Tờ Nikkei Asia Review cho hay ngành bất động sản Trung Quốc đang lâm vào cảnh thê thảm chưa từng thấy khi thua lỗ, nợ nần khổng lồ, doanh số thì giảm mạnh khiến họ phải cắt giảm hàng loạt lao động.
Thua lỗ, nợ nần, sa thải
Hãng bất động sản (BĐS) Yozhou Group mới đây đã tuyên bố sa thải 39% lao động toàn công ty nhưng không nói chi tiết. Chủ tịch Guo Yinglan phát biểu rằng công ty cần tinh giản bộ máy để phù hợp với tình hình khó khăn trên thị trường hiện nay.
Báo cáo tài chính của hãng cho thấy chi phí quản lý của công ty đã giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là nhờ sa thải bớt lao động.
Câu chuyện của Yuzhou chỉ là một trong vô số các hãng BĐS trên khắp Trung Quốc đang phải gồng mình sống sót nhằm tránh phá sản. Như một hệ quả tất yếu, việc cắt giảm hàng loạt nhân sự để tiết kiệm chi phí là điều hiển nhiên.
Với Yuzhou, hãng đã không thể thanh toán khoản lãi vay 842 triệu USD trái phiếu ngoại tệ và đang vỡ nợ tổng cộng 2,09 tỷ USD (gần 53 nghìn tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp BĐS này lỡ hạn thanh toán 38,71 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 4,95 tỷ USD trái phiếu, trong khi tổng tiền mặt và các khoản tương đương tiền chỉ còn 3,77 tỷ Nhân dân tệ.
Năm 2023, Yuzhou công bố khoản lỗ ròng 10,52 tỷ Nhân dân tệ, tức năm thứ 2 liên tiếp có khoản lỗ hơn 10 tỷ Nhân dân tệ.
Tương tự, tập đoàn BĐS KWG tại Guangzhou cho biết đã đuổi việc 40% lao động trong năm 2023. Đích thân Chủ tịch Kong Jianmin chỉ biết chân thành xin lỗi những nhân viên đã đóng góp cho tập đoàn này suốt nhiều năm mà chẳng biết nói gì hơn.
Cũng giống như Yuzhou, tập đoàn KWG đã lỗ ròng 18,73 tỷ Nhân dân tệ năm 2023, tương đương mức lỗ gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó.
Doanh nghiệp này cũng mất khả năng thanh toán hàng loạt trái phiếu đáo hạn dẫn đến vỡ nợ về kỹ thuật. Tổng số nợ và lãi vay mà công ty này mất khả năng thanh toán tính đến cuối năm 2023 lên đến 32,82 tỷ Nhân dân tệ.
Một công ty BĐS khác là Redsun Properties tại Nanjing cũng đã phải cắt giảm 30% lao động mà chẳng có lấy một lời giải thích.
Công ty Redsun đã lỗ ròng 7,21 tỷ USD năm 2023, tương đương mức lỗ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tổng khoản nợ và lãi vay lỡ hẹn thanh toán của hãng lên đến hơn 8 tỷ Nhân dân tệ.
Ngoài ra, Redsun cũng mất khả năng thanh toán 1,5 tỷ Nhân dân tệ tiền vay ngân hàng. Điều này khiến công ty đang bị các chủ nợ kiện ra tòa án.
Cùng cảnh ngộ, hãng Times China Holding cũng cắt giảm 1/3 nhân lực do ngập trong nợ nần và mất khả năng thanh toán. Tập đoàn Central China Real Estate cũng đuổi việc 23% lao động vì thua lỗ.
Vực sâu chưa thấy đáy
Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy tổng doanh số ngành BĐS tại Trung Quốc đã tăng trưởng bền vững từ 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2003 lên 15 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2021. Tuy nhiên con số này đã giảm mạnh xuống dưới 12 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2023.
Trong năm ngoái, doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm 6,5%. Riêng trong tháng 12/2023, tỷ lệ này là giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích các dự án phát triển BĐS của nước này trong năm ngoái giảm 9,6% trong khi dòng tiền đổ vào thị trường đang ngày một giảm đi.
Việc không bán được dự án trong bối cảnh chính phủ siết chặt nguồn vay vốn, cùng các khoản nợ khổng lồ đáo hạn đang bóp nghẹt vô số công ty BĐS.
"Thị trường vẫn chưa thấy đáy đâu, nên đà giảm vẫn sẽ còn dài đấy", chuyên gia kinh tế trưởng Alicia Garcia-Herrero của Natixis chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương cảnh báo.
Đồng quan điểm, tờ New York Times (NYT) cho hay tính từ năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã có hơn 50 doanh nghiệp BĐS vỡ nợ khiến 500.000 người mất việc làm.
Báo cáo của Nomura Securities thì cho thấy hơn 20 triệu căn hộ đã được bán nhưng chưa được hoàn thành tại Trung Quốc. Hãng ước tính cần khoảng 450 tỷ USD để có thể xây dựng xong những dự án này để bàn giao cho người mua.
Trong bối cảnh thị trường đỏ lửa như hiện nay, chẳng có nhiều người dân dám mua nhà vì sợ mất giá, qua đó càng khiến thị trường đi xuống làm người mua sợ hãi hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.