính sách được gọi là “FAME", Áp dụng và Sản xuất Xe Điện Nhanh hơn. Chương trình bắt đầu vào năm 2019, đang rót hơn 100 tỷ rupee (khoảng 1,2 tỷ USD) để trợ cấp xe điện cho người tiêu dùng và thiết lập hàng nghìn trạm sạc xe điện trên toàn quốc.
Trợ cấp đã đóng một vai trò rất lớn trong làn sóng áp dụng gần đây. Ví dụ, một chiếc xe hai bánh tốc độ cao ở Delhi giờ đây có thể chỉ đắt hơn 15% đến 20% so với loại tương đương chạy bằng động cơ diesel khi bao gồm các khoản trợ cấp của liên bang và tiểu bang, so với mức lên tới 30% nếu không có trợ cấp. Điều đó đã giúp khuyến khích nhiều người tiêu dùng thực hiện chuyển đổi.
Ather, một trong hàng chục công ty khởi nghiệp được hưởng lợi, coi quá trình chuyển đổi không khác gì một “cuộc cách mạng”. Theo dữ liệu của chính phủ, họ cùng với ít nhất 55 nhà sản xuất xe điện khác đang đua nhau phát triển để đáp ứng nhu cầu.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 thế giới
Tương tự Ấn Độ, do xe máy là phương tiện lưu thông phổ biến hàng đầu, ngành công nghiệp xe máy điện tại Việt Nam cũng đang không ngừng phát triển. Vero (đơn vị tư vấn truyền thông thương hiệu tại ASEAN) trích dẫn số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30 – 35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện lớn nhất ASEAN và đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.
Đây là cuộc chơi của các nhà sản xuất trong nước như: VinFast, Selex Motors, hay Dat Bike, cùng sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới.
Theo báo cáo từ Motorcycle Data, năm 2020, VinFast vươn lên trở thành hãng xe chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xe máy điện Việt Nam với 43,4%. 6 tháng đầu năm 2022, doanh số xe máy điện VinFast tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt trung bình khoảng 15.000 xe/tháng trong bối cảnh doanh số xe máy phục hồi chậm sau đại dịch. Thực tế cho thấy, hãng xe Việt vẫn duy trì vị thế là thương hiệu xe máy điện dẫn dắt thị trường với nhiều lợi thế cạnh tranh như pin, sạc điện, dịch vụ bảo dưỡng,...
Mới đây, thương hiệu Trung Quốc Yadea gây chú ý khi quyết định xây nhà máy tại Bắc Giang (Việt Nam). Theo Motorcycles Data, Yadea từ sự ngờ vực đã vươn lên trở thành thương hiệu xe máy điện Top 3 tại Việt Nam. Tính đến quý 2/2023, tổng số xe máy điện VinFast lưu hành tại Việt Nam là 182.000 xe, thì với Yadea là 100.000 xe tính đến tháng 8/2023.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 50% người dùng sử dụng xe điện, hướng tới 100% người dân sử dụng xe điện vào năm 2050. Nỗ lực cho giao thông xanh mở ra triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp phát triển xe điện.